Thế giới có trên 38,7 ca mắc COVID-19

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bansko, Bulgaria - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 365.941 trường hợp mắc COVID-19 và 5.825 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 38,7 triệu người.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 38.714.755 ca, trong đó có 1.096.065 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 29.098.677 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 70.072 ca và 8.520.013 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 14/10, thế giới có tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ. Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước.

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (67.988 ca), Mỹ (54.660 ca), Brazil (26.040 ca) và Pháp (22.591 ca); trong khi đó Mỹ (với 896 ca), Ấn Độ (694 ca), Brazil (684 ca) và Mexico (với 475 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.145.010 ca nhiễm và 221.769 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 7.305.070 ca nhiễm và 111.311 ca tử vong, và Brazil với 5.140.863 ca nhiễm và 151.747 ca tử vong.

Ngày 14/10, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump thông báo con trai Barron Trump, 14 tuổi, của bà và Tổng thống Trump từng có xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết người con trai Barron ban đầu có xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2 ngay sau khi bà Melania và Tổng thống Trump mắc COVID-19 vào đầu tháng này. Sau khi xét nghiệm lại, Barron có kết quả dương tính, tuy nhiên không có triệu chứng. Hiện Barron đã có kết quả âm tính.

Cùng với thông báo trên, Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng cho biết bà có xét nghiệm âm tính với COVID-19 sau một thời gian điều trị và tự cách ly tại Nhà Trắng.

Tại châu Âu, tình hình dịch có diễn biến phức tạp khi Nga, Ba Lan, Croatia và Slovenia đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày, trong khi nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế.

Ngày 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng bốn tuần kể từ ngày 17/10, từ 21h đến 6h, tại vùng thủ đô Ile-de-France và 8 thành phố lớn là Lille, Rouen, Saint-Etienne, Toulouse, Lyon, Grenoble, Aix và Montpellier. Tình trạng y tế khẩn cấp cũng được thiết lập lại từ ngày 17/10.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, Pháp - Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, Pháp - Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Paris, trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Macron khẳng định rằng tất cả các rạp hát, nhà hàng, quán bar ở Ile-de-France và 8 thành phố chịu lệnh giới nghiêm sẽ phải đóng cửa lúc 21 giờ.

Tuy nhiên, đây không phải là lệnh cấm đi lại hoàn toàn từ 21 giờ đến 6 giờ, mà là một sự hạn chế tối đa. Các phương tiện công cộng vẫn tiếp tục hoạt động, song những người đi lại trong khoảng thời gian trên phải có giấy chứng nhận về lý do di chuyển, dựa trên mô hình trong thời kỳ phong tỏa quốc gia trước đây. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro.

Tổng thống Macron cho biết sẽ không đóng cửa các trường học và cửa hàng dịch vụ. Mục tiêu của lệnh giới nghiêm nhằm giảm bớt những tiếp xúc không cần thiết song vẫn phải tiếp tục duy trì đời sống xã hội bằng các biện pháp bảo vệ hữu ích, như đeo khẩu trang tại các trường phổ thông và đại học.

Cùng ngày, bộ Y tế Pháp xác nhận 22.591 trường hợp mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 779.063 người kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tỉ lệ người nhiễm virus trên số người làm xét nghiệm lên tới 12%. Số ca tử vong trong bệnh viện là 104, như vậy 33.037 người đã chết vì COVID-19 tại Pháp. Trong số 1.133 người phải nhập viện trong 24 giờ qua, 193 người được đưa vào phòng hồi sức tích cực.

Tại Nga, ngày 14/10, Thị trưởng TP Moscow Sergei Sobyanin cho biết chính quyền thủ đô sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến cho nhiều học sinh kể từ ngày 19/10 nhằm khống chế dịch COVID-19.

Trong thông báo đăng trên trang web, Thị trưởng Sobyanin nêu rõ biện pháp trên sẽ áp dụng với học sinh lớp 6 đến lớp 11 trong 2 tuần, trong khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ quay lại trường vào ngày 19/10 sau kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần. Nga hiện có tổng cộng hơn 1,34 triệu ca mắc COVID-19 trong đó có khoảng 23.200 ca tử vong.

Trong thông báo mới nhất, Nga cho biết sẽ nối lại các chuyến bay tới Nhật Bản, Cuba và Serbia. Cụ thể, Chính phủ Nga tuyên bố đã cấp phép mỗi tuần thực hiện 2 chuyến bay tới thủ đô Belgrade của Serbia, 2 chuyến bay tới Cuba và 3 chuyến bay tới thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho rằng Nga có thể tránh được việc phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới do dịch COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ, bà Golikova nêu rõ những biện pháp hiện nay của nhà chức trách và việc Nga có 2 vắcxin cho phép chính phủ có thể tuyên bố tình hình đang trong tầm kiểm soát và sẽ không cần thêm các biện pháp hạn chế mới. Nga hiện có tổng cộng hơn 1,34 triệu ca mắc COVID-19 trong đó có khoảng 23.200 ca tử vong.

Tại Vương quốc Anh, khu vực Bắc Ireland chỉ có khoảng 1,9 triệu dân, nhưng đã có hơn 800 ca nhiễm mới/ngày trong tuần qua. Trước tình hình này, chính quyền Bắc Ireland đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 4 tuần. Toàn bộ ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa, ngoại trừ các doanh nghiệp bán thực phẩm mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng. Trước đó, những doanh nghiệp này vẫn được phép phục vụ khách ở ngoài trời.

