Thế giới Thế giới Mỹ tiết lộ kế hoạch đầu tư 65 tỷ USD chống lại các đại dịch sau COVID-19
Vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra kế hoạch trị giá 65 tỷ USD, được các quan chức nước này nhận định sẽ giúp quốc gia chống lại các mối đe dọa sinh học tiếp theo, sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu của ông. Ảnh minh họa: AP/TTXVN/Nhân dân
Eric Lander, Cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời cũng là Giám đốc Văn phòng Khoa học và Công nghệ Mỹ cho biết, đại dịch tiếp theo có thể sẽ “khác biệt đáng kể” so với COVID-19. Do đó, chính phủ Mỹ cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để đối phó với bất kỳ mối đe dọa đại dịch nào trong tương lai.
Kế hoạch được công bố trong một tài liệu dài 27 trang có tiêu đề: “Chuẩn bị cho đại dịch Mỹ: Chuyển đổi khả năng của chúng ta” kêu gọi đầu tư hàng tỷ USD trong thập kỷ tới, nhằm mục tiêu cải thiện vaccine và phương pháp điều trị, cũng như cơ sở hạ tầng y tế cộng đồng, nâng cao khả năng giám sát thời gian thực của quốc gia và nâng cấp thiết bị bảo vệ cá nhân có thể được sử dụng để chống lại nhiều loại mầm bệnh.
Các quan chức cho biết, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được sắp xếp thành 5 “trụ cột”, mỗi trụ cột đề cập đến một bộ phận khác nhau của hệ thống y tế công cộng. Kế hoạch ra đề xuất từ 15 đến 20 tỷ USD để khởi động những nỗ lực của chính quyền. Các quan chức cho biết, số tiền trên sẽ được chuyển đến văn phòng “kiểm soát sứ mệnh” mới tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nơi được Quốc hội giám sát chặt chẽ.
Cố vấn Eric Lander nhận định, đại dịch COVID-19 đang diễn ra đã phơi bày những vấn đề cơ bản đối với hệ thống y tế công cộng Mỹ, bao gồm kinh phí không đủ và thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương.
Được biết, quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, với hơn 39 triệu ca nhiễm và ít nhất 643.776 ca tử vong tính đến ngày 3/9 vừa qua. Nhiều bệnh nhân dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn phải sống chung với những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh này.
“Chúng tôi cần năng lực cao hơn và tốt hơn. Bởi hoàn toàn có khả năng một đại dịch nghiêm trọng khác, có thể tồi tệ hơn cả COVID-19 sẽ sớm xảy ra, thậm chí là có thể xảy ra chỉ trong vòng 1 thập kỷ tới”, Cố vấn Eric Lander trả lời các phóng viên.
Các quan chức cho biết, lời kêu gọi đầu tư 65 tỷ USD của chính quyền là “khiêm tốn” khi tính đến việc đại dịch hiện nay đã khiến Mỹ thiệt hại khoảng 16 nghìn tỷ USD về sản lượng kinh tế.
Khoản đầu tư này cũng nhỏ hơn số tiền mà Mỹ chi cho các chương trình khác, chẳng hạn như phòng thủ tên lửa và chống khủng bố...
“Nếu các đại dịch lớn tương tự như COVID-19 xảy ra, gây nên thiệt hại khoảng 16 nghìn tỷ USD với tần suất 20 năm/lần, thiệt hại kinh tế hằng năm mà Mỹ phải gánh sẽ là 800 tỷ USD/năm. Ngay cả đối với những đại dịch nhẹ hơn, tổn thất hằng năm cũng sẽ vượt quá 500 tỷ USD”, các quan chức Mỹ viết trong tài liệu.
Theo đó, khoản đầu tư được đề xuất lớn nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là phát triển vaccine, vốn đã giúp quốc gia chống lại các ca bệnh nghiêm trọng, các ca nhập viện và những trường hợp tử vong.
Mỹ sẽ chi tổng cộng 24,2 tỷ USD để phát triển và thử nghiệm vaccine mới cho nhiều loại virus, đồng thời cải thiện việc phân phối và sản xuất vaccine.
Kế hoạch này cũng kêu gọi chi 11,8 tỷ USD cho các phương pháp điều trị. Điều này sẽ cho phép các nhà khoa học và nhà sản xuất thuốc của Mỹ phát triển thuốc kháng virus mới cùng nhiều loại thuốc khác, đồng thời đảm bảo năng lực sản xuất quy mô lớn cho các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Khoảng 3,1 tỷ USD đã được phân bổ để thúc đẩy sự phát triển của PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân) thế hệ tiếp theo. Vào đỉnh điểm của đại dịch hồi năm 2020, các nhân viên y tế tuyến đầu của Mỹ đã đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn khi thiếu khẩu trang, áo choàng, tấm che mặt và găng tay.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nước này đang chuẩn bị triển khai rộng rãi việc tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường từ ngày 20/9 sau khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết thêm rằng vào tuần tới, ông sẽ tiến hành thảo luận về “các bước tiếp theo” để chống lại biến thể Delta.
Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)