Thế giới Thế giới Kết nối ASEAN là chìa khóa cho thịnh vượng
Kết nối là chìa khóa để cải thiện, phát triển, thúc đẩy thương mại và nhiều lợi ích khác cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thêm vào đó, việc thực hiện kế hoạch tổng thể của hiệp hội chính là chìa khóa để đạt được kế hoạch này, Campuchia - Chủ tịch khối ASEAN 2022 khẳng định.
Biến kế hoạch thành hành động là cách nhanh nhất để thúc đẩy khu vực ASEAN phát triển thịnh vượng. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+
Đại sứ Campuchia tại ASEAN Yeap Samnang cho biết, việc chuyển đổi từ các hành động chính trong Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 thành các dự án là rất quan trọng đối với sự kết nối.
Theo đó, MPAC 2025 đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 vào năm 2016, một năm sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN nhằm hỗ trợ hội nhập khu vực trong 5 lĩnh vực chiến lược bao gồm Cơ sở hạ tầng bền vững, Đổi mới kỹ thuật số, Kho vận liên thông, Tối ưu hóa hoạch định và Dịch chuyển người dân.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 22, diễn ra vào tháng 11/2021, lãnh đạo của các quốc gia thành viên ASEAN và Hàn Quốc khẳng định, cần hợp tác mạnh mẽ hơn về kết nối, bao gồm thành phố thông minh.
Campuchia, Chủ tịch ASEAN năm 2022 nhấn mạnh, hợp tác về kết nối vật lý và kỹ thuật số là cần thiết để biến ASEAN trở thành đối tác thương mại và đầu tư hấp dẫn.
Đại sứ Yeap Samnang thông tin, chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2022 là “ASEAN ACT: Cùng nhau giải quyết thách thức”, qua đó nhấn mạnh ý chí chung của cả khối ASEAN để cùng nhau giải quyết và vượt qua những thách thức còn tồn tại. Bên cạnh đó, vị đại sứ cũng khuyến khích mạnh mẽ các bên liên quan, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN cần phải tiếp tục các công việc quan trọng để đáp ứng các sáng kiến chiến lược trong khuôn khổ MPAC 2025.
Kết nối vật chất, thể chế và giao lưu giữa nhân dân các nước đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn giữa người dân ASEAN, các thành viên ASEAN và phần còn lại của thế giới.
Trong một thông tin khác cũng được cung cấp bởi Đại sứ Yeap Samnang, từ khi được thông qua, việc triển khai MPAC 2025 đã tiến triển với sự tham gia và phối hợp của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) cùng nhiều cơ quan, ban ngành liên quan khác thực hiện. Sự tham gia cũng được mở rộng và tăng cường với các bên liên quan chính ngoài MPAC 2025, các Đối tác Đối thoại ASEAN, cũng như các đối tác bên ngoài, các tổ chức đa phương, ngân hàng phát triển, tổ chức tiểu vùng và khu vực tư nhân.
Những tiến bộ đáng chú ý có thể sẽ kéo dài sang năm 2022, song, các dự án vẫn phải được hoàn thành và nguồn tài chính cho các dự án phải được ưu tiên cải thiện.
Theo chuyên gia, mỗi năm, ASEAN cần hơn 100 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Để có được khoản tiền này, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải huy động tất cả các nguồn vốn tiềm năng và xem xét các chương trình đổi mới để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các chương trình liên quan đến khu vực tư nhân. Quan hệ đối tác công tư (PPP) được đề xuất là một cách tiếp cận quan trọng, được xác định rõ ràng trong MPAC 2025.
Để phát triển PPP có hiệu quả, đòi hỏi phải có cơ cấu quản lý và chiến lược hiệu quả. Do đó, các khuôn khổ pháp lý hiện có có thể tác động cải thiện đến các dự án PPP vốn cần được điều chỉnh và củng cố.
Cũng trong phát biểu của mình, đại sứ Campuchia tại ASEAN một lần nữa nhắc lại Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về Kết nối ASEAN đưa ra ngày 24/10/2009 và kêu gọi kết nối khu vực ASEAN, với mục tiêu mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thông qua tăng cường thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu giữa nhân dân các nước và phát triển.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)