Thế giới sông nước trong 'Bửu Sơn Kỳ Hương'

Tác phẩm là một tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa, vì nó vừa dựa vào, lại vừa tái kiến tạo bối cảnh của đất Nam Bộ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

 Sách Bửu Sơn Kỳ Hương. Ảnh: P.T.

Sách Bửu Sơn Kỳ Hương. Ảnh: P.T.

Lý Lan là một trong những tác giả nổi bật của văn chương Nam Bộ kể từ sau năm 1975. Nhưng khoảng trên mười năm nay Lý Lan gần như ngưng viết, và nhiều người thoáng nghĩ có lẽ nữ tác giả này đã đi hết con đường văn chương của mình. Thì, đầu năm 2022 Lý Lan công bố tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), tác phẩm ngay sau đó đã đoạt giải văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam một cách đầy thuyết phục.

Bửu Sơn Kỳ Hương là những dòng chảy chuyện kể liên tục tràn sang nhau, nối mạch nhau, hòa vào nhau, ầm ào trôi đi, dường như bất tận, dưới sự quán xuyến của duy nhất một điểm nhìn tự sự: điểm nhìn của người kể chuyện toàn năng ở ngôi thứ ba số ít.

Tác phẩm là một tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa, vì nó vừa dựa vào, lại vừa tái kiến tạo bối cảnh của đất Nam Bộ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, trước, trong và sau khi lục tỉnh miền Nam bị thực dân Pháp xâm lược. Đó là một thế giới mà sông nước gần như bao trùm toàn bộ; núi non, đồng đất hay vườn tược rất ít được nhắc đến, và cũng không phải là những không gian diễn ra các sự kiện chính.

Trong tiểu thuyết, đâu đâu cũng là sông lớn sông nhỏ, cửa biển và kênh rạch, những cù lao và những bến thuyền, những buồm ghe và bè mảng xuôi dòng hay ngược nước. Không gian ấy phản ánh đặc trưng địa lý của Nam Kỳ lục tỉnh, và nó cũng là yếu tố làm bật lên nét đặc trưng trong đời sống và tính cách của các nhân vật: những cuộc đời hòa với sông nước, chảy trôi theo sông nước, hồn hậu tự nhiên, không vướng bận nhiều với những suy tính được mất.

Nhưng mặt khác, đó cũng là những cuộc đời bị cuốn và cuộn theo dòng nước xiết xoáy của lịch sử. Không chỉ là cuộc đời của những người dân bé mọn, mà thấp thoáng, còn thấy ở tiểu thuyết này cuộc đời của những nhân vật Nam Kỳ lừng lẫy trong buổi đầu của cuộc đụng độ định mệnh với chủ nghĩa thực dân: Phan Thanh Giản, Trương Định, Nguyễn Trung Trực.

Tuy nhiên, đáng chú ý là tính chất “nghiêm trang” như thường thấy trong nhiều tiểu thuyết lịch sử đã không hề lặp lại ở “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Tất cả các nhân vật và các sự kiện đều được nhà văn chủ ý đưa vào một mạch văn chương “bình dân hóa”, “xuề xòa hóa”, như những truyện kể dân gian. Tất cả, luôn vang lên cái giọng và cái tính hấp dẫn của những truyện kể đặc sệt dân gian.

Sự nhân hậu, phóng khoáng, bộc trực và đầy hồn nhiên của con người là những tình cảm nhân tính được nói nhiều trong tác phẩm. Điều đó phần nào lý giải cho sự phổ biến niềm tin bộc phát của người dân nơi đây vào các “ông đạo”, phản ánh qua nhân vật Phật Thầy.

Nhưng mặt khác, tính đa sắc tộc, đa văn hóa và tinh thần cởi mở khai phóng của con người Nam Bộ cũng được tác giả nhấn mạnh. Vùng đất ấy, người Việt, người Khmer, người gốc Minh Hương chung sống hòa thuận và làm nên sức mạnh cộng đồng. Vùng đất ấy, chữ quốc ngữ được phổ biến sớm nhất và đã góp phần tạo thành bản sắc văn hóa của cả một dân tộc như ta đang được hưởng thụ. Tất cả đều có trong thế giới sông nước của Bửu Sơn Kỳ Hương...

Hoài Nam/Nhân Dân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-song-nuoc-trong-buu-son-ky-huong-post1444123.html