Thế giới đạt được thỏa thuận khí hậu mơíTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch
Hiệp ước khí hậu Glasgow được coi là sự đồng thuận, thỏa hiệp đáng kể của các nước. Tuy nhiên, thế giới vẫn phải 'làm nhiều hơn nữa' trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trầm trọng trên phạm vi toàn cầu.Theo BBC, sau khi kéo dài thêm một ngày so với lịch trình, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH (COP26) đã bế mạc ngày 13-11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Theo đó, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C. Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ bế mạc Hội nghị COP26. Ảnh: AFP.
“Thỏa thuận đã đặt trọng tâm chưa từng có vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của BĐKH. Hiệp ước dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ” của các nước”, Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ bế mạc hội nghị.
Các nhà quan sát đánh giá Hiệp ước khí hậu Glasgow là một chiến thắng. Bởi đây là lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập trong thỏa thuận của một hội nghị thượng đỉnh của LHQ về khí hậu khi các bên nhất trí kêu gọi giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiệp ước yêu cầu các bên vào cuối năm 2022 phải xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau, để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo Hiệp định Paris; đồng thời thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với BĐKH cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.
Trong 14 ngày diễn ra hội nghị, thế giới đã chứng kiến một loạt các cam kết mạnh mẽ, trong đó nổi bật là hơn 130 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng và xói mòn đất vào năm 2030, gần 90 quốc gia cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020, hay Mỹ và Trung Quốc-hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới-cũng ra tuyên bố chung cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Ngoài ra, đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than-chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019-và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào BĐKH. Thông qua các bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ tinh thần chủ động, tích cực và đi đầu của Việt Nam trong ứng phó BĐKH, đặc biệt là cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đánh giá về kết quả của Hội nghị COP26, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres coi Hiệp ước khí hậu Glasgow là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống BĐKH. Tuy nhiên, ông Guterres cho rằng, bước tiến này vẫn “chưa đủ xa”, phản ánh những mối quan ngại, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới hiện nay. “Chúng ta vẫn có nguy cơ đối mặt với thảm họa về khí hậu”, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, Hiệp ước khí hậu Glasgow là bước tiến lớn song vẫn còn một khối lượng công việc đồ sộ phải làm trong những năm tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cho rằng sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi bởi công việc khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Thập kỷ qua được ghi nhận là thời kỳ nóng nhất trên toàn cầu bởi lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch được con người sử dụng, gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Kết quả của Hội nghị COP26 là một bước tiến tích cực vì một “Hành tinh xanh”. Dẫu rằng việc hiện thực hóa những cam kết đó chỉ có thể kiểm chứng ở tương lai, nhưng tất cả quốc gia cần phải có các hành động chung cụ thể, khẩn cấp ngay từ bây giờ.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/461725-the-gioi-dat-duoc-thoa-thuan-khi-hau-moi.html