Nên ăn mít vào thời điểm nào tốt nhất?
Mít là loại quả được nhiều yêu thích, vậy nhưng nên ăn mít vào lúc nào tốt nhất?
Giá trị dinh dưỡng trong quả mít
Báo Lao động dẫn nguồn trang Everydayhealth cho biết, theo thông tin từ Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g thịt mít chứa 157 calo, 1g chất béo, 38g carbohydrate, 2.8g protein và 2,5g chất xơ. So với các loại trái cây khác, hàm lượng protein của mít ở mức cao – chỉ thua kém các loại đậu.
Không những vậy, trong quả mít còn chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin C, kali, canxi và sắt. Ngoài ra, mít còn là nguồn cung cấp vitamin B6, niacin, riboflavin và axit folic - khoáng chất có tác dụng tốt với hệ thần kinh.
Dưới đây là những tác dụng của quả mít đã được chứng minh:
Tăng cường khả năng chống viêm của cơ thể
Theo các nhà khoa học, để cơ thể không bị viêm nhiễm, nam giới nên bổ sung 90mg vitamin C mỗi ngày, con số này ở nữ giới là 75mg. Mặt khác, 100 gram mít chứa 22,6mg vitamin C, tương đương với 20% nhu cầu mỗi ngày của con người. Do đó, hãy thường xuyên ăn mít để tăng cường khả năng chống viêm của cơ thể.
Làm đẹp da
Chứa hàm lượng chất chống oxy hóa và vitamin dồi dào nên quả mít có khả năng cải thiện sức khỏe làn da và làm chậm quá trình lão hóa. Cụ thể hơn, vitamin C là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh collagen, giúp làn da trở nên căng đầy và mịn màng hơn. Các hợp chất khác như lignans, isoflavone và saponin có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa ở tế bào da.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Với hàm lượng kali và chất xơ cao, mít tác động tích cực với sức khỏe tim mạch của con người. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, kali có khả năng làm giảm áp lực mà muối gây ra lên động mạch (nguyên nhân gây cao huyết áp) còn chất xơ làm giảm mức cholesterol trong máu.
Ăn mít có khả năng giảm cân
Là loại trái cây chứa hàm lượng chất xơ và calo ở mức cao so với các loại quả khác, việc kết hợp mít vào khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và hạn chế việc ăn vặt không cần thiết.
Không những vậy, nếu sử dụng chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật thì lượng calo mà quả mít mang lại cũng giúp người sử dụng cắt giảm tối đa protein từ các loại thịt. Cụ thể hơn, 150g mít mang lại 157 calo so với 375 calo từ thịt lợn, trong khi đó lượng chất xơ được bổ sung nhiều hơn và lượng chất béo bão hòa hấp thụ cũng giảm đi.
Nên ăn mít vào thời điểm nào tốt nhất?
Mít tuy tốt cho sức khỏe tuy nhiên cần ăn đúng thời điểm để đạt được kết quả tốt nhất.
Báo Vietnamnet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết, khi ăn mít, mọi người nên lưu ý thời điểm ăn. Ăn mít tốt nhất là sau bữa cơm 2 giờ. Không nên ăn mít lúc đói để tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Hạn chế ăn mít vào buổi tối vì trong mít chứa hàm lượng chất xơ cao sẽ gây khó tiêu, khó chịu và làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Những người không nên ăn mít
Người mắc bệnh đái tháo đường
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TTND. Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y cho biết, mít có thể làm tăng lượng đường trong máu do chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza. Do đó, người bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều. Khi ăn cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và điều chỉnh liều lượng thuốc trị bệnh nếu cần thiết.
Người bị dị ứng phấn hoa
Những trường hợp này nên tránh ăn mít do có thể phản ứng chéo với mít.
Người có cơ địa nóng trong
Theo TTND. Trần Văn Bản, mít chứa nhiều đường làm tăng chuyển hóa trong cơ thể, có thể gây tình trạng nóng trong, khó chịu. Với người vốn có sẵn cơ địa nóng trong, ăn mít có thể gây mẩn ngứa, mụn nhọt.
Người suy nhược, sức khỏe yếu
Khi cơ thể đang suy nhược, nếu bạn ăn nhiều mít có thể gây đầy bụng, khó chịu, tim phải hoạt động nhiều và nguy cơ tăng huyết áp. Những người đang mệt mỏi nên hạn chế ăn trái cây này.
Bệnh suy thận mạn
Bệnh nhân suy thận mạn nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Ở người suy thận, kali ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu. Tăng kali máu đột ngột có thể làm ngừng tim. Vì vậy, các bệnh nhân bị suy thận mạn tính không nên ăn mít. Ngoài ra, người bệnh thận còn kiêng nhiều loại hoa quả khác như măng cụt, chuối.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nen-an-mit-vao-thoi-diem-nao-tot-nhat-ar881357.html