Thế giới hậu COVID-19: Phải cứu toàn cầu hóa để bảo vệ tương lai
Giờ là thời điểm để khởi động xây dựng một khung điều phối, hợp tác toàn cầu. Thế giới sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu không thiết lập các hiệp ước, hiệp định cần thiết để ngăn chặn và trung hòa các thảm kịch tương lai.
Ngày 17/4, tờ Financial Times đăng tải bài viết của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paluson về chủ đề thế giới sẽ ra sao thời kỳ hậu COVID-19. Nội dung có một số điểm đáng chú ý sau.
Dịch COVID-19 đã gây ra hệ quả nhiều hơn của một đại dịch chết người. Nó đẩy kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Khi tốc độ lây lan của virus chậm lại và các chính phủ bắt tay vào tái xây dựng, họ phải đối mặt với một trở lực khác trên hành trình này – đó chính là chủ nghĩa biệt lập. Cuộc chiến này sẽ đẩy phe mở cửa dựa trên nền tảng tự do thị trường đối đầu với nhóm theo đuổi đóng cửa trên tất cả các bình diện thương mại, dòng vốn, cải cách công nghệ và các thiết chế toàn cầu.
Cho phép sự nổi lên của một bức màn sắt kinh tế sẽ đe dọa đến hồi phục và hủy hoại ổn định kinh tế xã hội. Để thúc đẩy cải cách và phát triển, mọi quốc gia đơn lẻ cần phải chống lại những nỗ lực phá tan các kết nối xuyên biên giới và các thiết chế toàn cầu.
Thế giới đã trở nên thịnh vượng nhờ liên kết, hội nhập. Nhưng ngay ở thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, cán cân đã lệch sang hướng các nền kinh tế đóng. Nên khi suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và thất bại của Trung Quốc trong việc kiểm soát bệnh dịch minh bạch, tiếng nói của lực lượng này lại được đà gia tăng. Thế giới cần hiệu chỉnh nhưng vẫn phải giữ gìn tương lai tốt đẹp nhất của toàn cầu hóa. Chính sách đúng đắn không phải là chấm dứt, mà là tiếp nối giữa đóng cửa và mở cửa.
Sẽ có những cuộc chiến căng thẳng về thương mại. Các công ty đa quốc gia sẽ phải hiểu rằng họ không được phép dựa vào duy nhất một quốc gia trong việc chế tác mỗi một cấu thành cần thiết. Mỗi một nước cũng sẽ phải tìm cách phát triển nguồn lực y tế, đủ để thay thế các sản phẩm, thiế bị y tế nhập khẩu bằng đồ sản xuất trong nước. Xem xét ở ngưỡng cực đoan, xu thế này sẽ đưa đến sự phân rã của một ngành công nghiệp lớn tại thời điểm Mỹ đã đánh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép, đồ dùng công nghiệp dựa trên lý do “bảo đảm an ninh quốc gia”. Các chính phủ cũng cần phải bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng thiết yếu, đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư ở tất cả các ngành.
Ngành ngân hàng toàn cầu không có đủ vốn để hấp thụ thua thiệt tín dụng tràn lan và cung cấp các khoản vay cần thiết để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Cần phải bảo đảm dòng chảy vốn tới doanh nghiệp đang khát nguồn lực tài chính. Những dòng chảy xuyên biên giới như thế sẽ bị số theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ công kích, nhưng các nước vẫn cần phải theo đuổi các khoản đầu tư nước ngoài tạo việc làm giúp thúc đẩy hồi phục, thông qua việc xây dựng các cây cầu kết nối thay vì các bức tường ngăn cách.
Phân tách công nghệ cũng là nguy cơ đẩy kinh tế theo hướng đóng cửa. Cải tiến công nghệ dựa trên hợp tác xuyên biên giới. Nhưng sự trỗi dậy của những nhà kĩ trị theo đuổi chủ nghĩa dân tộc đưa đến sự bùng phát tự nhiên của một thế hệ các công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo đa mục đích. Những cải cách này là điểm trung tâm đối với bất kỳ thành công kinh tế nào. Vì thế các chính phủ phải đầu tư, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển các tiêu chuẩn bảo đảm cả an ninh quốc gia và an ninh kinh tế.
