Thế giới Thế giới toàn cảnh ASEAN trên con đường tham vọng có nhiều di sản thế giới

Tính đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 38 địa điểm tại khu vực Đông Nam Á đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới (WHS).

Cần nỗ lực hơn nữa để cân bằng lợi ích kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của các di sản thế giới. Ảnh: The ASEAN Post

Chờ đợi được công nhận

Được biết, cần phải tốn một thời gian khá dài và trải qua quá trình chọn lọc mang tính cạnh tranh cao để một địa điểm được chọn và công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO. Với nhiều di sản mang giá trị văn hóa cao, hiện vẫn có ít nhất khoảng 83 địa điểm di tích tại ASEAN đang nằm trong danh sách chờ của UNESCO. Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian xét duyệt có thể rất dài. Trong đó, Thái Lan đã và đang tiếp tục con đường chờ đợi kéo dài 15 năm kể từ năm 2004 với đề cử công nhận Công viên lịch sử Phimai. Thậm chí, Cánh đồng chum (The Plain of Jars) của Lào đã nằm trong danh sách dự kiến của UNESCO từ năm 1992.

Được biết, các quốc gia trong khu vực rất mong đợi nhận được sự công nhận này, bởi đây sẽ là bàn đạp hữu hiệu hỗ trợ tăng cường sức hút dành cho các điểm đến văn hóa độc đáo. Từ đó thúc đẩy phát triển ngành du lịch của đất nước – một phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, nhờ vào sự công nhận này, một số di tích lịch sử sẽ nhận được sự tài trợ cần thiết để bảo tồn cấu trúc hiện có.

Thách thức

WHS dễ bị tổn thương nhất trước các ảnh hưởng liên quan đến khí hậu, đặc biệt là từ lượng mưa và mức sóng nhiệt lớn. Cụ thể, biến động khí hậu bên trong các công trình gây nên bởi nhiệt độ và độ ẩm có thể tạo ra nấm mốc, côn trùng phá hoại. Tuy nhiên, một mối đe dọa khác mà WHS đang phải đối mặt là sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Điều này được giải thích là với sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các hãng hàng không giá rẻ, khả năng kinh tế của người dân cũng được nâng cao, số lượng du khách có nhu cầu trải nghiệm du lịch sẽ ngày càng lớn, kích thích phát triển loại hình du lịch đại chúng. Mặc dù cần phải công nhận rằng WHS sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, song với lượng khách đổ về quá đông, nguy cơ di tích bị phá hủy sẽ là điều không tránh khỏi. Trước vấn đề này, một số quốc gia đã buộc phải kiểm soát dòng khách, hoặc đóng cửa một số điểm đến phổ biến để cải tạo môi trường.

Tại Việt Nam, khu đô thị cổ Hội An đã được công nhận là di sản thế giới. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2017, có 3,22 triệu lượt khách đã đến đây trải nghiệm du lịch, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016. Từ một cộng đồng thương mại ven biển, nay Hội An trở thành khu du lịch mang tính chất thương mại cao với nhiều khu vực đã biến thành nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, nhà nghỉ... để phục vụ nhu cầu của du khách.

Nhìn chung, mặc dù UNESCO hỗ trợ bảo vệ các di sản, song cùng lúc cũng khiến cộng đồng xung quanh bị phá hủy và thay đổi. Hiện tượng này được nhà văn người Ý Marco d’Eramo đặt tên là UNESCO-cide. Để đối phó, chuyên gia Pactsri Porananond nhấn mạnh, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ và tôn trọng đối với di sản văn hóa và truyền thống nên là những mối lưu tâm chính trong chính sách phát triển đường dài của nhà nước và các cơ quan du lịch.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The ASEAN Post)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/asean-tren-con-duong-tham-vong-co-nhieu-di-san-the-gioi-a74134.html