Thế giới nín thở chờ động thái thuế quan mới của Mỹ

Các đối tác thương mại của Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho đợt áp thuế mới của Tổng thống Mỹ, trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị công bố mức thuế đối ứng đối với các đối tác thương mại toàn cầu.

Các container vận chuyển hàng tại cảng Oakland, bang California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Các container vận chuyển hàng tại cảng Oakland, bang California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Thuế đối ứng của ông Trump, nhằm điều chỉnh mức thuế của Mỹ để tương xứng với mức thuế cao hơn mà các nước khác áp lên một số mặt hàng, đồng thời bù đắp các rào cản phi thuế quan gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ công bố các mức "thuế quan đối ứng" cụ thể và khả năng nhắm mục tiêu vào các ngành kinh tế vào ngày 2-4 (giờ địa phương). Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết mục tiêu là công bố "thuế quan theo quốc gia" nhưng ông Trump vẫn cam kết áp thuế riêng theo từng ngành. Bà Leavitt khẳng định bất kỳ quốc gia nào đối xử "không công bằng" với Mỹ sẽ phải chịu thuế đáp trả. Ngoài áp thuế quan theo quốc gia, Tổng thống Trump có thể áp thêm thuế theo ngành, như dược phẩm và bán dẫn. Thuế đối với ô-tô đã được công bố và sẽ có hiệu lực vào ngày 3-4 (giờ địa phương). Trước đó, Tổng thống Trump vừa cho biết thuế đối ứng mà ông chuẩn bị công bố tuần này sẽ áp lên tất cả các quốc gia, chứ không chỉ một nhóm gồm 10 - 15 nước có tình trạng mất cân bằng thương mại lớn nhất. Trước đó, giới chuyên gia kinh tế dự đoán đợt thuế mới có thể nhắm vào 15% số đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, EU, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Ấn Độ.

"Nước Mỹ trên hết" hay "dao hai lưỡi"?

Theo Reuters, Tổng thống Trump tuyên bố ngày 2-4 là "ngày giải phóng" đối với nước Mỹ, giải thích rằng đất nước cuối cùng "đã thu được tiền". Ông tin rằng điều này sẽ giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ một cách thần kỳ. Ông Trump tuyên bố rằng, thuế quan đối ứng sẽ giúp "bịt miệng" những chính sách thương mại không công bằng của các nước khác, đồng thời khuyến khích các công ty sản xuất tại Mỹ để né các khoản thuế mới. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu tới 1.200 tỷ USD - một con số thâm hụt thương mại khổng lồ mà ông Trump đang quyết tâm giảm bớt bằng các biện pháp mới của mình. Ông cũng "than thở" rằng Mỹ đã quá hiền lành, để các nước khác "lộng hành" áp thuế lên hàng xuất khẩu của Mỹ mà không có bất kỳ sự phản kháng nào.

Theo Đài CBS, các nhà kinh tế coi động thái này là cao trào của "chính sách thương mại nước Mỹ trên hết" - sắc lệnh hành pháp mà ông Trump đã ký ngay trong ngày đầu nhậm chức, với mục tiêu khôi phục ngành sản xuất tại Mỹ. Trước đó ông đã áp thuế cao đối với nhôm, thép và ô-tô, cùng với việc tăng thuế đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Ông Trump coi thuế quan là một cách bảo vệ nền kinh tế trong nước khỏi sự cạnh tranh toàn cầu không lành mạnh và là một con bài mặc cả để có được các điều khoản tốt hơn cho Mỹ.

Tuy nhiên những lo ngại về chiến tranh thương mại đang làm chao đảo thị trường và dấy lên nỗi lo suy thoái kinh tế tại Mỹ. Theo bà Deborah Elms, Giám đốc chính sách thương mại tại Tổ chức Hinrich ở Singapore, ông Trump đang đặt cược lớn với chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết". "Ông Trump sử dụng thuế như một công cụ thô để giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc - từ sự suy giảm sản xuất, mất cân bằng thương mại cho đến những thay đổi quyền lực", bà nhận định. "Điều này không khả thi vì mỗi mục tiêu đòi hỏi một chiến lược thương mại khác nhau, và cách làm này không phải giải pháp".

Chạy đua tìm kiếm miễn trừ thuế quan

Trước đây, viễn cảnh hệ thống thương mại quốc tế bị tổn hại bởi một cuộc chiến thuế quan toàn cầu chỉ được xem là kịch bản giả định. Nhưng giờ đây, nó đang trở thành điều có khả năng xảy ra nhất. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, đang chuẩn bị đối phó với tác động này và lo ngại về những gì xảy ra sắp tới.

Với nguy cơ thuế quan cận kề, nhiều chính phủ các nước đã gấp rút đàm phán với Mỹ. Các phái đoàn thương mại đổ về Washington, đưa ra những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để đầu tư vào Mỹ hoặc mua hàng hóa của nước này, nhằm tránh bị đánh thuế.

Ấn Độ đã tích cực đàm phán, sẵn sàng cắt giảm thuế đối với hơn một nửa số hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 23 tỷ USD. Bộ trưởng thương mại Nhật Bản cũng vận động hành lang tại Washington nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô-tô của nước này, trong khi Hàn Quốc phải đối mặt với mức thuế 25% đối với thép và nhôm. Quốc gia này đã kích hoạt chiến lược khẩn cấp, cử bộ trưởng công nghiệp sang Mỹ để tìm cách giảm nhẹ tác động. Trong bối cảnh nhiều biến động, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận tăng cường thương mại tự do để ứng phó với động thái thuế quan của ông Trump.

Chuyên gia Ryan Sweet của công ty tư vấn Oxford Economics khuyến nghị các nước nên "dự kiến cho những điều bất ngờ" và dự đoán Tổng thống Trump sẽ nhắm vào "những đối tượng vi phạm lớn nhất". Điều quan trọng hiện giờ là phạm vi thuế quan và xác định liệu đây chỉ là chiến thuật đàm phán hay sự thay đổi chính sách quy mô lớn của chính quyền Tổng thống Trump.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/the-gioi-nin-tho-cho-dong-thai-thue-quan-moi-cua-my-post311052.html