Thế giới kêu gọi hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu

Vụ cháy rừng đang diễn ra nghiêm trọng tại Los Angeles thuộc bang California, Mỹ là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng. Yêu cầu chống biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết với thế giới.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng

Biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng

Lời cảnh báo từ Los Angeles

Kể từ ngày 7-1 đến nay, các đám cháy rừng bùng phát ở thành phố Los Angeles, bang California của Mỹ, vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 180.000 cư dân phải đi sơ tán. Khoảng 10.000 tòa nhà và công trình kiến trúc tại đây bị hư hại nặng hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

Chính quyền bang California đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời huy động mọi nguồn lực để dập lửa và hỗ trợ người dân. Hàng trăm nhân viên cứu hỏa, máy bay trực thăng và máy bay chữa cháy đã được điều động để khống chế đám cháy. Chính quyền địa phương cũng thiết lập các trung tâm tạm trú và cung cấp hỗ trợ y tế, tâm lý cho người dân bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ban hành lệnh hỗ trợ khẩn cấp, cam kết huy động mọi nguồn lực liên bang để giúp bang California đối phó với thảm họa. Tổng thống nước láng giềng Mexico Claudia Sheinbaum cho biết, chính phủ nước này đã gửi một nhóm binh sĩ và lính cứu hỏa đến thành phố Los Angeles để hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương ứng phó với thảm họa cháy rừng. Đây không chỉ là hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Mexico đối với quốc gia láng giềng, mà còn với rất nhiều công dân gốc Mexico đang sinh sống ở khu vực xảy ra nạn cháy rừng.

Thông thường, các vụ cháy rừng ở California xảy ra trong tháng 6-7 và có thể kéo dài đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, trận cháy rừng quy mô lớn hiện nay lại xảy ra vào tháng 1, tức là thời điểm lạnh nhất ở California. Các nhà khí tượng học cho rằng một trong những nguyên nhân gây hỏa hoạn là bang California vừa trải qua một mùa khô kỷ lục. Họ cho rằng “cơn thịnh nộ của Mẹ Trái đất” mà California đang phải hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái đất ấm lên, mà trong đó con người là tác nhân chính.

Trong khi đó, tại châu Á, Hàn Quốc đang trải qua đợt lạnh khắc nghiệt nhất mùa đông năm nay. Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA), nhiệt độ tại Thủ đô Seoul đã xuống tới âm 10,2 độ C, trong khi một số vùng núi thuộc Gangwon còn ghi nhận mức nhiệt dưới âm 20 độ C. Chỉ số nhiệt trung bình trên cả nước tại Hàn Quốc là âm 16,7 độ C, với dự báo đợt lạnh này có thể kéo dài trong nhiều ngày tới.

Tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng tại Vương quốc Anh, nơi Văn phòng Khí tượng quốc gia (Met Office) dự báo nhiệt độ xuống tới âm 14 độ C vào đêm 8-1 và âm 16 độ C trong đêm 9-1 tại vùng England và Scotland. Đây là nhiệt độ thấp nhất trong tháng 1 tại Anh trong 15 năm qua. Hàng trăm trường học phải đóng cửa, các chuyến bay bị hoãn hủy và nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt.

Liên quan đến diễn biến khí hậu trên quy mô toàn cầu trong năm 2024, mới ngày 10-1 vừa rồi, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu. Tổng thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu năm 2024 ước tính lên tới 140 tỷ USD, mức cao thứ ba trong lịch sử.

2025 là năm quyết định cho tương lai hành tinh

Biến đổi khí hậu đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu mà thế giới phải đối mặt. Biến đổi này ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều cách khác nhau, như nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt… Theo bà Samantha Burgess, Giám đốc chiến lược khí hậu của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus, sự tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Trước những dấu hiệu đáng lo ngại này, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới đưa ra những hành động khẩn cấp và thực chất trong năm 2025 để tránh “sự sụp đổ khí hậu”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai xa mà là một cuộc khủng hoảng hiện hữu, đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Những kỷ lục bị phá vỡ trong năm 2024 là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng hành động ngay lập tức là cần thiết”.

Theo ông Guterres, năm 2025 sẽ là năm quyết định cho tương lai hành tinh. Nếu không có hành động cụ thể và đồng bộ, các hệ quả sẽ ngày càng nghiêm trọng và khó đảo ngược. Vì thế, ông Guterres kêu gọi: “Năm 2025, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chung tay để tạo ra sự thay đổi thực sự. Từng hành động nhỏ, từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đến việc ủng hộ các chính sách xanh, đều góp phần bảo vệ hành tinh cho thế hệ mai sau”.

Nhiều nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã được các nước đưa ra. Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan) cuối năm ngoái, 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải, như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Tháng 10-2024, Ratcliffe-on-Soar - nhà máy điện than cuối cùng của nước Anh đã chính thức đóng cửa. Sự kiện này đánh dấu việc nước Anh đi đầu trong quá trình chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch tại Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tài chính cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu gặp nhiều khó khăn. Tại COP29, các quốc gia giàu có được kêu gọi cam kết tài trợ lên tới 900 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu. Một số quốc gia đang phát triển thậm chí đã yêu cầu khoản tài trợ lên đến 1.300 tỷ USD/năm, không bao gồm các khoản vay. Đây được coi là hành động thiết thực để kéo gần khoảng cách chuyển đổi xanh giữa các quốc gia vì các nước nghèo, các nước đang phát triển cần dồn nguồn lực của mình vào những mục tiêu cấp thiết hơn là chuyển đổi năng lượng xanh.

Tại COP29, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng giữa 200 quốc gia, các nước cũng chỉ đi đến được thống nhất với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035, thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Bà Tina Stege, Phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, thẳng thắn cho rằng những nhóm lợi ích liên quan đến nhiên liệu hóa thạch “đã quyết tâm ngăn chặn tiến trình và làm suy yếu các mục tiêu đa phương mà chúng tôi đang nỗ lực xây dựng”.

Trên thực tế, các quốc gia xếp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện than như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tỏ ra khá thờ ơ với “lời kêu gọi hành động” được đưa ra tại COP29. Cả 3 nước trên đã quyết định không ký vào bản cam kết khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng khai tử loại nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hàng đầu này. Ông Wopke Hoekstra, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cũng tỏ ra nghi hoặc về kế hoạch không xây dựng nhà máy điện than tại COP năm nay, dù cho chính tay ông đã ký vào bản cam kết. Ông Hoekstra cho rằng: “Cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cần được cụ thể hóa thành những hành động thực tế”. Bởi lẽ, dù đã có cam kết lịch sử việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất năng lượng tại COP 28 năm ngoái nhưng cho đến nay điện than vẫn đang được phát triển mạnh mẽ, chưa hề có dấu hiệu suy yếu.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-keu-goi-hanh-dong-khan-cap-de-chong-bien-doi-khi-hau-post601005.antd