Thế nhưng việc Bắc Kinh ưu tiên cho công nghệ bản địa, còn Washington theo đuổi tái cấu trúc chuỗi cho thấy rằng tương lai, thật không may, sẽ nằm trong tay các nhà kĩ trị dân tộc chủ nghĩa. Nhưng nếu thế giới đi quá xa, bằng việc cắt đứt kết nối, cấm đoán trao đổi công nghệ, nghiên cứu chung, điều đó sẽ cản trở cải tiến công nghệ và nghiên cứu cơ bản trong một thế giới đang thay đổi, trong đó có vắc-xin trị COVID-19 và giảm thiểu khí hải carbon – một trái bom hẹn giờ.
Các thiết chế toàn cầu có trách nhiệm và cơ hội xử lý những thách thức này. Nhưng họ chưa cho thấy hiện diện của mình trong nhiệm vụ đó. Thất bại của các thiết chế trong quá khứ là hệ quả của việc các quốc gia thành viên không nỗ lực hết mình để tạo hiệu lực chung cho tổ chức. Mỹ có thể dẫn dắt thông qua tái đầu tư cho tất cả các thiết chế mà nước này thời gian qua đã tìm cách rũ đi cho bằng được. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã không thể theo kịp với một thế giới hiện đại ngày nay. Các thiết chế trong hệ thống Bretton Wood thì thiếu nguồn lực tài chính, bộ máy cồng kềnh.
Khi gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Saudi Arabia tháng 11 tới đây, các nhà lãnh đạo nên cam kết ủng hộ các nguyên tắc thị trường, cùng nhau thực thi hành động bổ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng chừng đó là chưa đủ. Một tương lai kinh tế ổn định đòi hỏi phải có một chuỗi các nguyên tắc toàn cầu về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn công nghệ. Các thiết chế đa phương phải đóng vai trò lớn hơn trong trợ giúp các quốc gia dễ bị tổn thương thoát khỏi bất ổn chính trị, thiệt hại về con người.
Các nền kinh tế hàng đầu trong Nhóm G-20 cũng phải đối mặt với nguy cơ trong một loạt những mối đe dọa. Việc số này không sẵn sàng đối với một đại dịch dễ dự đoán được sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh. G-20 cần phải có chuẩn bị trước đối với những nguy cơ rõ ràng như chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh mạng, thay đổi khí hậu và phổ biến hạt nhân. Giờ là thời điểm để khởi động xây dựng một khung điều phối, hợp tác toàn cầu. Thế giới sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu không khắc phục được các thiết chế toàn cầu, thiết lập các hiệp ước, hiệp định cần thiết để ngăn chặn và trung hòa các thảm kịch tương lai.
Những thế lực hô hào đóng cửa sẽ chống lại việc củng cố các tổ chức đa phương. Nhưng điều đó chỉ làm tăng nguy cơ đối với người dân trên thế giới. Trong khi triển vọng cải cách ngắn hạn là mờ mịt, có thể lạc quan rằng cuộc khủng hoảng lần này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các nước lớn, để bắt đầu công việc khó khăn – đó là xây dựng một tương lai hòa bình và ổn định.
Thế giới đã phải đối mặt với những thách thức ghê rợn hơn cả COVID-19. Nhưng sự phục hồi, và cả tương lai, có chỉ có thể có được nếu các nền kinh tế lớn xích lại gần nhau. Những đối thủ cạnh tranh chiến lược đang tranh đấu để tìm kiếm một nền tảng chung ngay cả khi họ vẫn theo đuổi lợi ích cục bộ. Nhưng sẽ không có sự hồi phục nào là bền vững, nếu như những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt biệt là Mỹ và Trung Quốc không thể định ra một khung chiến lược có khả năng vận hành.