Thế giới đương đầu với những cơn bão thế kỷ

Từ cuối tháng 9 đến tháng 10, thế giới đã trải qua tới 4 siêu bão, gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc tại nhiều quốc gia khác nhau. Sau khi Yagi tàn phá nhiều quốc gia châu Á, lần lượt đến Helene, Milton đổ bộ vào Mỹ. Tại Trung Âu, bão Boris cũng gây ra đợt ngập lụt 'trăm năm' mới có một lần. Các nhà khí tượng Mỹ cho rằng, chúng ta đang phải đương đầu với 'kỷ nguyên bão', khi mà những trận bão mùa thu đang ngày một dữ dội hơn.

Đường phố trung tâm Fort Myers (tiểu bang Florida, Mỹ) khi bão Milton đi qua.

Đường phố trung tâm Fort Myers (tiểu bang Florida, Mỹ) khi bão Milton đi qua.

Khái niệm “kỷ nguyên siêu bão” lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 2012, sau khi bão Sandy quét qua 24 bang của nước Mỹ, khiến 160 người thiệt mạng, phá hủy hơn 100.000 căn nhà. Vào thời điểm đó, Giáo sư Michael Oppenheimer (Đại học Princeton) đã đưa ra nhận định: Sandy chỉ là điềm báo trước cho những gì sắp diễn ra. Những cơn bão lớn hơn và mực nước biển dâng cao hơn sẽ tạo ra mối đe dọa ngày càng tăng trong những thập niên tới.

Cường độ các cơn bão tăng lên, diễn ra dày đặc hơn

Tháng 9/2020, trên Đại Tây Dương xuất hiện 5 cơn bão mùa thu hoạt động gần như cùng một lúc. 3 năm sau, vào năm 2023, bão lớn đồng loạt hoành hành trên khắp 3 đại dương, bao gồm, bão Freddy và Ilsa ở Ấn Độ Dương, Lee ở Đại Tây Dươngv Jova và Mawar ở Thái Bình Dương.

Sang mùa thu năm nay, liên tiếp các trận cuồng phong tàn phá nhiều quốc gia châu Á và Bắc Mỹ. Đáng chú ý những trận siêu bão kéo dài hơn, di chuyển chậm hơn và sức tàn phá cũng dữ dội hơn.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định, cường độ của những cơn bão có thể sẽ tăng lên mức cao nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu. Tại các vùng biển nhiệt đới gần xích đạo với nước biển đủ ấm (thường cần ít nhất 27 độ C), nhiệt độ cao làm bốc hơi lượng lớn nước và tạo ra không khí nóng ẩm trên bề mặt đại dương. Khi luồng không khí này bốc lên, nó mang theo năng lượng từ mặt biển vào khí quyển, để lại một khoảng không khí trống gần mặt biển và tạo ra khu vực áp suất thấp. Không khí xung quanh bị hút vào khu vực áp suất thấp, chuyển động tạo ra luồng khí xoáy tròn quanh khu vực này, từ đó trở thành bão.

Cho tới nay, câu hỏi "Vì sao siêu bão xuất hiện ngày một nhiều?" vẫn không có câu trả lời thuyết phục. Nhóm các nhà khoa học thời tiết tại Đại học Rowan (Mỹ), Nanyang (Singapore) và Pennsylvania (Mỹ) cho biết, dựa trên phân tích 64.000 mô hình bão trải dài từ đầu thế kỷ 20 đến nay có thể thấy các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á đang thay đổi theo xu hướng hình thành gần bờ hơn, tăng sức mạnh nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn. Điều này khiến nhiều đô thị ven biển của Đông Nam Á đối mặt rủi ro với bão lớn hơn.

Còn tại Mỹ và châu Âu, bão sẽ nhiều hơn vào mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 12). Các siêu bão hình thành trên biển đem theo mưa lớn khi đổ bộ vào đất liền, không loại trừ những trận cuồng phong (sức gió từ 275km/h đến trên 300km/h) sẽ làm nước biển dâng cao, đe dọa trực tiếp tới các cảng biển.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, điều này tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh lên về cường độ và trong tương lai những cơn bão có cường độ ở mức cuồng phong sẽ gia tăng. Năm 2024, là năm chuyển pha El Nino sang Lania, quá trình “bàn giao” dẫn tới mất cân bằng độ ẩm các đại dương khiến các cơn bão với sức gió mạnh và lượng mưa lớn diễn ra dày đặc hơn.

Sà lan mắc cạn ở bờ biển Navotas (Phillippines) sau bão Yagi.

Sà lan mắc cạn ở bờ biển Navotas (Phillippines) sau bão Yagi.

