Thế giới khát
Ngày 22/6, trang The Guardian dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước trong tương lai gần. Báo cáo kêu gọi các quốc gia ngừng tài trợ cho hoạt động khai thác và sử dụng nước quá mức; việc sử dụng quá mức, ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu đang đe dọa đến nguồn cung nước toàn cầu.
Khủng hoảng nước
Báo cáo được công bố tại một Hội nghị về nước của Liên hợp quốc (LHQ). Chưa hết, ngay tại thời điểm này, bạo lực đã bùng lên dọc biên giới Afghanistan và Iran bắt nguồn từ tranh chấp về nguồn nước sông Helmand. Theo đài CNBC, Tehran cho rằng chính quyền Taliban của Afghanistan đang cố tình tước đoạt nguồn nước của Iran để củng cố nguồn nước của họ thông qua hoạt động của đập thủy điện Kajaki ở tỉnh Helmand. Đáp lại, Taliban nói rằng hồ chứa hiện không đủ nước do lượng mưa và mực nước sông giảm mạnh.
Khủng hoảng nước không chỉ khiến quan hệ Afghanistan - Iran căng thẳng mà còn phủ bóng lên thế giới. Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về nước của LHQ hồi tháng 3, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas đã cảnh báo khủng hoảng nước đang là một trong những thách thức cấp bách nhất mà thế giới phải đối mặt ngày nay.
Theo ông Johan Rockstrom - Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Postdam (Đức), tất cả những bằng chứng khoa học đều cho thấy khủng hoảng nước đang diễn ra. Trong khi đó, Viện Nước, môi trường và sức khỏe thuộc Trường Đại học LHQ (Nhật Bản) cho biết, thị trường nước đóng chai đã tăng trưởng 73% trong giai đoạn 2010-2020 và mức tiêu thụ đang trên đà tăng từ 350 tỉ lít năm 2021 lên 460 tỉ lít năm 2030. Sự gia tăng nói trên cho thấy hệ thống cấp nước công cộng không được chú ý trong nhiều thập niên qua.
Một thống kê của LHQ xác nhận 2,2 tỉ người trên thế giới hiện không tiếp cận được nước uống an toàn. Trong khi đó, ngành công nghiệp nước đóng chai đang đe dọa môi trường khi sản xuất tới 600 tỉ chai nhựa, chỉ tính riêng năm 2022.
Tới nay, dù thế giới đẩy mạnh việc xây dựng hồ chứa nhưng lượng nước dự trữ ở các hồ vẫn không đủ để giải quyết căng thẳng ngày càng tăng đối với nguồn cung cấp nước. Dữ liệu vệ tinh của Đại học Texas A&M (Mỹ) cho thấy, lượng nước trong 7.245 hồ chứa trên khắp thế giới giảm trong vòng 20 năm qua, dù công suất hằng năm tăng 28km3. Bà Huilin Gao (Đại học Texas A&M) và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, biến đổi khí hậu đã làm giảm hiệu quả của hồ chứa, trong khi cầu nước ngày một tăng.
Bà Gao cũng cảnh báo, châu Á - khu vực sản xuất lương thực hàng đầu thế giới đang đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước. Tại Thái Lan, mực nước tại các hồ chứa lớn đang ở mức cực kỳ thấp. Trong 4 hồ chứa chính bao gồm Bhumibol, Sirikit, Pasak Jolasid và Kwae Noi Bamrung Dan, chỉ có 4,551 tỉ mét khối (18%) lượng nước có thể được sử dụng, cho dù mùa mưa đã chính thức bắt đầu từ ngày 23/5. Miền tây Thái Lan là đáng lo ngại nhất, vì chỉ có 13% lượng nước trong các hồ chứa hiện có thể được sử dụng.
Đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Trong khi đó, kênh CNBC News cho rằng, sự khan hiếm nước đang nổi lên như một mối đe dọa kinh tế toàn cầu. Nông nghiệp, sản xuất và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể sẽ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu nước.
Dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), TS Arunabha Ghosh - Giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng, môi trường và nguồn nước cho biết, Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới (chiếm 18%) đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do khan hiếm nước. Nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến vượt xa nguồn cung từ 40% đến 50% vào năm 2030. Từ đó ông Ghosh cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm nước là vấn đề "vượt qua toàn bộ nền kinh tế".
Mới đây, các nghị sĩ châu Âu đã cảnh báo rủi ro cuộc khủng hoảng nước đang gia tăng khi châu lục này đang trong một mùa hè khắc nghiệt, với nhiệt độ được dự báo vượt qua mức kỷ lục hồi mùa hè năm 2022. Tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), với chủ đề “Cuộc khủng hoảng nước ở châu Âu”, các nghị sĩ kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo tồn và cải thiện tài nguyên nước trong khu vực vốn đã nhiều năm mực nước ngầm suy kiệt trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng gay gắt.
Cao Ủy Năng lượng EU Kadri Simson trong bài phát biểu khai mạc phiên họp ở Nghị viện châu Âu, đã nhấn mạnh: “Chúng ta đừng nên rút ra bài học về giá trị của nước sau khi giếng đã cạn”. Bà Kadri kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU cần phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt mùa hè này, “chúng ta đang chứng kiến hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu rõ ràng hơn bao giờ hết. Châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, các con sông đang cạn kiệt và ngành nông nghiệp đang chịu áp lực”.
“Cứ sau mỗi mùa hè, châu Âu lại càng khan hiếm nước” - ông Juan Ignacio Zoido Alvarez, thành viên của Ủy ban Nghị viện châu Âu về nông nghiệp và phát triển nông thôn, nói và cảnh báo mùa hè năm nay có thể là mùa hè tồi tệ nhất.
Alvarez, người trước đây là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Tây Ban Nha, cho biết tài nguyên nước của Tây Ban Nha hiện ở mức dưới 50% công suất.
Lượng nước trong các hồ chứa lớn của Thái Lan đang ở mức thấp đáng lo ngại, với chỉ 19% có thể sử dụng được cho sinh hoạt, nông nghiệp và bảo vệ hệ sinh thái. Lưu vực sông Chao Phraya cần 12 tỉ mét khối nước trong mùa khô và đầu mùa mưa, song hiện tổng lượng nước ở 4 hồ chứa chính của Thái Lan chỉ cung cấp được khoảng 4,5 tỉ mét khối nước. Giới chức Thái Lan kỳ vọng có thể bù đắp được khoảng 7,5 tỉ mét khối nước trong thời gian hơn 100 ngày còn lại của mùa mưa năm nay. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình ở Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục ở mức khoảng 40 độ C trong những tháng mùa hè. Việc canh tác sẽ bị tác động do nắng nóng và hạn hán.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/the-gioi-khat-5721418.html