Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức sáng ngày 8-11, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao (1923-2023).

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao nhận quà tặng từ Ban tổ chức.

Đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao nhận quà tặng từ Ban tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: “Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ 20, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông trong số họ đều đồng thanh, đồng tâm nói rằng: Người nghệ sĩ đó là Văn Cao! Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời”.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Với Giáo sư Phong Lê, Văn Cao là một chân dung lớn. “Nói Văn Cao, không chỉ thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông mà ngay từ năm 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn của cả dân tộc Việt Nam. Bởi ông là tác giả của “Tiến quân ca”, bài hát được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Quốc ca. Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền “Tiến quân ca” cho Tổ quốc, một nghĩa cử vĩ đại mà nếu thực hiện chế độ bản quyền riêng thì chỉ riêng nhuận bút của bài hát này cũng đưa Văn Cao lên hàng tỷ phú trong khi đời sống của ông cho đến khi qua đời vẫn trong cảnh thanh bạch khó khăn. Sau nhạc, Văn Cao còn có sự nghiệp đáng ghi nhận về thơ, họa, văn xuôi. Tôi-một công dân bình thường, chỉ có thể nói được đôi điều, với sự ngưỡng mộ và tấm lòng biết ơn đối với Văn Cao”.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham quan triển lãm.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham quan triển lãm.

 Triển lãm các bức hội họa của Văn Cao.

Triển lãm các bức hội họa của Văn Cao.

Với tham luận “Từ “Buồn tàn thu” đến “Mùa xuân đầu tiên”, cuộc hành trình của một tài năng lớn”, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Văn Cao là một nhạc sĩ lớn, một nghệ sĩ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, thơ ca, hội họa… Đối với nhạc sĩ Văn Cao, thể loại hành khúc được ông viết nhiều trong thời gian hoạt động cách mạng tại Hà Nội, trực tiếp trong đội trừ gian, tham gia ám sát các phần tử phản động, bán nước và một trong những thành công tiêu biểu phải kể đến “Tiến quân ca”. Với mảng hành khúc cách mạng, Văn Cao còn để lại các ca khúc như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội… Khi nghe Quốc ca, Quốc thiều, trong lòng thế hệ sau chúng tôi như bị mắc nợ”.
Tự nhận mình là người ngoại đạo, PGS, TS Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Văn Cao là nghệ sĩ đa tài, thể hiện trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Sự nghiệp của ông trải dài gần suốt thế kỷ 20 và gắn bó chặt chẽ với lịch sử gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn của đất nước. Cũng vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao trải qua nhiều khúc quanh, nhiều bước ngoặt, nhiều bước thăng trầm của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nghệ thuật hiện đại. Từ trường hợp của Văn Cao có thể mang lại nhiều bài học về tài năng, về nhân cách nghệ sĩ, về con đường chiếm lĩnh các đỉnh cao, về lộ trình chinh phục công chúng, về quá trình nhận thức, đánh giá và tiếp nhận các giá trị nghệ thuật”.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: “Nếu thơ của Văn Cao đầy hình ảnh, tiết tấu và âm điệu thì nhạc của ông lại giàu chất văn thơ và tính hội họa. Sự thâm nhập và tương hỗ giữa thi ca, nhạc, họa trong ngôn ngữ biểu hiện là điều hết sức tự nhiên ở con người đa tài này. Cũng nhờ cái đa tài thiên phú đó mà tác giả từ lúc còn ở tuổi thanh niên đã là một trong những nhân vật mở lối thông đường cho các dòng chảy khác nhau: Tình khúc và hành khúc. Tác phẩm âm nhạc của một người thơ, người họa luôn giàu ý nghĩa thơ và hình ảnh, trước hết ở lời ca, nhất là lời của tình ca. Nhân vật chính trong tình ca Văn Cao là em, dù có bài không xuất hiện một từ em nào… Sức tàn phá nghiệt ngã của thời gian không thể làm mất đi giá trị đích thực của những tác phẩm hài hòa giữa lời ca đầy hình ảnh và giai điệu giàu cảm xúc của Văn Cao".

Với tham luận “Văn Cao-Cách mạng và cách mạng thơ”, PGS, TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện trước năm 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Ngay từ thời ấy, cùng với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn trong tư cách con-người-hành-động của cách mạng, thậm chí thực hiện những nhiệm vụ “không thơ”. Và hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Theo đó, chống lại sự bảo thủ, với ông, cách mạng phải được chuyển hóa thành cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ”.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân phát biểu kết luận hội thảo.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân khẳng định: “Mỗi chúng ta có thể biết hát ca khúc này, không biết hát ca khúc kia, nhưng có một bài hát mà người Việt Nam nào cũng thuộc, từng hát, đang hát và sẽ tiếp tục hát, đó là bài “Tiến quân ca”. Đây là vinh dự đặc biệt của tác giả, nhạc sĩ Văn Cao, cũng là sự lựa chọn đặc biệt mà lịch sử cách mạng Việt Nam dành cho ông, đồng thời minh chứng tài năng âm nhạc kiệt xuất của ông, bên cạnh những tác phẩm khác đã làm nên sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng. Thời gian càng lùi xa, tầm vóc nghệ thuật của Văn Cao càng trở nên lớn hơn và lộng lẫy hơn. Hội thảo đã trả lời cho câu hỏi chúng ta cần tiếp tục làm gì để phát huy giá trị di sản quý giá về nhạc, họa, thơ mà Văn Cao để lại”.

 Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà khoa học hàng đầu, góp phần làm sáng rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao. Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức triển lãm 100 bức tranh minh họa và 100 bìa sách ấn tượng của nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao.

Tin, ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/the-gioi-nhac-hoa-tho-cua-van-cao-750518