Thế giới ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử
Dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Mỹ (NCEP) cho biết ngày 3/7 được ghi nhận là ngày nóng nhất trong lịch sử.
Theo đó, NCEP đưa ra dữ liệu ngày 3/7 ghi nhận mức nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C, vượt qua kỷ lục ghi nhận hồi tháng 8/2016 là 16,92 độ C.
Nhiệt độ không khí trung bình của thế giới dao động trong khoảng 12 độ C đến dưới 17 độ C vào bất kỳ ngày nào trong năm, trung bình là 16,2 độ C vào đầu tháng 7 từ năm 1979 đến năm 2000.
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, nhiều quốc gia trên thế giới từ châu Âu, châu Á, đến châu Mỹ, Trung Đông đều ghi nhận tình trạng nắng nóng nghiêm trọng, với mức nền nhiệt cao.
Đây là những dấu hiệu rõ nét của biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động mang tính đột phá, các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, miền Nam nước Mỹ vừa hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt những tuần qua. Còn ở Trung Quốc, đợt nắng nóng kéo dài trên 35 độ C đã khiến cho tác động lớn tới đời sống của người dân. Đặc biệt tại Bắc Phi đã ghi nhận nhiệt độ gần 50 độ C.
Nam Cực, khu vực đang trong mùa đông, cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường, cơ quan nghiên cứu môi trường tại đây đã ghi nhận mức nhiệt tháng 7 cao nhất lịch sử, đạt 8,7 độ C.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu, kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino là nguyên nhân cho mức nhiệt tăng kỷ lục của toàn cầu.
Trong phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra hôm 3/7, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Volker Turk đã cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
Theo ông Volker Turk việc giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền và kêu gọi các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau.