Thế giới Thế giới ADB kêu gọi tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước ở châu Á - Thái Bình Dương

Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng, bao gồm đại dịch COVID-19, khủng hoảng an ninh lương thực, và tác động của biến đổi khí hậu - đặc biệt là những gì cảm nhận được qua nguồn nước, châu Á - Thái Bình Dương phải tăng cường rất nhiều nỗ lực để giải quyết các nhu cầu về an ninh nguồn nước và khả năng phục hồi, ông Woochong Um - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát biểu tại Diễn đàn Nước châu Á (AWF) 2022.

Gần 500 triệu người ở châu Á – Thái Bình Dương hiện vẫn không được tiếp cận với các nguồn cung cấp nước cơ bản. Ảnh: ADB

Bất chấp những tiến bộ mà châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được trong 2 thập kỷ qua, gần 500 triệu người ở khu vực này hiện vẫn không được tiếp cận với các nguồn cung cấp nước cơ bản, trong khi 1,14 tỷ người không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh cơ bản. Khi dân số ngày càng đổ về các thành phố - khoảng 2,5 tỷ người (tương đương 55% dân số) dự kiến sẽ sống ở các khu vực đô thị của châu Á vào năm 2030, nhu cầu nước dự kiến sẽ tăng khoảng 55%. Trong khi đó, nông nghiệp, chiếm 70% lượng nước ngọt tiêu thụ của châu Á, sẽ cần sản xuất nhiều lương thực hơn cho dân số ngày càng tăng, do đó phải cạnh tranh để giành nguồn nước đang ngày càng giảm.

Bên cạnh áp lực, chất lượng nước ở châu Á cũng đã xấu đi đáng kể. Trong 20 năm từ 1990 đến 2010, ô nhiễm đã tăng 50% ở các con sông lớn, trong khi độ mặn tăng hơn 1/3. Khoảng 80% lượng nước thải được thải vào các vùng nước mà không qua xử lý.

“Chất lượng nước kém làm ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại lớn cho sức khỏe và trong quá trình này sẽ kìm hãm tiềm năng của con người và tiến bộ kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến sản xuất lương thực”, Neeta Pokhrel, Trưởng nhóm ngành nước của ADB cho biết. Do đó, “cần phải có những nỗ lực liên tục để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất an toàn nguồn nước trên tất cả các khía cạnh khác nhau”.

Theo Triển vọng Phát triển Nước châu Á 2020, châu Á - Thái Bình Dương đã từng bước chứng kiến sự cải thiện về an ninh nguồn nước, nhưng 22/49 quốc gia thành viên đang phát triển của ADB vẫn “không an toàn về nước”. Con số này đại diện cho hơn 2 tỷ người, tức khoảng 1/2 dân số của khu vực.

Tổng Giám đốc Um cho rằng “trong một thời gian dài, nước đã bị định giá thấp và được coi như một nguồn tài nguyên vô hạn, gây lãng phí và sử dụng sai mục đích”.

Trong bối cảnh đó, AWF 2022 (diễn ra từ 8/8 - 11/8) với chủ đề về một châu Á - Thái Bình Dương kiên cường và an toàn về nguồn nước, sẽ cung cấp nền tảng cho các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển, đổi mới và công nghệ về nước trên toàn khu vực.

AWF 2022 cũng sẽ ra mắt Trung tâm phục hồi nước châu Á - Thái Bình Dương - một nền tảng mở dành riêng cho việc tăng cường an ninh nguồn nước trong khu vực. Trung tâm sẽ thiết lập quan hệ đối tác, cung cấp cơ hội đào tạo, phát triển và chia sẻ kiến thức, các phương pháp sáng tạo, công cụ, dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số, từ đó cho phép các công ty cấp nước, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý tài nguyên xây dựng khả năng phục hồi nguồn nước.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ ADB)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/adb-keu-goi-tang-cuong-no-luc-giai-quyet-van-de-an-ninh-nguon-nuoc-o-chau-a-thai-binh-duong-a116378.html