Thế Giới Số (DGW): Chuỗi cầm đồ VietMoney lỗ mỗi tháng 1 tỷ đồng, khó có lãi trong ngắn hạn

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã cổ phiếu DGW) vừa cho biết chuỗi cầm đồ VietMoney hiện đang lỗ trung bình 1 tỷ đồng/tháng và có thể sẽ không đóng góp đáng kể vào lợi nhuận toàn công ty trong 2 năm tới.

Chuỗi cầm đồ VietMoney lỗ trung bình 1 tỷ đồng/tháng

Tại buổi gặp nhà đầu tư vừa diễn ra, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã cổ phiếu DGW - sàn HoSE) đã công bố nhiều thông tin đáng chú ý về kết quả kinh doanh của chuỗi cầm đồ VietMoney - mảng kinh doanh mới gia nhập hệ sinh thái từ hồi quý 4/2023.

Theo đó, doanh số trung bình hàng tháng của mỗi cửa hàng thuộc chuỗi VietMoney trong nửa đầu năm 2024 là 2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 16 cửa hàng của VietMoney, 14 cửa hàng ghi nhận mức lợi nhuận nhẹ ở cấp cửa hàng, trong khi 2 cửa hàng còn lại vẫn đang lỗ.

Tính chung toàn bộ chuỗi thì VietMoney ghi nhận mức lỗ bình quân là 1 tỷ đồng/tháng, chủ yếu do gia tăng chi phí mặt bằng, ban lãnh đạo Thế Giới Số cho biết.

Năm 2022, VietMoney đã thành lập hệ thống cửa hàng cầm cố các mặt hàng như xe, điện thoại, laptop...

Năm 2022, VietMoney đã thành lập hệ thống cửa hàng cầm cố các mặt hàng như xe, điện thoại, laptop...

Dự kiến chuỗi VietMoney sẽ tiếp tục lỗ trong những tháng còn lại của năm 2024. Chuỗi cầm đồ này dự kiến có thể đạt mức lãi ở cấp độ toàn chuỗi khi doanh số/cửa hàng/tháng ở mức 2,5 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Thế Giới Số đã thẳng thắn cho biết chuỗi VietMoney sẽ đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận của toàn công ty trong vòng 2 năm tới.

Cuối năm ngoái, Thế Giới Số đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Viet Money lên mức 72,8%, chính thức đưa chuỗi này thành công ty con. Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Số cho biết, việc M&A VietMoney là nhằm phục vụ mục tiêu kinh doanh các sản phẩm điện máy và điện thoại đã qua sử dụng (secondhand) khi tiềm năng kinh doanh của mảng thị trường này còn khá lớn nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào phân khúc này.

Lãnh đạo Thế Giới Số dẫn chứng, hiện có hơn 40% thiết bị đang kết nối mạng trên thị trường là điện thoại iPhone. Tuy nhiên, lượng iPhone bán mới chỉ chiếm 13% - 18% tùy từng quý.

Như vậy lượng iPhone cũ đang hòa mạng gấp đôi lượng máy mới được bán hằng năm. Dòng điện thoại này có vòng đời khoảng 6 năm, và khoảng 2 - 3 năm người dùng sẽ đổi máy mới. Do đó, quy mô thị trường điện thoại đã qua sử dụng ở mức lớn.

Đồng thời, biên lợi nhuận của các sản phẩm đã qua sử dụng cũng cao hơn máy mới, ông Đoàn Hồng Việt tiết lộ.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Hồng Việt cho biết, trong thời gian qua, các tổ chức cho vay tiêu dùng thận trọng hơn trong việc giải ngân đã tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng đối với các sản phẩm do Thế Giới Số phân phối.

Do đó, chuỗi cầm đồ VietMoney sẽ vừa có thể làm dịch vụ tài chính vừa kinh doanh các sản phẩm máy cũ, đưa ra giải pháp tài chính hỗ trợ khách hàng của Thế Giới Số mua sắm sản phẩm.

Kết quả kinh doanh của Achison yếu hơn kỳ vọng

Achison từng được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ việc dòng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng mạnh.

Achison từng được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp từ việc dòng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng mạnh.

Cũng tại buổi gặp mặt, ban lãnh đạo Thế Giới Số cũng tiết lộ công ty vừa thất bại trong một thương vụ M&A tiềm năng ở mảng thiết bị văn phòng. Tuy nhiên, công ty có thể sẽ chốt được một thương vụ tiềm năng khác ở mảng tiêu dùng vào năm 2025.

Trước đó, vào quý 4/2024, Thế Giới Số đã nâng sở hữu lên mức 75% tại Công ty Cổ phần Achison - doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp.

Achison từng được nhiều tổ chức tài chính đánh giá cao về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng mạnh. Hàng loạt nhà máy của các thương hiệu lớn trên thế giới như Lego, Pandora, Samsung,... được xây dựng tại Việt Nam càng củng cố kỳ vọng về sự tăng trưởng trong nhu cầu về thiết bị bảo hộ lao động.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DGW của Thế Giới Số từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DGW của Thế Giới Số từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo ước tính của ban lãnh đạo Thế Giới Số, Achison có thể mang lại khoảng 800 tỷ đồng doanh thu cho công ty trong năm nay.

Tuy nhiên, trên thực tế thì trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng của Achison thấp hơn nhiều so với kỳ vọng do hoạt động sản xuất yếu, chỉ ghi nhận doanh thu đạt 360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Trong năm nay, Thế Giới Số đặt mục tiêu doanh thu từ Achison đạt 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu yếu từ các thị trường trọng điểm Bắc Mỹ và châu Âu đã khiến các đơn hàng ở Việt Nam sụt giảm và mục tiêu doanh thu đối với Achison cũng phải giảm xuống.

Về kế hoạch kinh doanh quý 3/2024, Thế Giới Số đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 120 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 18% so với cùng kỳ.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/the-gioi-so--dgw-chuoi-cam-do-vietmoney-lo-moi-thang-1-ty-dong--kho-co-lai-trong-ngan-han-125018.htm