Thế giới nỗ lực mang Internet về Iran

Nhiều nỗ lực trên khắp thế giới đang được triển khai để khôi phục kết nối Internet ở Iran, nhưng thực sự việc giải quyết vấn đề là rất khó khăn và đầy rủi ro.

Giữa các cuộc biểu tình trên khắp Iran sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người bị bắt giam bởi "cảnh sát đạo đức" vào đầu tháng 9-2022, chính phủ đã áp đặt các lệnh ngắt kết nối Internet và chặn nhiều dịch vụ kỹ thuật số trên khắp đất nước trong nhiều ngày. Trong bối cảnh hầu hết 80 triệu công dân của Iran bị ảnh hưởng, mọi người trên khắp thế giới đã và đang tìm kiếm các cách để giúp người Iran được kết nối mạng trở lại. Tuy nhiên, mọi cách tiếp cận đều chưa thành công.

Chính phủ Iran cắt truy cập Internet trên khắp cả nước trong bối cảnh hỗn loạn.

Chính phủ Iran cắt truy cập Internet trên khắp cả nước trong bối cảnh hỗn loạn.

Người Iran đã phải đối mặt với những hạn chế Internet ngày càng leo thang trong nhiều năm và đã có một số giải pháp thay thế, như VPN và các dịch vụ chuyển tiếp khác. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận thức được nâng cao, hiện vẫn không có cách thức nào dễ dàng, giá cả phải chăng và có thể áp dụng rộng rãi để khôi phục quyền truy cập kỹ thuật số cho người dân.

Mục tiêu của nỗ lực

Nỗ lực khôi phục các đường dây kỹ thuật số ở Iran xoay quanh hai mục tiêu. Cả Internet băng thông rộng và dữ liệu di động đều bị ngừng hoạt động, nhờ vào những gì về cơ bản là “các công tắc ngắt Internet” – một cơ sở hạ tầng mà chế độ đã dành nhiều năm đầu tư vào. Vì vậy, một lĩnh vực trọng tâm là tiềm năng thiết lập các kết nối thay thế, cụ thể là thông qua các dịch vụ vệ tinh. Tuy nhiên, chính phủ Iran cũng đang lọc và chặn quyền truy cập vào các dịch vụ kỹ thuật số cụ thể ngay cả khi mọi người có thể kết nối với Wi-Fi hoặc dữ liệu di động. Điều này có nghĩa là các nhân tố trong và ngoài nước cũng đang cố gắng cung cấp các giải pháp kỹ thuật để người Iran có thể duy trì quyền truy cập vào các dịch vụ quan trọng, như WhatsApp và Instagram. Với mức độ kiểm soát của chính phủ, các rào cản hậu cần và các biện pháp trừng phạt toàn cầu đang áp dụng đối với Iran, tiến độ hiện rất chậm.

Amir Rashidi, giám đốc an ninh Internet và quyền kỹ thuật số tại tổ chức nhân quyền Miaan Group, cho biết: “Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu là sự việc lần này rất khác, vì họ đang chặn mọi kênh liên lạc có thể có. Và đây là một điều vô cùng mới đối với chúng tôi. Là một người đã nghiên cứu về Internet của Iran trong hơn một thập kỷ, tôi chưa bao giờ thấy chính phủ Iran quyết liệt truy xuất mọi kênh liên lạc như vậy”.

Cả thế giới vào cuộc

Tháng 9-2022, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một giấy phép chung để mở đường cho các công ty công nghệ Mỹ được miễn khỏi các lệnh trừng phạt, theo đó cung cấp phần cứng, phần mềm, dịch vụ đám mây và công nghệ khác cho người dân Iran nếu họ có thể tìm ra cách thức để làm vậy.

Thế giới đang vào cuộc để nối lại truy cập Internet cho người dân Iran.

Thế giới đang vào cuộc để nối lại truy cập Internet cho người dân Iran.

Một số dịch vụ truyền thông có sẵn các hệ thống để tìm cách vượt qua các phong tỏa kỹ thuật số. Ví dụ: ứng dụng nhắn tin an toàn Signal cung cấp các công cụ để mọi người trên khắp thế giới có thể thiết lập các máy chủ proxy chuyển tiếp an toàn dữ liệu để vượt qua các bộ lọc của chính phủ. Dịch vụ proxy trước đây chỉ có sẵn cho Signal trên hệ điều hành Android, nhưng nền tảng này đã thêm hỗ trợ cho iOS từ ngày 28-9.

Tuy nhiên, nếu người dân Iran chưa cài đặt ứng dụng Signal trên điện thoại của họ hoặc chưa đăng ký số điện thoại, thì việc ngắt kết nối hiện nay sẽ gây khó khăn cho việc tải xuống ứng dụng hoặc nhận mã SMS được sử dụng để thiết lập tài khoản. Người dùng Android không thể kết nối với Google Play cũng có thể tải xuống ứng dụng trực tiếp từ trang web của Signal, nhưng điều này tạo ra khả năng các phiên bản độc hại của ứng dụng Signal có thể lan truyền trên các diễn đàn khác và lừa mọi người tải chúng xuống. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Signal Foundation đã tạo địa chỉ email “getignal@signal.org” mà mọi người có thể nhắn tin để yêu cầu một bản sao an toàn của ứng dụng.

Trình duyệt ẩn danh Tor phần lớn không thể truy cập được ở Iran, nhưng một số nhà hoạt động đang nỗ lực thiết lập các “cầu nối” Tor bên trong Iran để kết nối mạng nội bộ của quốc gia với nền tảng toàn cầu. Tuy nhiên, công việc sẽ khó khăn nếu không có cơ sở hạ tầng và nguồn lực, và cực kỳ nguy hiểm nếu bị phát hiện ra hoạt động này.

Các nỗ lực cung cấp dịch vụ vệ tinh như một giải pháp thay thế về mặt lý thuyết có thể rất hiệu quả. Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk, đã viết trên Twitter rằng ông đang “kích hoạt” dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của công ty dành cho người dân ở Iran. Tuy nhiên, trên thực tế, tùy chọn này không phải là “liều thuốc bách bệnh”.

Để sử dụng Starlink hoặc bất kỳ dịch vụ Internet vệ tinh nào, bạn cần phần cứng bao gồm các trạm gốc để thu và dịch tín hiệu. Việc mua sắm và thiết lập cơ sở hạ tầng này cần nhiều nguồn lực và đặc biệt là không khả thi ở một nơi như Iran, nơi các lệnh trừng phạt và phong tỏa thương mại hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận thiết bị và khả năng thanh toán cho các dịch vụ thuê bao hoặc phí kết nối khác. Và ngay cả khi người dùng có thể vượt qua những rào cản này, thì việc gây nhiễu cũng là một vấn đề tiềm ẩn. Ví dụ, nhà điều hành vệ tinh của Pháp Eutelsat hồi tháng 9-2022 cho biết hai trong số các vệ tinh của họ đã bị gây nhiễu từ Iran. Ngoài việc cung cấp dịch vụ Internet, các vệ tinh còn phát sóng hai kênh truyền hình nổi tiếng đăng tải ý kiến của những người bất đồng chính kiến của Iran.

Hạnh Vân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/the-gioi-no-luc-mang-internet-ve-iran-i669773/