Thế giới ghi nhận gần 1,93 triệu ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 18/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 331.128.088 ca mắc COVID-19 và 5.563.112 ca tử vong do dịch bệnh này.

Số ca hồi phục là 268.956.745 ca. Hiện 56.608.231 ca đang phải điều trị, trong đó 96.477 ca phải chăm sóc đặc biệt.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 1.929.404 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ có số ca nhiễm mới cao nhất với 339.558 ca, tiếp đó là Ấn Độ (222.579 ca), Tây Ban Nha (110.489 ca).

Về số ca tử vong, Nga là nước có số bệnh nhân không qua khỏi cao nhất trong một ngày qua với 670 ca, sau đó là Mỹ (424 ca), Ấn Độ (302). Hiện, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được cho là biến thể lây lan chính trên toàn cầu.

Cố vấn Tổng thống Ai Cập phụ trách các vấn đề y tế, ông Mohamed Awad Tag El-Din cho biết biến thể Omicron hiện gây ra phần lớn số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Phần lớn các ca COVID-19 tại Ai Cập hiện ở mức nhẹ và các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron có những điểm tương đồng với cúm mùa.

Ai Cập đang phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 4 kể từ tháng 8/2021. Bộ Y tế Ai Cập khuyến cáo những người xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh thông thường cần chuẩn bị tâm lý có thể đã mắc COVID-19 và do đó nên tự cách ly và tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với các thành viên trong gia đình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 tại Ý sẽ đạt đỉnh trong vòng 2-3 tuần tới. Theo WHO, tốc độ lây lan dịch bệnh tại Ý đang chậm lại với số ca nhiễm mới giảm nhẹ, nhưng với tốc độ lây truyền rất cao của biến thể Omicron, khả năng gần như toàn bộ dân số nước này sẽ phơi nhiễm biến thể Omicron trong năm 2022.

Chính phủ Ý tuyên bố có thể xem xét thay đổi cách tính các trường hợp mắc mới COVID-19 ở nước này, như yêu cầu gần đây của một số thống đốc vùng. Theo đó sẽ không tính những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng đã tiêm vắc xin và không có triệu chứng. Trong nửa đầu tháng 1 này, số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm khoảng 81% số ca mắc mới tại Ý, trong khi số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 19%.

Tại Đức, do biến thể Omicron đang lây lan mạnh và chiếm đa số ca mắc mới, nhà chức trách nước này đã rút ngắn hiệu lực của chứng nhận phục hồi COVID-19. Theo đó, chứng nhận phục hồi của những người mắc COVID-19 tại Đức sẽ chỉ còn hiệu lực 3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.

Đây được xem là sự thay đổi quan trọng đối với những người chưa tiêm vắc xin vốn phụ thuộc vào chứng nhận miễn dịch sau khi mắc COVID-19 để có thể vào các quán bar, nhà hàng hay các địa điểm công cộng trong nhà khác.

Đối với những trường hợp chứng nhận đã hết hiệu lực, chỉ cần tiêm một mũi vắc xin sẽ được tính là đủ để đảm bảo miễn dịch cơ bản sau khi mắc COVID-19.

Trong khi đó, Đan Mạch ngày 17/1 cũng thông báo ghi nhân số ca mắc COVID-19 mới ở mức kỷ lục với 28.780 ca trong 24 giờ qua. Số ca nặng nhập viện cũng lên tới 802 trường hơp, mức cao nhất tại nước này kể từ đầu năm 2022. Tình trạng lây lan nhanh dịch COVID diễn ra trong bổi cảnh Chính phủ Đan Mạch đã cho phép mở cửa lại các rạp chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa sau một tháng phong tỏa.

Bộ Y tế Chile đã quyết định thay đổi quy trình cách ly đối với những người được xác định mắc COVID-19 và những trường hợp tiếp xúc gần khi diễn biến dịch đã có những thay đổi với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Thời gian cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19 sẽ giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày, trong khi những trường hợp tiếp xúc gần sẽ không phải cách ly, đồng thời xác lập một nhóm có nguy cơ mới được gọi là “người trong tình trạng cảnh báo COVID-19”, gồm những người sống chung hoặc đứng cùng với ca mắc COVID-19 ở khoảng cách chưa đến 1 mét và sử dụng khẩu trang sai cách.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Chile tăng tới 530% trong những tuần gần đây sau sự xuất hiện của biến thể Omicron, mặc dù số ca bệnh nặng và tử vong vẫn ở mức thấp. Hiện, quốc gia Nam Mỹ này đã có 1,88 triệu ca mắc, trong đó 39.426 ca tử vong.

Tại châu Á, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận 3.859 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 696.032 ca. Con số này đã giảm xuống dưới 4.000 ca sau khi số lượng xét nghiệm giảm đi trong cuối tuần qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 6.333 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm đột phá ở nước này đang tăng mạnh và đến nay ghi nhận tổng cộng 199.749 ca, là những trường hợp vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm phòng COVID-19.

Ở Nhật Bản, dịch COVID-19 đang lây lan nhanh ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, buộc chính phủ nước này phải cân nhắc khả năng đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm. Ngày 16/1, Nhật Bản ghi nhận 25.658 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh 26.924 ca được ghi nhận vào ngày 23/8/2021.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết tính đến tối 16/1, số ca mắc COVID-19 trong khu vực đã lên tới 10.327.787 ca. Số ca tử vong do COVID-19 là 234.267 ca trong khi số bệnh nhân phục hồi là 9.224.148 ca.

Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ethiopia nằm trong số những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất châu lục. Cụ thể, tính đến tối 16/1, Nam Phi ghi nhận 3.556.633 ca mắc COVID-19, mức cao nhất châu lục, tiếp đến là Maroc với 1.045.250 ca. CDC châu Phi cho biết xét theo số ca nhiễm, miền Nam châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19, tiếp theo là các khu vực miền Bắc và miền Đông châu Phi, trong khi Trung Phi là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba của Israel tiến hành cho thấy liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ 4 chưa đủ để bảo vệ trước biến thể Omicron. Giáo sư Gili Regev-Yochay, một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Sheba cho biết có sự gia tăng kháng thể sau khi tiêm liều vắc xin thứ 4, cao hơn mức của liều thứ 3.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều người đã tiêm liều vắc xin thứ 4 vẫn nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, có thể thấy vắc xin có hiệu quả rất tốt chống các biến thể Alpha và Delta, nhưng chưa đủ hiệu quả trước biến thể Omicron.

Liên quan điều trị COVID-19, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt thuốc kháng virus của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer có tên là Paxlovid. Loại thuốc này được kỳ vọng là "một bước tiến lớn nhằm giảm áp lực cho hệ thống chăm sóc y tế của Canada".

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269979/the-gioi-ghi-nhan-gan-1-93-trieu-ca-nhiem-covid-19-trong-24-gio-qua.html