Thế giới Di động ra mắt MWG Shop; Tòa phán Coteccons trả tiền Ricons; F88 vay tiếp quỹ ngoại

Sun Group có thêm Sun PhuQuoc Airways; Coteccons phải trả 170 tỷ đồng cho Ricons; Hoàng Anh Gia Lai thoái toàn bộ vốn tại công ty liên kết; F88 nhận khoản vay 30 triệu USD từ quỹ ngoại; Be dừng tích hợp dịch vụ gọi xe điện của Xanh SM.

Sun Group có thêm Sun PhuQuoc Airways

Ngày 20/5/2025, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg, chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways. Theo Quyết định, nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc. Đây là một công ty thuộc Tập đoàn Sun Group. Tên dự án là “Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways - SPA”.

Phối cảnh dự án đầu tư cải tạo, mở rộng sân bay Phú Quốc.

Phối cảnh dự án đầu tư cải tạo, mở rộng sân bay Phú Quốc.

Theo chủ trương chấp thuận, SPA sẽ có tổng quy mô đội bay dự kiến đến năm 2030 là 31 tàu bay. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 98,81 triệu USD).

Mục tiêu của dự án là thành lập một hãng hàng không mới với mô hình kinh doanh chính là vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thương mại, kết hợp khai thác mô hình charter phục vụ khách du lịch đi đến các trung tâm du lịch, kinh doanh của Việt Nam và thế giới, điển hình là các vùng biển đảo du lịch nổi tiếng, các trung tâm tài chính thương mại nhộn nhịp.

Đặc biệt SPA được mở ra với sứ mệnh đưa du khách từ các nước trên thế giới đến với đảo ngọc Phú Quốc. Và việc có thêm một hãng bay tới đảo ngọc cũng sẽ tạo điều kiện để người Việt Nam có thể đến với Phú Quốc dễ dàng, thuận tiện hơn.

Dự kiến, quý IV/2025, SPA sẽ chính thức khai thác các chuyến bay đầu tiên, kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế - du lịch trọng điểm trong và ngoài nước.

Cùng với Sun PhuQuoc Airways, Sun Group vẫn đang vận hành hãng hàng không chung cao cấp Sun Air, cung cấp các dịch vụ bay private jet được cá nhân và chuyên biệt hóa, dành cho khách hạng sang.

Thế giới Di động trở lại cuộc chơi sàn thương mại điện tử

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã trở lại địa hạt sàn thương mại điện tử bằng việc ra mắt MWG Shop.

MWG Shop hiện được tích hợp vào ứng dụng chăm sóc khách hàng Quà Tặng VIP của MWG. Các chuỗi của tập đoàn bán lẻ này, bao gồm Thế giới Di động, Điện máy Xanh, TopZone, AVAKids đã có mặt trên nền tảng thương mại điện tử vừa được khởi tạo, chỉ vắng mặt Bách hóa Xanh.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Giai đoạn phát triển theo mô hình mở rộng hệ thống cửa hàng đã đến ngưỡng giới hạn.

Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Giai đoạn phát triển theo mô hình mở rộng hệ thống cửa hàng đã đến ngưỡng giới hạn.

Sự trở lại sân chơi thương mại điện tử của MWG được nhìn nhận là khá âm thầm, nhưng sẽ là tay chơi đáng gờm khi sở hữu hệ sinh thái khép kín từ hệ thống hàng ngàn cửa hàng khắp cả nước, cho đến hệ thống kho vận, dịch vụ giao hàng, lắp đặt và hậu mãi tự xây dựng và phát triển nội bộ.

Tập đoàn bán lẻ từng cho biết họ có khả năng mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm omnichannel liền mạch từ các cửa hàng vật lý cho đến kênh mua sắm online.

Kể từ khi đóng cửa trang thương mại điện tử Vui Vui (vuivui.com) vào cuối năm 2018, MWG đã đứng ngoài cuộc đua của các sàn thương mại điện tử, dù vẫn kinh doanh online thông qua các website riêng của từng chuỗi ngành hàng. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nói rằng, giai đoạn phát triển theo mô hình mở rộng hệ thống cửa hàng đã đến ngưỡng giới hạn.