Cùng ngày, giới chức y tế Croatia đã ghi nhận thêm 748 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 21.741 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 211 ca tại thủ đô Zagreb và đây cũng là mức cao nhất theo ngày tại thành phố này. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Croatia hiện là 334 ca.

Kể từ tuần này, Croatia đã siết chặt các biện pháp chống dịch. Việc đeo khẩu trang tại các tòa nhà công cộng là bắt buộc. Các nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa và nửa đêm và hạn chế lượng khách. Ban tổ chức các sự kiện có hơn 50 người tham gia cần phải xin cấp phép trước 5 ngày.

Trong khi đó, Slovenia cũng ghi nhận thêm 707 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, mức cao nhất theo ngày tại nước này. Slovenia hiện có tổng cộng 9.938 ca nhiễm và 175 ca tử vong do COVID-19.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tại nhiều nước châu Âu không ngừng tăng, Chính phủ Bulgaria đã phải kêu gọi người dân tuân thủ quy định phòng dịch, trong khi vùng Catalonia của Tây Ban Nha phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới.

Ngày 14/10, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kostadin Angelov đã hối thúc người dân nước này tuân thủ quy định về đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng và trong các tòa nhà, cũng như duy trì giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới theo ngày tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong tuyên bố, Bộ trưởng Angelov cho rằng người dân và doanh nghiệp Bulgaria thường phớt lờ các biện pháp hạn chế dơn giản, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nước này vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Quan chức này nhấn mạnh Bulgaria không có kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế mới, đóng cửa trường học và các cửa hàng, hay cấm đi lại giữa các thành phố dù số ca nhiễm mới đã tăng mạnh vào tuần trước.

Tại Tây Ban Nha, vùng Catalonia đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 15 ngày kể từ ngày 15/10, hạn chế mở lại cửa hàng và công viên để khống chế dịch. Các nhà hàng sẽ chỉ được phép bán đồ ăn mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng. Với gần 900.000 ca mắc và hơn 33.000 ca tử vong, Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Tây Âu. Thủ đô Madrid và các khu ngoại ô lân cận đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần vào tuần trước.

Trong khi đó, CH Czech đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế mới phòng chống COVID-19, theo đó tất cả các nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ, phòng tập thể thao, vật lý trị liệu… phải đóng cửa đến ngày 3/11. Cũng theo quy định mới, tất cả các trường học tại Czech, ngoại trừ trường mẫu giáo, sẽ đóng cửa từ ngày 14 - 23/10.

Tại Romania, kể từ ngày 15/10, chính phủ sẽ cấm tất cả các sự kiện trong nhà và ngoài trời do người dân tự tổ chức; yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng tại những thị trấn có tỉ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trung bình trong 2 tuần qua vượt 3 ca/1.000 dân.

Ngày 15/10, tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các bộ trưởng và thủ hiến các bang đã thảo luận và đưa ra các quyết sách ứng phó trước sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 trong những ngày gần đây.

Các quy định chặt chẽ hơn đã được Chính phủ quyết định như lệnh giới nghiêm, yêu cầu đeo khẩu trang mở rộng và giới hạn số lượng người tham gia lễ kỷ niệm. Cụ thể, tại các điểm nóng dịch COVID-19 với tỉ lệ lây nhiễm 50 người/100.000 dân trong vòng 1 tuần, lệnh giới nghiêm chung sẽ được áp dụng vào lúc 23h đối với ngành kinh doanh ăn uống, các quán bar, nhà hàng và các hộp đêm sẽ phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khu vực có giới hạn lây nhiễm mới 35 ca nhiễm/100.000 dân trong 1 tuần, yêu cầu đeo khẩu trang cũng sẽ được mở rộng, điều này cũng áp dụng đối với những nơi đông người.

Tại châu Phi, Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số vùng nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang gây quá tải cho các bệnh viện của nước này. Cụ thể, 2/3 các chính quyền tỉnh ở Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn địa phương. Tại nhiều khu vực trong số này, một số biện pháp phòng ngừa bổ sung cũng đã được triển khai, như đóng cửa các chợ, hạn chế số lượng khách hàng tại các quán cà phê...

Ngày 14/10, Nội các Nam Phi thông báo quyết định gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia thêm 1 tháng nhằm tiếp tục duy trì các quy định và biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.608 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 19.620 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.

Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Về tình hình phát triển vắcxin, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/10 thông báo Nga đã phê chuẩn vắcxin thứ hai ngừa COVID-19. Trước đó, vào tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắcxin ngừa COVID-19, mang tên Sputnik V. Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vắcxin Sputnik V.

Ngày 14/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua gói tài chính trị giá 12 tỉ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vắcxin phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị căn bệnh này.

Trong tuyên bố ngày 13/10, WB cho biết kế hoạch tài trợ trên là một phần trong nguồn tài chính cứu trợ trị giá 160 tỉ USD mà Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group - WBG) đã cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển đến tháng 6/2021, nhằm giúp các nước này đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.

Theo Chủ tịch WBG David Malpass, việc tiếp cận với các loại vắcxin an toàn và hiệu quả, cũng như tăng cường hệ thống phân phối vắcxin có vai trò then chốt trong việc làm thay đổi chiều hướng của đại dịch và giúp các nước hồi phục sau những tác động về kinh tế và tài chính nặng nề. WB cho rằng chương trình hỗ trợ tài chính trên sẽ bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật cho các nước tiếp nhận sẵn sàng triển khai tiêm vắcxin.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/247694/the-gioi-co-tren-38-7-ca-mac-covid-19.html