Thế giới Thế giới Châu Âu đối mặt mối đe dọa 'đại dịch kép' COVID-19 và cúm mùa kéo dài
Dịch cúm đang quay trở lại châu Âu với tốc độ nhanh hơn dự kiến vào mùa đông hiện nay sau khi gần như biến mất vào năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về một 'đại dịch kép' kéo dài song song với COVID-19.
Cúm mùa đang quay trở lại châu Âu sau một năm "vắng bóng". Ảnh: TTXVN
Theo số liệu của EU, các biện pháp phong tỏa, mang khẩu trang và giãn cách xã hội được áp dụng trên khắp châu Âu trong thời gian đại dịch COVID-19 đã đánh bật dịch cúm vào mùa đông năm ngoái, tạm thời tiêu diệt loại virus giết chết khoảng 650.000 người trên toàn cầu mỗi năm.
Nhưng tình hình đó hiện đã thay đổi khi các quốc gia áp dụng các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 ít nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh số người đã tiêm chủng ngày càng gia tăng.
Kể từ giữa tháng 12/2021, virus cúm đã lưu hành ở châu Âu với tỷ lệ cao hơn dự kiến, báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết. Theo đó, số bệnh nhân mắc cúm phải điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICUs) ở châu Âu trong tháng 12 đã tăng đều đặn lên mức cao nhất là 43 ca vào tuần cuối cùng của năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch - với số các ca nhiễm cúm phải điều trị ở ICUs đạt đỉnh điểm hơn 400 ca vào cùng thời điểm tuần cuối cùng trong năm 2018.
Tuy nhiên, đây lại một sự gia tăng lớn so với năm ngoái, khi chỉ có một ca bệnh cúm phải nằm ICU trong cả tháng 12, dữ liệu cho thấy.
Ông Pasi Penttinen - chuyên gia hàng đầu của ECDC về bệnh cúm cảnh báo sự trở lại của virus cúm có thể là sự khởi đầu của một mùa cúm kéo dài bất thường, có khả năng kéo dài sang cả mùa hè. Theo ông, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào mùa xuân có thể kéo dài sự lưu hành của virus cúm vượt xa thời điểm mùa dịch thông thường ở châu Âu (vào tháng 5).
Trong báo cáo, ECDC cho rằng một “đại dịch kép” có thể gây áp lực quá mức lên các hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng ở châu Âu trong suốt thời gian qua.
Tại Pháp, Bộ Y tế vào tuần trước đã công bố ba khu vực - bao gồm cả thủ đô Paris - đang phải đối mặt với dịch cúm. Những vùng khác được xem là đang trong giai đoạn tiền dịch.
Mùa này, nước Pháp đã ghi nhận 72 ca mắc cúm nghiêm trọng, với 6 trường hợp tử vong.
Chủng cúm A/H3 thống trị
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi chủng cúm lưu hành phổ biến trong năm nay được cho là A/H3 - chủng virus cúm thường gây ra các trường hợp nghiêm trọng nhất ở người cao tuổi.
Theo ông Penttinen, hiện còn quá sớm để đưa ra đánh giá cuối cùng về vaccine cúm vì cần có một số lượng lớn hơn bệnh nhân nhiễm bệnh để phân tích trên thực tế. Nhưng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy các loại vaccine có sẵn trong năm nay “không phải là tối ưu” để chống lại chủng A/H3.
Nguyên nhân phần lớn là do có rất ít hoặc gần như không có virus lưu hành khi thành phần vaccine cúm được quyết định vào năm ngoái, khiến các nhà sản xuất vaccine khó dự đoán được chủng nào sẽ chiếm ưu thế trong mùa cúm sắp tới.
Đại diện cho các nhà sản xuất vaccine hàng đầu ở châu Âu thừa nhận việc lựa chọn chủng virus gặp nhiều khó khăn hơn do tỷ lệ lưu hành bệnh cúm rất thấp vào năm ngoái, và cho biết hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả của các mũi vaccine cúm trong mùa này.
Vaccine chủng ngừa cúm được điều chỉnh hàng năm để chúng đạt hiệu quả cao nhất có thể chống lại các loại virus cúm luôn thay đổi. Thành phần của chúng được quyết định 6 tháng trước khi mùa cúm mới bắt đầu, dựa trên sự lưu hành của virus ở bán cầu đối diện. Điều đó cho phép các nhà sản xuất thuốc có thời gian để phát triển và sản xuất các mũi vaccine ngừa cúm.
Dữ liệu toàn châu Âu về việc sử dụng vaccine cúm vẫn chưa có sẵn. Nhưng các số liệu ở Pháp cho thấy mức độ bao phủ loại vaccine này không rộng như các nhà chức trách kỳ vọng.
Giới chức Pháp đã kéo dài thời gian tiêm phòng thêm một tháng đến cuối tháng 2/2022 để đẩy mạnh việc tiêm chủng. Theo số liệu được công bố vào tuần trước, đến nay đã có 12 triệu người được tiêm vaccine ngừa cúm, chiếm khoảng 45% dân số mục tiêu.
“Vẫn còn một khoảng trống lớn cần cải thiện nhằm hạn chế tác động của dịch cúm”, Bộ Y tế Pháp cho biết trong một tuyên bố tuần trước. Mục tiêu của Pháp trong năm nay là chủng ngừa cúm cho 75% những người có nguy cơ.
Châu Âu cho biết ngành công nghiệp vaccine đã cung cấp một số lượng lớn các mũi tiêm phòng cúm, bất chấp những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với các cơ sở sản xuất.
Trong một thông tin mới nhất, hãng dược Mỹ Moderna đặt mục tiêu sẽ tung ra loại vaccine tăng cường kết hợp ngừa COVID-cúm-RSV vào cuối năm 2023, với hy vọng một lần tiêm chủng chung cho các bệnh trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mọi người đi tiêm phòng hàng năm.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters)