Thế giới Thế giới Quan hệ Italy - ASEAN đang ở bước ngoặt
Chuyến thăm vừa qua của Thứ trưởng Ngoại giao Italy Manlio Di Stefano đến Jakarta (Indonesia) và việc ông tham dự Cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Đối tác Phát triển ASEAN - Italy đã thể hiện tiến bộ quan trọng đối với việc củng cố mối quan hệ giữa Italy và ASEAN.
Italy, ASEAN tăng cường nỗ lực hợp tác, hướng đến phát triển hơn trong thời gian. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân
Theo nhận định của các chuyên gia, ASEAN là một đối tác quan trọng trong khu vực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực trong đó tập hợp những nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất, với một phần thương mại toàn cầu đi qua các vùng biển của khu vực.
ASEAN là một trong những ví dụ thành công nhất của hội nhập khu vực, cũng như mang lại niềm tin to lớn về ổn định và tăng trưởng kinh tế. Khu vực có nhiều đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải, ngăn chặn xung đột, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương và lòng nhân ái.
Tuy nhiên, cùng lúc, hiện những diễn biến đáng lo ngại cũng đang xuất hiện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể kể đến như sự gia tăng căng thẳng về thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như cạnh tranh gay gắt trên mặt trận chính trị và an ninh. Do đó, các cường quốc khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đang tập trung sự chú ý ngày một nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó nỗ lực tăng cường hợp tác với ASEAN, thể hiện một khuôn khổ tuyệt vời để xoa dịu căng thẳng địa chính trị.
Kể từ khi Ủy ban hỗn hợp Italy - ASEAN ra mắt vào tháng 4/2021, lãnh đạo các nước đã đàm phán mạnh mẽ về nhiều lĩnh vực chung. Đây được xem là một quá trình dài và đầy thử thách và đặc sắc với việc thông qua Tài liệu các Lĩnh vực Hợp tác thực chất (PCA) ASEAN - Italy giai đoạn 2022 - 2026.
Các PCA tái khẳng định cam kết trong việc hợp tác cùng nhau trong nhiều lĩnh vực. Văn kiện xác định hướng đi trong tương lai của quan hệ đối tác phát triển, bằng cách vạch ra một chiến lược đòi hỏi sự tham gia toàn diện, do đó rất cần sự nỗ lực đáng kể của cả hai bên.
Cụ thể, các lĩnh vực hợp tác bao gồm hòa bình và an ninh, hợp tác hàng hải, quản trị và nhân quyền, thương mại, đầu tư và phát triển khu vực tư nhân, năng lượng, thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, cùng với đó là du lịch, khoa học, công nghệ và đổi mới, công nghệ truyền thông thông tin, tích hợp kỹ thuật số và thương mại điện tử, giao lưu, trao đổi giữa nhân dân các nước, quản lý thiên tai và hỗ trợ nhân đạo, y tế, môi trường và biến đổi khí hậu, văn hóa, kết nối và phát triển bền vững.
Được biết, ngay cả trước khi PCA được thông qua, Italy và ASEAN đã thảo luận nhiều sáng kiến về di sản văn hóa, tội phạm mạng, bảo vệ môi trường, đánh bắt bền vững, phát triển vùng ven biển và hợp tác không gian.
Ngoài ra, vào ngày 5-6/7, Đối thoại Cấp cao về Quan hệ Kinh tế giữa Italy và ASEAN sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur, đánh dấu lần đầu tiên được tổ chức với mô hình trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Sự kiện quy tụ các Bộ trưởng, Giám đốc điều hành và các quan chức cấp cao của Italy, các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN với mục tiêu tăng cường quan hệ giữa các nước.
Các nhà lãnh đạo tin rằng, sáng kiến này sẽ góp phần mở ra những cơ hội mà thị trường ASEAN sẽ mang lại cho các nhà đầu tư, cùng với đó là xây dựng mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi giữa Italy và Đông Nam Á.
Có thể nhìn thấy rõ rằng, sự hợp tác mà Italy và ASEAN dự kiến sẽ triển khai trong 5 năm tới không chỉ giới hạn trong một vài chủ đề hoặc lĩnh vực. Để thành công, Italy và Đông Nam Á cần đảm bảo cam kết toàn diện với quan hệ đối tác giữa hai bên.
Sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italy tại Jakarta, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng ở châu Âu gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng: Italy hoàn toàn cam kết hợp tác, gắn kết với khu vực và tin tưởng vào “các bạn ASEAN của mình” vì sự thành công trong hợp tác chung giữa hai bên Italy và ASEAN.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/quan-he-italy-asean-dang-o-buoc-ngoat-a114280.html