Thế giới Di động lãi vỏn vẹn 39 tỷ sau 6 tháng, thu nhập Chủ tịch Nguyễn Đức Tài giảm mạnh

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Chủ tịch CTCP Thế Giới Di Động (mã: MWG) Nguyễn Đức Tài cùng dàn nhân sự trong HĐQT đều ghi nhận thu nhập tháng sụt giảm so với năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Thế giới Di động, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài có thu nhập 226,3 triệu đồng trong nửa đầu năm, tương đương khoảng 37,7 triệu đồng/tháng. Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Trần Huy Thanh Tùng nhận về 160,8 triệu trong 6 tháng, tương đương 26,8 triệu/tháng. Đây cũng là hai lãnh đạo có thu nhập thấp nhất trong HĐQT doanh nghiệp.

Ông Robert Willett (quốc tịch Anh), thành viên HĐQT là người có thu nhập cao nhất với hơn 1,1 tỷ đồng trong 6 tháng, tương ứng mỗi tháng hơn 185 triệu đồng. Hai thành viên còn lại của HĐQT là ông Đặng Minh Lượng và ông Đoàn Văn Hiểu Em nhận về 435,5 triệu và 580,5 triệu, tương đương 72,6 triệu và 96,7 triệu mỗi tháng.

 Ảnh: BCTC hợp nhất quý II/2023 của MWG

Ảnh: BCTC hợp nhất quý II/2023 của MWG

So với năm 2022 (năm đầu tiên MWG công bố thu nhập của các thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc), mức thu nhập này đã giảm khá nhiều. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Tài nhận về 1,9 tỷ đồng cho cả năm 2022, tương đương 160,6 triệu đồng/tháng và gấp hơn 4 lần thời điểm hiện tại chỉ thấp hơn ông Robert Willett với 2,2 tỷ, tương đương 186 triệu/tháng.

Ngoài thu nhập từ lương, trước đây ông Nguyễn Đức Tài còn nhận thêm khoảng 350.000-400.000 cổ phiếu ưu đãi (ESOP) mỗi năm. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, khi trả lời cổ đông về số cổ phiếu ESOP nhận được năm 2021, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết: “Ông chỉ nhớ tỷ lệ chứ không nhớ được số lượng cổ phiếu nắm giữ chính xác, vì lâu lắm không mua bán, lâu lắm rồi cũng không nhận được ESOP”.

Cũng tại báo cáo tài chính quý II, MWG ghi nhận mức lãi thấp kỷ lục trong bối cảnh ngành bán lẻ nói chung và các thiết bị điện tử nói riêng gặp khó khăn khi nhu cầu giảm sút.

Cụ thể, lũy kế 6 tháng, MWG ghi nhận tổng doanh thu 56.570 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận đã “bốc hơi” tới đến 98%, xuống vỏn vẹn hơn 17 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ này đều chỉ vỏn vẹn chục tỷ đồng. Các công ty chứng khoán cho rằng, lãi cùng doanh thu của MWG giảm là hệ quả của chiến dịch "giá rẻ quá" mà đơn vị này tung ra từ đầu tháng 4. Doanh nghiệp đã hạ giá bán điện thoại, laptop, điện máy để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành trong bối cảnh nhu cầu đang rất yếu ớt. Theo MWG, việc khuyến mãi "khủng" để lôi kéo khách hàng là khó tránh khỏi khi sức mua dòng sản phẩm điện thoại suy yếu từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trước đó, tại báo cáo thường niên 2022, doanh nghiệp cho hay: "Biên lợi nhuận gộp của các chuỗi Thế Giới Di Động/ Điện Máy Xanh trong năm 2023 có thể thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và Công ty tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để bán hàng".

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Nhìn vào tình hình kinh doanh các đơn vị ngành bán lẻ trong nửa đầu năm 2023, nhiều đơn vị chứng khoán cho rằng "kết quả này đã chạm đáy". Sau đó, sẽ có mức lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh trong quý IV/2023. Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đã nhấn mạnh rằng: “Thời điểm tiêu dùng tồi tệ nhất và đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, thị trường đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực trong nửa sau 2023”.

Theo VNDirect, cơ sở để đưa ra nhận định trên là những chuyển biến tích cực tại Mỹ khi CPI dần hạ nhiệt, gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa không chỉ tại thị trường này mà tác động lan tỏa toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính được kỳ vọng sẽ tăng tốc từ nửa cuối 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và kinh tế suy thoái, từng bước ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới.

Ngoài ra, xu hướng giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tiêu dùng. Đối với các sản phẩm ICT, đặc biệt điện thoại thông minh, chu kỳ thay điện thoại ước tính từ 2-2,5 năm, theo đó VNDirect kỳ vọng quý IV/2023 sẽ là thời điểm bùng nổ khi niềm tin của người tiêu dùng sau khi chạm đáy sẽ tăng lên và nhu cầu mạnh mẽ sau một năm thắt chặt tiêu dùng.

Cùng quan điểm, Chứng khoán ACBS cũng kỳ vọng vào tương lai của ngành bán lẻ trong nửa cuối năm, dựa trên dự báo về tình hình kinh tế khả quan hơn. Cụ thể, ACBS cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc của lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/the-gioi-di-dong-lai-von-ven-39-ty-sau-6-thang-thu-nhap-chu-tich-nguyen-duc-tai-giam-manh.html