Thế giới phản ứng ra sao trước việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan?

Ngay sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul và trở lại nắm quyền ở Afghanistan, hơn 60 quốc gia đã kêu gọi những người nắm quyền ở Afghanistan bảo vệ 'tính mạng con người và tài sản' đất nước.

An ninh và an toàn cho người dân

Ngay sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul và trở lại nắm quyền ở Afghanistan, vào cuối ngày 15/8, hơn 60 quốc gia đã ra một tuyên bố chung, nói, những người nắm quyền và có thẩm quyền ở Afghanistan “chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình về việc bảo vệ tính mạng con người và tài sản đất nước; đồng thời lập tức khôi phục an ninh và trật tự dân sự”.

Tuyên bố "chốt" lại, “Người dân Afghanistan xứng đáng được sống trong sự an toàn, an ninh và phẩm giá…”.

Hôm 16/8, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói, "thất bại quân sự" của Mỹ ở Afghanistan mang lại cơ hội thiết lập hòa bình lâu dài ở nước này.

Bức ảnh lịch sử khi Taliban chiếm giữ Dinh Tổng thống Afghanistan ngày 15/8. Ảnh: AP/ Zabi Karimi.

Bức ảnh lịch sử khi Taliban chiếm giữ Dinh Tổng thống Afghanistan ngày 15/8. Ảnh: AP/ Zabi Karimi.

Washington trong quá khứ đã cáo buộc Iran cung cấp viện trợ bí mật cho các chiến binh Taliban chống lại lực lượng Mỹ. Tehran, được cho ủng hộ một chính phủ Afghanistan bao gồm tất cả các nhóm sắc tộc và giáo phái, đã phủ nhận điều này.

"Thất bại quân sự của Mỹ và việc rút quân của nước này phải trở thành cơ hội để khôi phục cuộc sống, an ninh và hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Iran ủng hộ các nỗ lực khôi phục sự ổn định ở Afghanistan với tư cách là một quốc gia láng giềng anh em. Iran hi vọng tất cả các nhóm ở Afghanistan đạt được một thỏa thuận quốc gia.", kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn lời ông Raisi.

Cùng ngày, Trung Quốc cho biết đại sứ quán nước này sẽ vẫn mở ở Kabul và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tái thiết Afghanistan.

Hàng ngàn người dân Afghanistan trong tâm trạng lo sợ chế độ mới đã kéo đến sân bay quốc tế ở Kabul, mong rời khỏi đất nước. Ảnh: Reuters.

Hàng ngàn người dân Afghanistan trong tâm trạng lo sợ chế độ mới đã kéo đến sân bay quốc tế ở Kabul, mong rời khỏi đất nước. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh không trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Bắc Kinh có công nhận Taliban là chính phủ mới hay không, nhưng nói, Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của người dân Afghanistan.

Bà Hoa Xuân Oánh lưu ý, Taliban cam kết đàm phán để thành lập một chính phủ Hồi giáo bao trùm, gồm đầy đủ đại diện và đảm bảo an ninh cho người dân Afghanistan cũng như các cơ quan đại diện nước ngoài. Trung Quốc hi vọng điều đó sẽ đảm bảo việc chuyển tiếp quyền lực ở Afghanistan diễn ra suôn sẻ.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố, Islamabad sẽ tiếp tục đóng vai trò vì hòa bình và ổn định ở Afghanistan.

Nhiều người cố vượt rào để lọt vào bên trong sân bay ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Nhiều người cố vượt rào để lọt vào bên trong sân bay ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Đức đã kêu gọi Taliban thể hiện sự kiềm chế, bảo vệ cuộc sống của người dân Afghanistan và đảm bảo các nguồn viện trợ nhân đạo có thể đến được với họ.

Hôm 16/8, một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết, Đức “quan tâm đến số phận của từng người dân Afghanistan cũng như sự phát triển của toàn bộ đất nước”.

Người dân Afghanistan trong tuyệt vọng đã cố mạo hiểm "đu càng" máy bay quân sự Mỹ ở sân bay Kabul, mong rời khỏi đất nước. Nguồn: Twitter.

Ngoại trưởng Qatar Mohamed bin Abdulrahman Al Thani, kêu gọi sự ổn định cho người dân Afghanistan.

“Có một mối quan ngại quốc tế về sự leo thang của các sự kiện ở Afghanistan và chúng tôi nhấn mạnh sự an ninh, an toàn của người dân và tầm quan trọng của việc thiết lập sự ổn định ở Afghanistan càng sớm càng tốt.”, ông Thani nói.

Công nhận chính quyền mới ở Afghanistan tùy thuộc “hành vi” của Taliban

Hôm 16/8, Đặc phái viên của Điện Kremlin về Afghanistan, Zamir Kabulov, cho biết, Moscow sẽ quyết định có công nhận chính phủ Taliban mới hay không dựa trên hành vi của họ. “Việc công nhận hay không sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của các nhà chức trách mới.”, ông Zamir Kabulov nói.

Theo ông Kabulov, Nga liệt Taliban là một tổ chức khủng bố vào năm 2003, nhưng kể từ đó, Moscow đã tổ chức một số vòng đàm phán ở Afghanistan, gần đây nhất là vào tháng 3, có sự tham gia của nhóm này.

Sân bay ở Kabul trong tình trạng kẹt cứng và hỗn loạn vào ngày 16/8. Ảnh: Reuters.

Sân bay ở Kabul trong tình trạng kẹt cứng và hỗn loạn vào ngày 16/8. Ảnh: Reuters.

Ông Kabulov tiết lộ, Đại sứ Nga tại Afghanistan sẽ gặp Taliban ở Kabul vào ngày 17/8; nhấn mạnh, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc Taliban có kế hoạch cung cấp an ninh như thế nào cho Đại sứ quán Nga ở thủ đô Afghanistan.

Tình hình ở Afghanistan cũng là trọng tâm của một cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 16/8.

"Ông Lavrov đã thông báo với người đồng cấp Mỹ về quan điểm của Nga đối với tình hình và về các cuộc tiếp xúc của Đại sứ quán Nga với đại diện của tất cả các lực lượng chính trị chủ chốt ở Afghanistan vì mục tiêu đảm bảo ổn định, luật pháp và trật tự", Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nói.

Chiến binh Taliban đứng gác bên ngoài lối vào sân bay ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Chiến binh Taliban đứng gác bên ngoài lối vào sân bay ở Kabul. Ảnh: Reuters.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Nga Lavrov và Blinken đã đồng ý tiếp tục tham vấn với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy đối thoại ở Afghanistan sau khi nước này thay đổi quyền lực. "Hai nhà ngoại giao hàng đầu nhất trí tiếp tục tham vấn với sự tham gia của đại diện Trung Quốc, Pakistan và các nước liên quan khác và Liên hợp quốc nhằm giúp tạo điều kiện cho việc thiết lập đối thoại toàn diện nội bộ Afghanistan trong môi trường mới.".

Cảnh hỗn loạn ở Sân bay Kabul khi hàng ngàn người dân Afghanistan muốn rời khỏi đất nước trong hoảng loạn. Nguồn: Mehr.

Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN vào cuối ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington chỉ có thể “làm việc và công nhận” một chính phủ “bảo vệ các quyền cơ bản của người dân và không chống lưng cho những kẻ khủng bố”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ, việc Taliban tiếp quản Afghanistan là một “thất bại của cộng đồng quốc tế”; lưu ý, sứ mệnh ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc và nước này cần sự hỗ trợ của công đồng quốc tế.

Taliban tuần tra trên đường phố. Ảnh: Reuters.

Taliban tuần tra trên đường phố. Ảnh: Reuters.

Trong một tuyên bố hôm 16/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về tình hình ở Afghanistan, nơi xung đột đang buộc hàng trăm ngàn người phải trốn chạy khỏi nơi ở và đất nước; kêu gọi cộng đồng quốc tế không bỏ rơi người dân Afghanistan; làm việc và hành động cùng nhau để nâng cao nhân quyền cho người dân, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái; đảm bảo Afghanistan không bao giờ được sử dụng như một nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố.

“Tôi kêu gọi Taliban và tất cả các bên liên quan kiềm chế cao nhất để bảo vệ tính mạng người dân và đảm bảo các nhu cầu nhân đạo có thể đáp ứng được.”, tuyên bố của ông Guterres viết .

Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, cơ quan này và các đối tác đang cung cấp cho người dân những hỗ trợ cần thiết, về thực phẩm, tiền mặt, chăm sóc sức khỏe, nước và vệ sinh, bất chấp tình hình an ninh phức tạp ở Afghanistan.

Huy Anh/Aljazeera, Dailysabah

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/the-gioi-phan-ung-ra-sao-truoc-viec-taliban-tro-lai-nam-quyen-o-afghanistan-110677.html