“Bão mùa thu 2024 giống như hai đỉnh núi với một thung lũng ở giữa”

Với ba trận bão cực lớn (Yagi) đổ bộ vào một số nước châu Á; Helene và Milton (đổ bộ vào Mỹ) cuối tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học đã cố công tìm kiếm “thủ phạm” để có thể đưa ra những cảnh báo thiết thực hơn. Tuy nhiên, đó không bao giờ là điều dễ dàng.

Bão Helene gây ngập nặng ở Asheville, North Carolina (Mỹ). Cơn bão này đến nay đã khiến ít nhất 189 người chết, trở thành cơn bão gây chết chóc thứ hai ở Mỹ trong 50 năm qua. Helene mới tạm ngưng thì bão Milton lại tới với những trận mưa được cho là “nghìn năm có một”.

Tiến sĩ Michael Mann, nhà khí hậu học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1 độ C hiện nay đã khiến sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40%. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), ông kêu gọi mở rộng thang đo Saffir-Simpson thêm cấp độ 6 (hiện dừng ở 5 cấp độ) đối với các cơn bão có sức gió trên 308km/h.

Tương tự, nhà khí hậu học David Zierden (bang Florida, Mỹ) cho rằng lượng nhiệt trong các đại dương ở mức kỷ lục đã khiến bão mạnh lên và gây thiệt hại lớn. Hiện tượng "tăng nhanh cường độ", nghĩa là sức gió một cơn bão tăng tốc thêm 55km trong vòng 24 giờ đang trở nên phổ biến hơn. Còn theo tiến sĩ Karthik Balaguru (Phòng thí nghiệm quốc gia tây bắc Thái Bình Dương thuộc Bộ Năng lượng Mỹ) thì sự gia tăng này có thể có tác động nghiêm trọng, đặc biệt nếu xảy ra gần bờ biển trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Việc siêu bão Yagi “ở lại lâu” trong đất liền không chịu tan đã đánh đố các nhà khoa học khí tượng. Đầu tiên, bão Yagi đổ bộ vào Philippines, sau đó di chuyển về phía tây, càn quét qua miền nam Trung Quốc, tiếp tục đi qua Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào, đã trở thành thảm họa to lớn. Đáng nói hơn nữa, khi bão Yagi đã vào đất liền 1 tuần, nhiều khu vực ở vẫn còn ngập nước do mưa lớn kéo dài.

Ông Balaguru cho rằng, bão Yagi cần được coi là sự khủng hoảng thiên nhiên, có nghĩa là nó vượt lên tầm mức của một sự cố thảm họa. Vị chuyên gia này cũng “quy trách nhiệm” cho nhiệt độ đại dương tăng cao đang dẫn đến những cơn bão dữ dội và gây tàn phá nghiêm trọng hơn.

Khi mà châu Á đang chịu hậu quả khốc liệt từ siêu bão Yagi, thì bên kia đại dương, nước Mỹ bị siêu bão Helene và Milton tấn công. Các nhà khoa học thời tiết đã dùng từ "khét tiếng"và “quái vật” để nói về hai trận siêu bão mùa thu này. Họ đã xếp hai trận bão này ngang hàng với những trận bão khủng khiếp từng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Mỹ, trong đó Katrina, Sandy và Harvey.

Theo ông John Dickson - Chủ tịch hãng bảo hiểm Aon Edge, những cơn bão ngày nay rất khác so với những cơn bão trước đó, sức tàn phá lớn hơn rất nhiều đến từ gió giật lẫn những trận mưa như trút.

Thật khó có thể hình dung được khi bão Helene di chuyển qua Vịnh Mexico nó đã mở một chiều rộng khổng lồ đến 1.110km và di chuyển với tốc độ cực cao. Sóng dữ dội tràn vào tại nơi ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực vịnh Apalachee, tạo ra những cơn sóng biển cao hơn 4,5m tràn vào những khu vực thường khô ráo trong đất liền. Trong khi đó, lượng mưa 350mm rơi xuống ngay phía bắc của vịnh này. Tổng lượng mưa đo được cao nhất là 762mm ở Busick (Bắc Carolina).

Truyền thông Florida mô tả: Bão Helene di chuyển quá nhanh tạo ra những trận gió rít xuyên sâu vào đất liền. Thung lũng Suwannee, phía bắc Gainesville, sức gió 160 km/h, khi giật lên tới 215km/h. Đó là sức mạnh của sự hủy diệt. Mưa như trút tạo thành những cơn lũ trên các nẻo đường, người dân phải lội nước ngập tới thắt lưng.

Trung tâm Nước quốc gia của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng, lượng mưa khủng khiếp đã khiến Helene thành cơn bão “vô địch” gây ngập lụt từ trước tới nay.

Còn theo nhà khí tượng học Ben Noll, bão Helene bao phủ 6 tiểu bang (Florida, Georgia, Nam Carolina, Bắc Carolina, Tennessee và Virginia) là trận bão có bán kính rộng nhất được ghi nhận kể từ năm 1940.

“Bão mùa thu” trên Đại Tây Dương còn kéo dài 2 tháng nữa, có nghĩa là nó vẫn có thể rình rập cho tới cuối tháng 12 năm nay. Tiến sĩ Phil Klotzbach (Đại học bang Colorado, Mỹ) cho rằng từ đầu tháng 11 cho tới cuối tháng 12/2024, sẽ có 3 trận bão cuồng phong, “với khởi đầu dữ dội, đỉnh điểm siêu yên tĩnh và kết thúc dữ dội”. Vì thế, nếu biểu đồ hóa, bão mùa thu 2024 sẽ giống như hai đỉnh núi với một thung lũng ở giữa.

Cư dân Horseshoe Beach (Mỹ) buồn rầu sau bão Helene.

Cư dân Horseshoe Beach (Mỹ) buồn rầu sau bão Helene.

Phân loại cấp độ bão như thế nào?

Cấp độ bão được tính theo tốc độ gió, nhưng sức tàn phá của bão còn đến từ lượng mưa, vì thế thiệt hại do bão gây ra rất khó dự đoán chính xác, vì rằng bão cấp độ 1 vẫn có thể gây chết người và để lại hậu quả lâu dài.

Quốc gia hứng chịu bão nhiều nhất thế giới
Đó là Philippines. Không những thế, quốc gia này còn phải hứng chịu thảm họa như động đất, núi lửa phun trào và nhiều thiên tai khác. Nguyên nhân là do Philippines nằm dọc theo vành đai bão và đường Vành đai lửa Thái Bình Dương. Theo ước tính của Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp (JTWC) của Mỹ, hàng năm có khoảng 80 cơn bão phát trên các vùng nước nhiệt đới, thì có tới 19 cơn bão là di chuyển vào khu vực Philippines. Trong đó có ít nhất 9 cơn bão đổ bộ vào quốc gia này.
Với hơn 7.000 hòn đảo, Phillippines rất dễ bị những trận bão biển tấn công, gây ra một rủi ro lớn dọc theo bờ biển đông dân cư. Hàng năm, mùa mưa bão ở Philippines thường đỉnh điểm từ tháng 5 đến tháng 11 và gây ra nhiều thiệt hại về cả người và của cải. Một trong những trận bão khủng khiếp nhất đổ bộ vào Philippines gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng là siêu bão Haiyan (ngày 8/11/2013), với sức gió hơn 300km/h và cột sóng cao tới 7m, làm hơn 6.000 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và hơn 4 triệu người mất nhà ở. Siêu bão Haiyan đã phá hủy gần 90% thành phố Tacloban thuộc tỉnh Leyte, thủ phủ của vùng Đông Visayas. Đây cũng chính là cơn bão thứ 25 tấn công Philippines trong năm 2013.

Theo thông lệ quốc tế, khi một cơn bão nhiệt đới vượt tốc độ 62,8 km/h thì nó sẽ được đặt tên. Bão cấp độ 1 di chuyển với tốc độ gió từ 119 km/h đến 153 km/h. Những cơn bão như vậy có thể làm hư hại cảnh quan bên ngoài các ngôi nhà, làm gãy những cành cây lớn và đứt dây điện ngoài trời.

Bão cấp độ 2 có tốc độ gió từ 154 km/h đến 177 km/h. Ở mức độ này, các cơn bão có thể gây thiệt hại lớn cho các ngôi nhà và bật gốc các cây to. Đường dây tải điện có thể bị tê liệt trong nhiều tuần.

Bão cấp độ 3 có tốc độ gió từ 178 km/h đến 207 km/h, khả năng tàn phá rất lớn.

Ở cấp độ 4, tốc độ gió trong bão là 208 km/h đến 251 km/h, có thể làm bật gốc tất cả cây cối và gây mất điện dài ngày.

Bão cấp độ 5 có tốc độ gió lớn hơn 252 km/h, với sức mạnh có thể phá hủy cả những ngôi nhà kiên cố.

Với sự xuất hiện ngày càng tăng của những cơn bão mạnh, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) đã đưa ra đề xuất rằng nên bổ sung cấp độ 6 cho thang đo bão, gồm những cơn bão có sức gió trên 308 km/h. Thậm chí cần cân nhắc về việc thêm vào danh mục các cơn bão cấp 7, với sức gió lý thuyết có thể vượt qua 368 km/h.