Năm 2025 có vẻ là thời điểm thuận lợi để hãng bán lẻ này trở lại cuộc chơi. Chuỗi Bách hóa Xanh đã có thể tự lo về tài chính và đang tăng tốc mở rộng, trong khi Thế giới Di động, Điện máy Xanh vừa hoàn thành giai đoạn tái cấu trúc và gặt hái hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận trở lại. Quý I/2025, MWG lãi gần 1,55 ngàn tỷ đồng, cao thứ 2 lịch sử hoạt động.

Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Tài từng cho biết sẽ không lao vào cuộc đua đốt tiền, cạnh tranh về giá mà sẽ tập trung vào xây dựng thế mạnh kinh doanh online dựa trên chất lượng dịch vụ, hậu mãi.

Coteccons phải trả 170 tỷ đồng cho Ricons

Cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai doanh nghiệp xây dựng lớn Coteccons và Ricons đã chính thức khép lại, sau khi Tòa án nhân dân TP.HCM ra phán quyết cuối cùng, buộc Coteccons phải thanh toán toàn bộ khoản nợ và lãi chậm trả cho Ricons.

Tòa phán quyết Coteccons phải thanh toán toàn bộ khoản nợ và lãi chậm trả cho Ricons.

Tòa phán quyết Coteccons phải thanh toán toàn bộ khoản nợ và lãi chậm trả cho Ricons.

Ngày 16/5, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) thông báo đã nhận được quyết định số 84/2025/QĐ-PQTT đề ngày 08/05/2025 của Tòa án nhân dân TPHCM về việc xem xét đơn của CTCP Xây dựng Coteccons yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp giữa Ricons và Coteccons liên quan đến công nợ từ các hợp đồng thi công xây dựng cho các dự án Regina tại Hải Phòng và Hưng Yên – nơi Coteccons và Ricons từng hợp tác trong vai trò tổng thầu và thầu phụ.

Coteccons từng gửi đơn đề nghị hủy phán quyết trọng tài được ban hành từ tháng 10/2024, nhưng Tòa án đã bác đơn và giữ nguyên kết luận ban đầu. Phán quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.

Theo đó, Coteccons phải trả cho Ricons tổng cộng khoảng 170 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc, lãi chậm trả từ năm 2021 đến ngày 24/9/2024, cùng các chi phí liên quan như phí luật sư, phí trọng tài và chi phí đi lại của hội đồng xét xử. Ngoài ra, Coteccons còn phải chịu thêm khoản lãi phát sinh sau thời điểm 24/11/2024 cho đến khi thanh toán đủ số tiền trên.

Trong quá khứ, căng thẳng giữa hai bên từng lên đến đỉnh điểm khi vào tháng 7/2023, Ricons đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons, với lý do doanh nghiệp này không thanh toán được nợ đến hạn. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Tòa án bác bỏ.

Hoàng Anh Gia Lai thoái toàn bộ vốn tại công ty liên kết

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thông báo đã thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Á Đông, công ty liên kết duy nhất của Công ty. Giá trị chuyển nhượng là 6 tỷ đồng, cao hơn mức đầu tư ban đầu là 5 tỷ đồng.

HAGL xác định đến năm 2030, diện tích trồng chuối, sầu riêng và những cây có giá trị kinh tế khác là 30.000 ha.

HAGL xác định đến năm 2030, diện tích trồng chuối, sầu riêng và những cây có giá trị kinh tế khác là 30.000 ha.

Theo đó, Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Á Đông không còn là công ty liên kết của HAGL từ ngày 20/5. Trước đó, HAGL nắm giữ 25% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, HAGL chỉ còn lại 12 công ty con, đánh dấu bước đi tiếp theo trong quá trình tái cấu trúc nhằm tinh gọn bộ máy và tập trung nguồn lực cho chiến lược nông nghiệp quy mô lớn.

Chiến lược kinh doanh 2024-2030 của HAGL tập trung vào sáng tạo và chuyển giao giá trị cho các khách hàng lớn. Lựa chọn ngành cây ăn trái và chăn nuôi heo là ngành chủ lực.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chuối, sầu riêng và những cây có giá trị kinh tế khác là 30.000 ha, đưa HAGL trở thành nhóm dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2024, HAGL trồng mới sầu riêng thêm 500 ha, nâng tổng diện tích lên 2.000 ha. HAGL không mở rộng diện tích trồng chuối mới, mà duy trì chăm sóc và thu hoạch trên diện tích 7.000 ha.

