Thế giới Đông Nam Á: Điểm sáng với nhiều cơ hội phát triển

TTH - Trong một thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu và lạm phát cao kéo dài, Đông Nam Á được xem như một điểm sáng hiếm hoi để lạc quan, với các nền tảng cơ bản vững chắc, tốc độ tăng trưởng nhanh và một tương lai tươi sáng.

Đông Nam Á hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu. Ảnh minh họa: Congthuong.vn

Tiềm năng của khu vực được thể hiện rõ trong tháng 11, khi là nơi đón tiếp các nhà lãnh đạo toàn cầu đến tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Campuchia, Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Thái Lan và Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Ngoài ra, giữa bối cảnh toàn cầu bị hạ bậc, Báo cáo Triển vọng tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này từ 4,9% lên 5,1%. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng của Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam sẽ tăng từ 3,2% lên 7,6% trong năm nay, bất chấp những bất ổn và biến động kinh tế.

Với những tín hiệu lạc quan này, Đông Nam Á đang giành được sự công nhận về kinh tế. Một cuộc khảo sát với 1.500 công ty từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Mỹ và Vương quốc Anh trong năm nay cho thấy, có đến 90% công ty nước ngoài đang hoạt động trong khu vực có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của họ trong 2 năm tới, và 2/3 trong số đó kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 20% trở lên trong 12 tháng tới.

Chủ nghĩa quốc tế là trọng tâm

Đông Nam Á đã đưa mình vào một loạt các thỏa thuận thương mại có lợi, cả ở châu Á lẫn với châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao trùm toàn bộ Đông Nam Á, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Malaysia, Singapore và Việt Nam là thành viên. Sự cởi mở táo bạo và tập trung vào chủ nghĩa quốc tế đã mang lại hiệu quả: ASEAN trở thành khối thương mại phát triển nhanh nhất thế giới và hiện chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các thị trường nội địa, ASEAN hiện chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu, gần bằng với Trung Quốc đại lục.

Nhưng những lợi ích này đang bị đe dọa trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, nhất là ở các nền kinh tế phát triển. Giữa bối cảnh đó, các hội nghị APEC và G20 trở thành nơi hoàn hảo để các nhà lãnh đạo toàn cầu tái cam kết tuân thủ các nguyên tắc thương mại tự do, và chủ nghĩa đa phương đã giúp cải thiện rõ rệt mức sống ở các nước phát triển, đồng thời giúp hàng tỷ người ở các nước đang phát triển thoát khỏi đói nghèo trong 50 năm qua.

Đông Nam Á thu hút nhiều sự quan tâm của quốc tế ở 3 khía cạnh: nhân khẩu học, kỹ thuật số và tính năng động. Khu vực này hiện có 680 triệu người - nhiều hơn 50% so với Liên minh châu Âu và hơn gấp đôi so với Mỹ. Đáng chú ý, dân số khu vực ngày càng trở nên giàu có và có học thức, với lực lượng lao động ngày càng lành nghề và mức lương cạnh tranh. Một lực lượng dân số trẻ, năng động có nghĩa là tầng lớp người tiêu dùng sẽ ngày càng tăng trong những năm tới. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Đông Nam Á sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiêu dùng mới vào năm 2030.

Những người tiêu dùng mới đó sẽ được trao quyền và kết nối bằng các cơ hội kỹ thuật số ngày càng phức tạp. Một báo cáo cho thấy dân số Đông Nam Á cũng đang tiếp cận Internet với tốc độ chóng mặt. Theo ước tính của eMarketer, doanh số bán hàng thương mại điện tử của khu vực sẽ tăng 21% - mức nhanh nhất trên thế giới - lên 90 tỷ USD trong năm nay.

Bất chấp những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á vẫn đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Khi thế giới dần trở lại bình thường và các hạn chế đi lại được nới lỏng, khu vực này có thể sẽ nhận được sự thúc đẩy đáng kể, đặc biệt là đối với các nền kinh tế chú trọng du lịch như Thái Lan.

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, triển vọng tươi sáng không có nghĩa là Đông Nam Á miễn nhiễm với những “cơn gió ngược” quy mô lớn. Lạm phát toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu và những thách thức địa chính trị sẽ làm gia tăng mức độ bất ổn, ngay cả khi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mang lại nhiều lợi thế trước mắt cho các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Nhưng về lâu dài, thách thức lớn nhất là biến đổi khí hậu. Đông Nam Á là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất trên thế giới về sự nóng lên toàn cầu nói chung và sự gia tăng mực nước biển nói riêng. Về mặt kinh tế, ADB ước tính rằng nếu không được kiểm soát, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 11% GDP của Đông Nam Á vào cuối thế kỷ này. Nhưng khu vực này đã có những cam kết rất rõ ràng. Tất cả 10 quốc gia ASEAN đều đã ký kết hiệp định khí hậu Paris và ASEAN cam kết tạo ra 23% năng lượng tái tạo sơ cấp vào năm 2025.

Bất chấp những bóng đen do đại dịch toàn cầu bao phủ trong vài năm qua và những bất ổn khác của thị trường, nhiều chuyên gia nhận định những năm tới là “thời kỳ đầy hứa hẹn” đối với Đông Nam Á, tràn ngập những cơ hội tiềm năng. Chìa khóa để mở ra tiềm năng này không chỉ là hiểu được động lực của từng thị trường mà còn là hiểu cách giúp các doanh nghiệp trên khắp các thị trường kết nối và làm việc cùng nhau - từ lĩnh vực ô tô ở Thái Lan, sản xuất điện tử ở Malaysia cho đến tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia và các dịch vụ tài chính ở Singapore.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dong-nam-a-diem-sang-voi-nhieu-co-hoi-phat-trien-a121040.html