Nhiều thảm họa đang "giăng bẫy"

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu hải dương học (Đại học California, Mỹ) đã tiến hành thí nghiệm bằng cách sử dụng phép ngoại suy, nhằm giả định điều gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ gia tăng từ năm 2017 đến năm 2100. Kết quả cho thấy, loài người không bị hủy diệt nhưng 5% trong tổng số có thể sẽ phải chịu đựng những hậu quả kinh hoàng.

Veerabhadran Ramanathan, giáo sư về khoa học khí hậu tại Đại học California lưu ý, đừng tưởng 5% là con số nhỏ. Vì hãy tưởng tượng 5% tai nạn xảy ra với máy bay thì không bao giờ chúng ta dám bước lên chuyến bay. Nhưng hậu duệ của chúng ta (tính tới năm 2100) có thể trở thành nạn nhân.

Giáo sư Ramanathan nhấn mạnh, nếu Trái đất tiếp tục nóng lên hậu quả có thể bao gồm việc tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt chết người, siêu bão dồn dập, lũ lụt hoặc hạn hán lan rộng với cường độ mạnh, khó kiểm soát. Đó là chưa kể tới sự sụp đổ của những núi băng khổng lồ ở hai cực Trái đất.

“Người ta hay nói rằng bóng ma biến đổi khí hậu đe dọa loài người. Nhưng thực ra nó không còn là bóng ma nữa mà phải gọi là ác quỷ. Một loài quỷ dữ đang giăng bẫy chúng ta” - giáo sư Ramanathan nói.

Còn theo ông Petch Manopawitr, cố vấn Bộ Tài nguyên biển Thái Lan, thì cường độ mưa lớn đến mức giờ đây chúng ta có thuật ngữ mới, gọi là "bom mưa".

Tính tới tháng 10/2024, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất kéo dài chuỗi 15 tháng kỷ lục cao. 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ trước đến nay. Năm 2024 cũng là năm khô hạn nhất đối với các con sông toàn cầu trong vòng 33 năm. 50% lưu vực sông toàn cầu ở tình trạng bất thường, hầu hết đều thiếu hụt nước, làm giảm khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp và công nghiệp.

Trong khi đó, nhiều nơi lại mưa lớn, lũ lụt chưa từng có. Thậm chí những nơi chưa từng bị ngập lụt cũng chìm trong biển nước như Trung Đông, Bắc Phi. Các dòng sông băng cũng tan chảy nhiều nhất trong 50 năm qua.

Có cảm giác như thiên tai đang “giăng bẫy”. Cũng chính vì thế mà việc chung tay nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là vấn đề của cả nhân loại, trước khi tới ngưỡng “không thể quay đầu”.

Lời cảnh báo từ bộ phim bom tấn "Siêu bão địa cầu"

Lấy bối cảnh năm 2019 khi các quốc gia trên thế giới hợp nhất xây dựng một hệ thống vệ tinh bao quanh Trái đất có khả năng điều khiển thời tiết, nhằm tránh cho con người kịch bản diệt vong từ thảm họa tự nhiên, bộ phim bom tấn của Hollywood "Siêu bão địa cầu" đem đến cho người xem cái nhìn về một thế giới mà rất có thể trong tương lai loài người phải đối mặt thực sự, cùng với lời cảnh tỉnh nghiêm khắc. Bộ phim được đánh giá rất cao về kỹ xảo hình ảnh cùng âm thanh sống động và sự diễn xuất “không thể tuyệt hơn” của nam diễn viễn chính, Gerard Butler trong suốt 109 phút. “Siêu bão địa cầu” cũng đem lại danh vọng cho đạo diễn Dean Devlin, với một tên gọi khác là “người cảnh báo”. Bộ phim cho người xem thấy những trận mưa đá tử thần, những cơn lốc xoáy chết chóc; sóng thần khủng khiếp hoặc là một vùng Trái đất lãnh lẽo khi bị biến thành những sông băng, nơi những trận bão sét kinh hoàng giáng xuống. Còn ở một nơi khác, lại là liên miên những trận bão cát mịt mờ.

5 năm sau khi bộ phim ra đời, các nhà khí tượng học cùng chung nhận xét, những gì được mô tả trong “Siêu bão địa cầu” chính xác là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc khi mà Trái đất không được bảo vệ bởi chính loài người.

PHAN QUANG VŨ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/the-gioi-duong-dau-voi-nhung-con-bao-the-ky-10295315.html