F88 Nhận khoản vay 30 triệu USD từ quỹ ngoại

CTCP Kinh doanh F88 thông báo đã đạt được thỏa thuận huy động 30 triệu USD (tương đương khoảng 780 tỷ đồng) từ Lendable – tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở tại London (Anh). Khoản vay trên có kỳ hạn 3 năm, là khoản vay có giá trị lớn nhất mà Lendable từng cấp cho một doanh nghiệp tài chính tại Việt Nam.

 F88 là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được Lendable cung cấp một khoản vay lớn với kỳ hạn dài.

F88 là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được Lendable cung cấp một khoản vay lớn với kỳ hạn dài.

Trước đó, Lendable đã nhiều lần hỗ trợ vốn cho F88 trong các năm 2022 và 2023 với hạn mức từ 5 - 10 triệu USD. Với khoản vay trị giá 30 triệu USD này, tổng mức trợ vốn mà Lendable dành cho F88 đến nay là gần 70 triệu USD.

Việc tiếp tục trợ vốn cho F88 với hạn mức cao hơn rất nhiều cho thấy mức độ tín nhiệm, năng lực quản trị rủi ro và triển vọng phát triển dài hạn của F88 trong mắt các quỹ ngoại ngày càng cao.

“Lendable cung cấp vốn cho các công ty fintech, tài chính vi mô với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân chưa được hệ thống ngân hàng phục vụ đầy đủ. F88 là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được Lendable cung cấp một khoản vay lớn với kỳ hạn dài như vậy. Điều đó cho thấy niềm tin của Lendable vào định hướng chiến lược, hiệu quả vận hành và khả năng quản trị rủi ro của chúng tôi”, Đại diện cấp cao F88 chia sẻ.

Đại diện của F88 cho biết thêm, khoản vay mới từ Lendable sẽ được công ty sử dụng vào việc thúc đẩy kinh doanh, mở rộng quy mô, hướng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu 30% và nâng tổng số lượng khách hàng thêm 30% trong năm 2025. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ giúp F88 có được một vị thế tốt hơn trên sàn UPCoM. Trước đó, ngày 6/5/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận F88 đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành công ty đại chúng.

Be dừng tích hợp các dịch vụ gọi xe điện của Xanh SM

Sau gần hai năm triển khai hợp tác, Be Group thông báo ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe điện GSM (bao gồm Xanh SM Taxi và Xanh SM Bike) trên ứng dụng Be kể từ ngày 21/5/2025.

Be Group thông báo ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe điện GSM.

Be Group thông báo ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe điện GSM.

Trong thông báo chính thức, Be cho biết việc ngừng tích hợp dịch vụ gọi xe GSM xuất phát từ sự thay đổi trong định hướng giữa hai bên. Tuy nhiên, Be khẳng định vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất và thương hiệu xe điện trong và ngoài nước, trong đó có GSM, cùng các định chế tài chính chiến lược nhằm mở rộng các chương trình ưu đãi, hỗ trợ tài xế chuyển đổi sang xe điện một cách hiệu quả.

Hiện tại, xe điện chiếm khoảng 10% trên tổng số 500.000 tài xế đang hoạt động cùng Be Group. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng, khi công ty đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất xe điện, đối tác tài chính trong và ngoài nước nhằm mở rộng nguồn cung xe điện và hybrid, giúp tài xế có thêm lựa chọn vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí và phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Be cho biết đang tích cực làm việc với các đối tác xe điện, công nghệ và tài chính để mở rộng hệ sinh thái "xanh", đồng thời kiến nghị cần thêm hỗ trợ về hạ tầng như mạng lưới trạm sạc, chi phí pin hợp lý và các phần mềm vận hành tối ưu.

Được triển khai từ khoảng giữa năm 2023, sự xuất hiện của Xanh SM Bike và Xanh SM Taxi trên ứng dụng Be từng được xem là cú hích giúp hai ông lớn này trở lại đường đua gọi xe công nghệ. Trong giai đoạn hợp tác, Be đã từng cho biết Xanh SM Taxi đã chiếm 6% tổng số chuyến gọi ôtô trên nền tảng mỗi tháng - cao hơn mức trung bình 2-5% của các nền tảng gọi xe công nghệ khác.

Khánh An tổng hợp

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/the-gioi-di-dong-ra-mat--mwg-shop-toa-phan-coteccons-tra-tien-ricons-f88-vay-tiep-quy-ngoai-d289113.html