Thế giới đã ghi nhận trên 308,19 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 10/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 308.196.821 ca mắc COVID-19 và 5.507.645 ca tử vong. Số ca hồi phục là 259.714.030 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 61.263.030 ca mắc và 859.356 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 35.708.442 ca mắc và 483.936 ca tử vong. Số liệu công bố ngày 10/1 cho thấy trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm gần 180.000 ca mới, tăng gần gấp 6 lần so với một tuần trước đó. Có thể thấy, số ca mắc mới COVID-19 ở Ấn Độ đang tiến gần các mức cao từng ghi nhận trong đợt dịch nghiêm trọng ở nước này hồi năm ngoái. Cùng ngày 10/1, Ấn Độ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi dễ bị tổn thương vì COVID-19. Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ ba và mũi tiêm thứ hai là 9 tháng.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 đang tiếp tục nóng lên tại Philippines. Với 33.169 ca mắc mới ghi nhận ngày 10/1 - mức cao nhất từ trước đến nay, hiện tổng số ca mắc ở nước này đã tăng lên thành 2.998.530 ca. Trong khi đó, tỷ lệ số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm cũng tăng lên mức cao kỷ lục 46%. Ngoài ra, thêm 145 ca tử vong vì dịch COVID-19 được báo cáo, đưa tổng số ca tử vong lên 52.293 ca. Kể từ ngày 8/1 vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines liên tục chạm các mốc cao kỷ lục mới. Giới chức nước này cho rằng nguyên nhân do nhu cầu đi lại của người dân gia tăng trong dịp nghỉ lễ và tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch.
Tại Thái Lan, 7.926 ca mắc mới COVID-19 cùng 13 ca tử vong đã được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.277.476 ca, trong đó có 21.838 người không qua khỏi. Các ca nhiễm chủ yếu tăng lên ở các tỉnh thí điểm mở cửa du lịch, trong khi rất nhiều ổ dịch bùng phát tại các quán ăn và liên quan đến tiệc mừng Năm mới. Biến thể Omicron hiện chiếm hơn 30% số ca mắc mới ở Thái Lan. Hiện Văn phòng Bảo hiểm Y tế quốc gia (NHSO) của Thái Lan đang khẩn trương phân phối miễn phí 1 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đối phó với tình trạng gia tăng ca nhiễm biến thể này.
Còn tại Indonesia, các chuyên gia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron tăng liên tiếp trong 3 tuần qua.
Tại Nhật Bản, nhiều khả năng chính phủ nước này sẽ tiếp tục thắt chặt quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài do lo ngại bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 6. Phát biểu ngày 9/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh COVID-19 từ bên ngoài vẫn là một trong các biện pháp quan trọng trong bối cảnh tình hình biến thể Omicron trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá rõ ràng.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ngày 9/1 nước này đã ghi nhận 8.249 ca mắc mới COVID-19. Thủ đô Tokyo ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 1.000 ca/ngày, cụ thể là 1.223 ca, trong đó hơn một nửa (617 ca) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đa số các chuyên gia y tế của Nhật Bản nhận định nước này đã bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 6 và tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn do sự xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.
Tại châu Âu, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết đã ghi nhận 36.552 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, cao gấp 3 lần con số cách đây 1 tuần, với biến thể Omicron hiện gây ra khoảng 44% số ca mắc mới tại Đức. Lo ngại dịch bệnh lây lan, Đức đã bổ sung 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Như vậy, cho tới nay, Đức đã đưa tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách khu vực có nguy cơ cao.
Theo quy định mới, kể từ nửa đêm 9/1, những người đã ở lại các khu vực có trong danh sách “nguy cơ cao” của Đức 10 ngày trước khi đến nước này phải thực hiện các quy định nhập cảnh khắt khe hơn, đó là những du khách chưa tiêm vaccine sẽ phải cách ly 10 ngày và làm xét nghiệm COVID-19 sau 5 ngày cách ly. Người có kết quả âm tính có thể kết thúc giai đoạn cách ly. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, thời gian tự cách ly sẽ tự động kết thúc 5 ngày sau khi nhập cảnh mà không cần phải làm xét nghiệm. Ngoài ra, tất cả du khách đến từ các khu vực rủi ro cao hoặc khu vực có nhiều biến thể đáng lo ngại đều phải hoàn thành Đăng ký kỹ thuật số khi nhập cảnh.