Thế giới ghi nhận thêm 3,9 triệu bệnh nhân nhiễm mới trong tuần qua

Riêng trong tuần qua, số bệnh nhân mới tại Mỹ đã tăng tới 36% (tương đương 738.000 người) so với tuần trước đó, nâng số ca nhiễm vượt 10 triệu người và 237.031 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 6/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 6/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 9/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 50.719.494 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.261,676 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 35.780.654 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 237.031 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm đã vượt 10 triệu trường hợp - chiếm 1/5 tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Riêng trong tuần qua, số bệnh nhân mới tại Mỹ đã tăng tới 36% (tương đương 738.000 người) so với tuần trước đó.

Tiếp đó là Ấn Độ với 126.653 ca tử vong trong số 8.553.864 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 162.397 ca tử vong trong số 5.664.115 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 105 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 102 người), Tây Ban Nha - 78 người và Brazil - 75 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đã một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới với hơn 12,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 305.700 ca tử vong. Theo hãng tin AFP, trong số hơn 3,9 triệu ca mắc mới COVID-19 trên thế giới trong tuần qua, có hơn 2,1 triệu trường hợp ghi nhận tại 52 quốc gia thuộc "Lục địa Già".

Trong 7 ngày qua, các nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là Pháp (381.000 ca), Italy (223.000), Anh (160.000 ca), Ba Lan (159.000 ca) và Tây Ban Nha (143.000 ca).

Sau châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với 411.700 ca tử vong trong hơn 11,6 triệu ca nhiễm. Châu Á có gần 177.000 ca tử vong trong số 11 triệu ca nhiễm; Trung Đông ghi nhận hơn 64.500 ca tử vong; châu Phi - hơn 44.800 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại Dương là hơn 1.000 ca.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Praha, Séc ngày 14/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Praha, Séc ngày 14/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo những thông tin cập nhật mới nhất, tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại Séc có chiều hướng giảm. Hiện nước này đang có 413.365 người mắc COVID-19, trong đó có 4.793 ca tử vong.

Hiện nay, chỉ số lây nhiễm bệnh R tiếp tục giảm xuống còn 0,9, tức là trung bình một người lây bệnh cho ít hơn một người khác. Nếu chỉ số này không tăng, dịch bệnh sẽ duy trì đà giảm.

Theo cựu Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula, khi chỉ số R xuống 0,8, học sinh tiểu học sẽ có thể quay lại trường học. Chỉ số R đã giảm từ 1,6 vào giữa tháng 9 và 1,5 và giữa tháng 10, đến nay mới xuống 0,9.

Trong khi đó, tại châu Phi, Văn phòng Tổng thống Algeria cho biết sức khỏe của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đang có nhiều diễn biến tích cực sau khi ông mắc COVID-19. Ông Tebboune (74 tuổi) đang được điều trị tại một bệnh viện ở Đức từ ngày 28/10.

Trước đó, ông đã phải tự cách ly sau khi có thông tin về một số trợ lý bị dương tính với SARS-CoV-2. Các bác sỹ đã buộc phải chuyển ông từ bệnh viện Quân đội Algiers đến một trong những bệnh viện chuyên khoa lớn nhất ở Đức để điều trị.

Việc phải ra nước ngoài điều trị đã khiến ông Tebboune không thể trực tiếp tham gia cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp sửa đổi, diễn ra ngày 1/11 vừa qua.

Trong ngày 8/11, Chính phủ Algeria đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn đại dịch COVID-19, trong đó đáng chú ý là kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm tại 29/48 tỉnh thành trong cả nước.

Lệnh giới nghiêm sẽ được bắt đầu lúc 20 giờ (giờ địa phương), sớm hơn 3 giờ so với trước đây, và vẫn sẽ kết thúc vào lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau. Các biện pháp mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10/11 và kéo dài trong 15 ngày.

Cử tri Ai Cập đeo khẩu trang đi bỏ phiếu bầu Hạ viện giai đoạn hai tại Cairo ngày 7/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cử tri Ai Cập đeo khẩu trang đi bỏ phiếu bầu Hạ viện giai đoạn hai tại Cairo ngày 7/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 8/11, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này có khả năng sẽ gia tăng trong tháng 12 tới và tháng 1/2021 nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của nhà chức trách.

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Zayed cho biết theo mô hình nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “tỷ lệ lây nhiễm dự kiến ít nhất sẽ tăng gấp đôi và số người chết dự kiến sẽ tăng gấp ba vào tháng 12 và tháng 1 tới nếu người dân bỏ qua việc đeo khẩu trang.”

Bộ trưởng Y tế Ai Cập kêu gọi toàn thể người dân tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là đeo khẩu trang. Bà dự báo rằng số ca mắc bệnh và tử vong do các bệnh hô hấp nói chung sẽ tăng trong tháng 12 và tháng 1 tới.

Theo số liệu thống kê tính đến nay Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 108.962 ca mắc COVID-19 và 6.355 trường hợp tử vong do căn bệnh này và số ca nhiễm mới hiện đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo Bộ trưởng Zayed, Ai Cập sẵn sàng đối phó với làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, vốn đã tấn công nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 8/11, đại diện hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas cho biết đang phối hợp với chính phủ nhằm tiếp tục triển khai "cầu hàng không" với Trung Quốc trong tháng 11/2020 với mục đích đảm bảo nguồn cung hàng hóa và vật tư y tế cần thiết tại nước này trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch cầu hàng không giữa Argentina và Trung Quốc, được thiết lập trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2020, hãng hàng không Aerolineas Argentinas đã thực hiện 35 chuyến bay nối Buenos Aires và Thượng Hải, qua đó vận chuyển tổng cộng 887 tấn nguyên liệu và vật tư y tế quan trọng tới quốc gia Nam Mỹ này.

Theo Giám đốc phụ trách đội bay của Aerolineas Argentinas Gustavo Caponelli, hãng hàng không quốc gia Argentina lên kế hoạch bố trí 6 chuyến bay đến thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) trong tháng 11 này.

Với việc thiết kế lại cabin và khoang hành khách của dòng máy bay Airbus 330, mỗi chuyến bay có thể sẽ vận chuyển được trung bình 24 tấn vật tư y tế, bao gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, bộ xét nghiệm COVID-19, cũng như các loại máy móc để sản xuất khẩu trang./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/the-gioi-ghi-nhan-them-39-trieu-benh-nhan-nhiem-moi-trong-tuan-qua/675796.vnp