Thế giới Sau một năm, Hiệp định EVFTA đang từng bước phát huy hiệu quả
Khi phần lớn thế giới đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa liên tiếp trong năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết nhất trí thông qua hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6/2020, sau khi hiệp định mang tính bước ngoặt này được hai bên ký kết năm 2019. Sau 14 tháng kể từ khi có hiệu lực (tháng 8/2020), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã đem lại những “quả ngọt” ban đầu, giúp thúc đẩy thương mại hai chiều và giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế, bài phân tích trên trang Business Times ngày 13/10 nhận định.
Hiệp định EVFTA đã giúp thúc đẩy thương mại hai chiều. Ảnh: PHAATA
Trong 6 tháng đầu năm nay, thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là “một thành tựu đáng kể trong bối cảnh đại dịch toàn cầu”, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho biết. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, có thể kể đến như: sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73%; rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.
Tháng trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm 2021. Mặc dù đây là mức giảm khá lớn so với ước tính tăng trưởng 6,7% được đưa ra hồi tháng 4, nhưng con số này vẫn đưa Việt Nam vượt lên trên mức tăng trưởng trung bình 3,1% của khu vực.
Được biết, EVFTA là hiệp định thứ hai mà EU ký kết với một nước ASEAN, chỉ sau Singapore. Đáng chú ý, đây không phải là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn duy nhất đang thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, một loạt các FTA đã có hiệu lực tại quốc gia Đông Nam Á này, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Chính phủ Việt Nam cho biết đây là một phần trong định hướng dài hạn của đất nước, nhằm xây dựng một nền kinh tế hiện đại theo định hướng thị trường, và các dấu hiệu cho thấy chiến lược này đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Trong một báo cáo có tiêu đề “Việt Nam: Hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện EVFTA”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng “với Việt Nam, những lợi ích được nhìn thấy rõ ràng là tăng trưởng kinh tế cao và nhất quán, đồng thời làm giảm tỷ lệ đói nghèo”.
Tuy nhiên, các FTA đa phương như vậy vẫn chưa phổ biến trong các nước láng giềng ASEAN của Việt Nam.
Đến nay, trong các quốc gia thành viên ASEAN, chỉ có thêm Singapore, Malaysia và Brunei đã ký kết CPTPP. Ba quốc gia này có tổng cộng 39 triệu người, tương đương chỉ 6% dân số ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam, với gần 100 triệu dân, chiếm 15% tổng dân số toàn khu vực. Do đó, nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam vẫn là một lợi thế có ít sự cạnh tranh.
Song song đó, việc EU rút một phần ưu đãi miễn thuế theo hạn ngạch cho Campuchia theo thỏa thuận “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) vì cho rằng Campuchia không tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận này vào tháng 8/2020, chưa đầy hai tuần sau khi EVFTA có hiệu lực, đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà sản xuất châu Âu tìm đến Việt Nam như một lựa chọn mới.
Thúc đẩy cải cách hơn nữa
Tuy nhiên, dù nắm giữ nhiều ưu thế có vẻ phù hợp với tham vọng thương mại quốc tế của Việt Nam, nhiều nhà phân tích vẫn lưu ý Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy các cải cách, nhằm đạt được những lợi ích đầy đủ của EVFTA.
“Nếu Việt Nam có thể hành động một cách quyết đoán để thu hẹp khoảng cách về pháp lý và năng lực thực hiện, thì nước này có thể tận dụng tối đa hiệu quả của thỏa thuận thương mại này, với lợi ích trực tiếp được ước tính là lớn nhất trong lịch sử đất nước”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho hay.
Cũng theo ông Dione, khi đại dịch COVID-19 được xem như một nút “khởi động lại” và EVFTA như một “bộ tăng tốc”, thì bây giờ chính là thời điểm hoàn hảo để thực hiện những cải cách trong nước một cách sâu rộng hơn.
Thực tế, kể từ khi Hiệp định được đưa vào hiệu lực cho đến nay, Việt Nam đã tích cực và chủ động thực hiện đầy đủ các cam kết của hiệp định, cũng như đưa ra những điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi EVFTA, giúp cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tận dụng hiệu quả hiệp định.
Trong một tương lai dài hơn, WB cho rằng, tác động kết hợp của COVID-19 và căng thẳng thương mại có thể đưa đến quá trình tái cấu trúc sâu sắc các chuỗi giá trị toàn cầu. Các chuỗi giá trị này có xu hướng sẽ ít phụ thuộc hơn vào một số trung tâm sản xuất toàn cầu, như Trung Quốc, mở đường cho Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng. Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng nếu có thể tái định vị vị thế của mình một cách tốt nhất trong thời gian tới.
Theo Business Times, khi đại dịch COVID-19 lắng xuống và biên giới quốc tế dần mở lại, Việt Nam đang hướng tới một làn sóng thương mại lớn hơn nữa với khối 27 thành viên EU. Theo đó, ADB đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể trở lại gần với mức tăng trưởng trước đại dịch là 6,5%.