Thế giới đã có hơn 13,6 triệu ca mắc Covid-19

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 16-7, thế giới đã ghi nhận 13.622.423 ca mắc Covid-19, trong đó có 585.618 ca tử vong.

Châu Á

Ngày 15-7, tại Ấn Độ, với việc tổng số ca mắc Covid-19 lên tới gần 1 triệu ca, chính quyền nhiều bang ở nước này quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trở lại. Theo đó, từ ngày 15-7, bang Bangalore - trung tâm công nghệ miền Nam Ấn Độ - đã áp đặt biện pháp phong tỏa trong một tuần, trong khi bang miền Đông Bihar thực hiện phong tỏa trở lại trong hai tuần.

Hàng chục bang ở Ấn Độ, trong đó có Maharashtra, Tamil Nadu, West Bengal và Assam, đã phong tỏa những khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19, chỉ cho phép cung cấp lương thực và mở cửa các dịch vụ y tế thiết yếu.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng.

Trong ngày 15-7, chính quyền đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Giới chức y tế Hong Kong thừa nhận tình hình "rất đáng lo ngại" khi hơn 70% số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày khi có thêm 87 trường hợp tử vong. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 1.522 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này lên 80.094 người, trong đó có 3.797 trường hợp tử vong.

Để khống chế sự lây lan của đại dịch, Philippines đang triển khai lực lượng cảnh sát nhằm đảm bảo những người có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và không thể tự cách ly tại nhà sẽ được đưa tới các trung tâm cách ly. Nhà chức trách nước này cũng đang tăng cường xét nghiệm, tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và xây dựng thêm hàng chục trung tâm cách ly phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Châu Mỹ

Diễn biến dịch Covid-19 tại Mỹ và Mexico đang rất phức tạp với số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày đều ở mức cao. Nước Mỹ hiện ghi nhận 3.609.105 ca nhiễm và 139.981 ca tử vong, cao nhất thế giới. Các bệnh viện tại Mỹ đang tăng cường nhập kho các chủng loại thuốc kháng vi rút như remdesivir cùng với các loại phổ biến khác như acetaminophen.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt về thuốc dùng cho điều trị đặc biệt (ICU) vẫn là vấn đề nan giải. Ngày 15-7, công ty sinh học Moderna của Mỹ thông báo, ngày 27-7 tới sẽ tiến hành giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 do công ty phát triển.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump lên tiếng khuyến khích người dân Mỹ đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Trước đó, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại những nơi công cộng.

Giám đốc CDC, ông Robert Redfield, từng hối thúc Tổng thống D.Trump đeo khẩu trang để làm mẫu cho người dân trên toàn nước Mỹ. Ông Redfield từng tuyên bố có thể kiểm soát được đại dịch nếu tất cả mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong vòng 8 tuần.

Trong khi đó, Mexico đã ghi nhận thêm 7.051 ca nhiễm mới và 836 ca tử vong. Cả hai con số này đều nằm trong số những mức cao nhất nước này từng ghi nhận. Việc các ca nhiễm mới và tử vong có xu hướng gia tăng sau khi Mexico từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch đã buộc chính phủ nước này phải cân nhắc các bước đi tiếp theo một cách thận trọng.

Châu Âu

Tại Pháp, công viên Disneyland ở thủ đô Paris đã mở cửa trở lại để đón du khách sau 4 tháng đóng cửa nhưng đi kèm các quy định phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt. Theo đó, khách du lịch khi vào công viên phải đeo khẩu trang và đăng ký từ trước. Số lượng người vào công viên cũng bị hạn chế và phải giữ khoảng cách 1 mét. Hàng trăm lọ dung dịch sát trùng tay và các điểm rửa tay được đặt rải rác trong công viên.

Bộ Ngoại giao Áo cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại đối với vùng Lombardy, khu vực từng là tâm dịch ở Italia, do số ca mắc mới đã giảm. Động thái này sẽ mở đường cho việc nối lại các chuyến bay giữa thủ phủ Milan của vùng Lombardy và thủ đô Vienna của Áo.

Trung tâm Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) đang tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong không khí từ các hệ thống thông gió và môi trường công sở.

Trong khi các chuyên gia y tế cho rằng vi rút SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu qua giọt bắn thì ECDC từ lâu đã cảnh báo nguy cơ lây lan trong không khí. Điều này có thể gây thêm rủi ro tại các khu vực có không gian kín, đặc biệt là những nơi có hệ thống lưu thông khí kém. Nguy cơ này sẽ càng tăng lên trong mùa đông khi người dân dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn.

Người đứng đầu ECDC Andrea Ammon nêu rõ, hiện chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây lan cụ thể trong không khí, thay vì từ các giọt bắn, song thừa nhận cả hai nguyên nhân đều có thể dẫn đến lây lan vi rút.

Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/972898/the-gioi-da-co-hon-136-trieu-ca-mac-covid-19