Thế giới Di động (MWG) cổ phiếu lao dốc 29%, chủ tịch chỉ dám mua 11% lượng đăng ký

Chủ tịch Thế giới Di động (MWG) chỉ dám mua 11% so với lượng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu trước đó. Cổ phiếu MWG cũng đã giảm 29% so với đỉnh hồi tháng 9.

Cổ phiếu MWG lao dốc 29%, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chỉ dám mua vào 11% so với lượng đăng ký.

Vừa qua, như một động thái trấn an cổ đông khi khối ngoại liên tiếp "xả hàng" cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG), chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu. Thời gian diễn ra giao dịch từ ngày 8/11/2023 đến ngày 7/12/2023.

Tuy nhiên, thực tế ông Tài chỉ đăng ký mua vào 110.000 cổ phiếu MWG, tương ứng với tỷ lệ mua vào thành công là 11%. Sau giao dịch, ông Tài đã nâng tỷ lệ sở hữu của mình từ 2,4% lên 2,41% vốn điều lệ. Nguyên nhân được ông Tài đưa ra là do diễn biến giá trên thị trường chưa phù hợp.

 Thế giới Di động (MWG) cổ phiếu lao dốc 29%, chủ tịch Tài chỉ dám mua 11% so với lượng đăng ký (Ảnh TL)

Thế giới Di động (MWG) cổ phiếu lao dốc 29%, chủ tịch Tài chỉ dám mua 11% so với lượng đăng ký (Ảnh TL)

Về diễn biến giá cổ phiếu MWG, tại ngày 14/9/2023, cổ phiếu đạt đỉnh với mức giá 57.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, MWG liên tục lao dốc, mất giá với lượng cổ phiếu được khối ngoại "xả hàng" liên tục. Tính đến phiên giao dịch ngày 8/12/2023, cổ phiếu MWG đang được giao dịch ở mức giá 40.900 đồng/cổ phiếu, giảm gần 29% so với đỉnh hồi tháng 9.

Chuỗi các phiên mất giá liên tục của MWG được đánh giá là do động thái "xả hàng" liên tục của quỹ ngoại trong thời gian qua. Cụ thể, quỹ Arisaig Asia Fund từ tháng 4 đến tháng 11 đã liên tiếp bán ra hàng triệu cổ phiếu MWG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4,997% và không còn là cổ đông lớn của Thế giới Di động.

Nhóm Quỹ Dragon Capital cũng có động thái liên tục thoái vốn khỏi MWG với giao dịch lớn nhất diễn ra vào ngày 1/11/2023 bán ra 4,1 triệu cổ phiếu. Quỹ Dragon Capital sau đó đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,19% xuống chỉ còn 6,91%.

Kinh doanh ế ẩm, MWG đóng 200 cửa hàng

Động thái bán ròng của khối ngoại cùng kết quả kinh doanh không mấy khả quan của MWG đã phần nào phản ánh lên diễn biến giá cổ phiếu.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10, MWG ghi nhận doanh thu đạt 11.190 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế doanh thu 10 tháng đầu năm đạt 98.046 tỷ đồng, giảm 14%. So sánh với kết hoạch năm 2023, MWG mới chỉ hoàn thành được 73% mục tiêu ban đầu. Công ty cũng tiếp tục không công bố lợi nhuận tháng như những báo cáo trước đó.

Trên thực tế, tình hình kinh doanh bết bát của MWG đã được nhận ra từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 trước đó. Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 30.287,7 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế quý 3 chỉ đạt 38,8 tỷ đồng, sụt gimar 95,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của MWG đạt 86.858,3 tỷ đồng, giảm 15,5%%. Lãi sau thuế lũy kế 77,5 tỷ đồng tương đương hoàn thành chỉ 1,8% kế hoạch lợi nhuận năm. Với kết quả kinh doanh ngày càng đi lùi như thế này, không quá ngạc nhiên khi MWG đã phải dừng công bố kết quả lợi nhuận hàng tháng.

MWG cũng vừa thông báo về việc công ty đang cân nhắc đóng 200 cửa hàng trong quý 4/2023. Đây là một dấu hiệu không mấy tích cực đối với hoạt động kinh doanh của một đơn vị bán lẻ như Thế giới Di động.

Nợ vay ngắn hạn tăng thêm 6.300 tỷ chỉ trong 9 tháng đầu năm

Không chỉ kết quả kinh doanh, cơ cấu nguồn vốn của MWG cũng cho thấy sự thay đổi. Tại cuối quý 3, tổng tài sản MWG đạt 58.644,8 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm một nửa, chỉ còn 2.351,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng vẫn đang chiếm 20.901,9 tỷ đồng.

Hàng tồn kho có xu hướng giảm từ 25.969,1 tỷ đồng xuống còn 22.853,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm 11%. Công ty đang dự phòng giảm giá hàng tồn kho 226,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ tiêu về tài sản cố định của MWG giảm tới 24,2% xuống chỉ còn 7.370,8 tỷ đồng.

Ghi nhận trong cơ cấu nguồn vốn của công ty, nợ phải trả vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn 60,3% tương đương 35.374,6 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 29.475,3 tỷ đồng.

Một điểm cần lưu ý đó là trong 9 tháng đầu năm 2023, MWG có xu hướng tăng cường nợ vay ngắn hạn. Chỉ tiêu về các khoản vay ngắn hạn đã tăng từ 10.688,1 tỷ lên 17.026,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng tới gần 60%. Điều này tương đương việc chỉ trong 9 tháng đầu năm, nợ vay ngắn hạn của MWG đã tăng hơn 6.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý 3 chiếm 23.270,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được tích lũy tương đối lớn. Lãi sau thuế chưa phân phối chiếm 8.070,1 tỷ đồng.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-di-dong-mwg-co-phieu-lao-doc-29-chu-tich-chi-dam-mua-11-luong-dang-ky-post275604.html