Thế giới đã ghi nhận gần 386 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 31/1, thế giới đã ghi nhận 385.099.572 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 296.346.470 người đã bình phục. Hiện 94.595 ca đang phải điều trị tích cực và 5.681.386 ca tử vong.

Mỹ ghi nhận hơn 75,5 triệu ca nhiễm, đứng đầu thế giới. Số ca nhiễm ở Mỹ gần gấp đôi nước đứng thứ hai (Ấn Độ - với 41,2 triệu ca), nước đã ghi nhận hơn 41,2 triệu ca. Brazil đứng thứ ba về số ca nhiễm, hiện ghi nhận một nửa số ca ở Ấn Độ - hiện là hơn 25,5 triệu ca. Xét theo số ca tử vong, Mỹ đứng đầu với 907.190 ca, tiếp theo là Brazil với 626.923 ca và Ấn Độ với 495.002 ca. Ở vị trí thứ 4 và 5 là Nga với 330.728 ca và Mexico với 305.893 ca.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 124.664.941 ca nhiễm, trong đó có 1.614.034 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với 99.761.066 ca nhiễm và 1.290.147 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 88,5 triệu ca nhiễm, trong khi con số này ở Nam Mỹ là hơn 48,3 triệu ca.

Tại châu Á, bắt đầu từ sáng 31/1, Nhật Bản đã tái khởi động chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn với việc vận hành trung tâm tiêm chủng do Bộ Quốc phòng điều hành tại thủ đô Tokyo. Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, đối tượng được tiêm tại trung tâm là người trên 18 tuổi, có giấy đăng ký tiêm mũi thứ ba và đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai ít nhất 6 tháng. Loại vắc xin được sử dụng trước mắt là vắc xin của hãng dược phẩm Moderna.

Trong đợt tiêm đầu tiên từ ngày 31/1 đến ngày 5/2, sẽ có tổng cộng 4.320 lượt tiêm, tương đương 720 lượt/ngày và được đặt trước nhanh chóng chỉ sau 9 phút kể từ khi bắt đầu tiếp nhận đặt chỗ. Từ đợt tiêm thứ hai từ ngày 7/2 đến ngày 13/2, sẽ tăng lên 2.160 lượt/ngày và bắt đầu tiếp nhận đặt chỗ từ 18 giờ ngày 31/1.

Những người nằm trong đối tượng tiêm chủng có thể đặt chỗ qua trang web chính thức hoặc qua điện thoại, tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng khuyến cáo người dân nên đặt chỗ qua trang web để đảm bảo không bị nhầm lẫn thông tin.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch khởi động lại trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại tỉnh Osaka do Bộ Quốc phòng điều hành từ ngày 7/2. Khả năng tiêm đợt đầu tại trung tâm này là 960 lượt/ngày và bắt đầu tiếp nhận đặt chỗ từ ngày 4/2. Đây là lần thứ hai Chính phủ Nhật Bản khởi động các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng điều hành tại hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka.

Lần này, các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn mang trọng trách đẩy nhanh quá trình tiêm chủng mũi thứ ba trong thời gian sớm nhất, góp phần củng cố nền tảng sức khỏe người dân trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 30/1 cho biết nước đang bắt đầu nhìn thấy điểm kết thúc của làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Phát biểu trong cuộc họp nội các hằng tuần được phát sóng trực tiếp, Thủ tướng Bennett nêu rõ: “Chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy xu hướng ổn định dần của làn sóng do biến thể Omicron".

Với thái độ lạc quan thận trọng, ông nói: “Tôi lựa chọn từ ngữ rất cẩn thận để tránh tạo tâm lý “kết thúc một giai đoạn” hay việc ăn mừng vì Omicron đã không còn nữa. Ông cảnh báo Israel đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn trog các bệnh viện và số ca nhiễm là vô cùng lớn.

Đến nay, Israel có tổng cộng 2.759.031 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 8.658 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng tăng 1.010 ca trong ngày 30/1 lên 1.069, mức cao nhất kể tháng 2/2021.

Tại châu Phi, ngày 30/1, Viện Pasteur Algeria (IPA) cho biết kết quả giải trình tự gene mới nhất cho thấy biến thể Omicron đã chiếm 93% tổng số các trường hợp nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày ở Algeria. Phóng viên TTXVN tại Algiers dẫn thông báo của IPA cho biết thêm rằng trong các trường hợp nhiễm biến thể Omicron được phát hiện, 57% là biến thể phụ BA.2 và 43% của biến thể phụ BA.1.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng mạnh trong nhiều ngày qua, Algeria cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà cho đại đa số người dân. Bên cạnh đó, người dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19 nói chung và biến thể Omicron nói riêng.

Hiện để đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, chính quyền Algeria đã tái áp đặt nhiều biện pháp mạnh, trong đó bao gồm đóng cửa các trường học trên cả nước từ ngày 20/1, đóng cửa các khu vui chơi giải trí và các khu công cộng ở thủ đô Algiers. Ngoài ra, Algeria đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, đồng thời yêu cầu người dân nhanh chóng đi tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt tại hơn 800 cơ sở tôn giáo trên cả nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Algeria, nước này đã ghi nhận thêm 1.464 trường hợp mắc COVID-19 và 11 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch lên 250.774 trường hợp và 6.566 ca tử vong. Số ca nhiễm mới này đã giảm mạnh so với vài ngày trước đó, với kỷ lục trên 2.500 ca nhiễm mới mỗi ngày.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270482/the-gioi-da-ghi-nhan-gan-386-trieu-ca-nhiem-sars-cov-2.html