Iran có thể chế tạo bom hạt nhân dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 không?
Tháng 10 tới đây, phương Tây sẽ mất đi cơ hội cuối cùng để áp đặt lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) như một phần của thỏa thuận hạt nhân Iran. Liệu điều này có đẩy Iran đến quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân?
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể sẽ là một giai đoạn đầy sóng gió với Iran. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục căng thẳng, với những kịch bản khó lường về chương trình hạt nhân.
Thời gian gần đây, các lãnh đạo Mỹ và Israel từng công khai thảo luận về khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Đáp lại, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chú Ayatollah Ali Khamenei cùng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) trong tuần này đã tổ chức các cuộc tập trận lớn nhằm bảo vệ các địa điểm nhạy cảm, đồng thời công bố nhiều cơ sở tên lửa ngầm dưới lòng đất nhằm thị uy sức mạnh.
Chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã là tâm điểm trong mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Tehran và phương Tây. Mặc dù các cơ quan liên quan của LHQ khẳng định không tìm kiếm vũ khí hủy diệt, Iran gần đây đã phát đi tín hiệu có thể thay đổi lập trường, trong bối cảnh áp lực an ninh ngày càng gia tăng.
Theo ông Naysan Rafati, nhà phân tích cấp cao tại Crisis Group, tại Tehran đang tồn tại hai luồng quan điểm rõ rệt. Quan điểm thứ nhất muốn hợp tác với Mỹ, bao gồm cả về chương trình hạt nhân. Quan điểm còn lại kêu gọi theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhằm tăng cường khả năng răn đe trước Israel và các đồng minh khu vực.
Nếu nhóm đầu thắng thế, Washington sẽ cần có sự sẵn sàng hợp tác thay vì gia tăng áp lực. Tuy nhiên, áp lực kinh tế và những thất bại chiến lược ở khu vực đang khiến Iran đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền cũ tại Syria vốn Iran có nhiều ảnh hưởng mới sụp đổ hồi tháng 12/2024.
Với các điều khoản quan trọng của Kế hoạch Hành động toàn diện chung về hạt nhân Iran (gọi tắt là JCPOA) sắp hết hiệu lực, châu Âu đang nỗ lực tìm cách duy trì cơ chế ngoại giao để tiếp tục thỏa thuận này trước tháng 10 tới.
Ông Ellie Geranmayeh, chuyên gia tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng nếu lệnh trừng phạt trả đũa được kích hoạt, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, tương lai còn phụ thuộc lớn vào cách Tổng thống đắc cử Trump định hình chính sách đối với Iran. Nếu ông tái áp đặt "chiến dịch gây sức ép tối đa", khả năng leo thang căng thẳng là khó tránh khỏi.
Hiện nay, Iran đang làm giàu uranium ở mức 60%, chỉ cách ngưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân (90%) một bước kỹ thuật ngắn. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tehran đã tích trữ đủ vật liệu phân hạch để sản xuất nhiều quả bom hạt nhân.
Mặc dù vậy, để sở hữu vũ khí hoàn chỉnh, Iran còn phải vượt qua nhiều giai đoạn, bao gồm thiết kế, lắp ráp, tích hợp vào tên lửa và thử nghiệm thành công.
Chuyên gia Ellie Geranmayeh nhận định rằng trong những tuần đầu của năm 2025, mọi kịch bản đều phụ thuộc vào thái độ của chính quyền ông Trump. Nếu Mỹ ưu tiên đàm phán ngoại giao, căng thẳng có thể hạ nhiệt. Ngược lại, bất kỳ động thái nào gia tăng áp lực cũng có nguy cơ đẩy Iran tiến gần hơn đến ngưỡng chế tạo bom hạt nhân.
Vấn đề hạt nhân Iran vẫn là một câu hỏi lớn với nhiều ẩn số. Tương lai sẽ phụ thuộc vào sự tương tác giữa Washington, Tehran và các đồng minh khu vực trong thời gian tới.