Thế giới Thế giới UNICEF: Suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và cho con bú tăng mạnh
Số phụ nữ mang thai và đang cho con bú bị suy dinh dưỡng cấp tính đã tăng từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người - tương đương mức tăng 25% - kể từ năm 2020 tại 12 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng toàn cầu. Một báo cáo mới vừa được UNICEF công bố ngày 6/3 cho biết.
Phụ nữ và trẻ em gái bị suy dinh dưỡng có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và con cái của họ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo báo cáo, tình hình tại 12 quốc gia - gồm Afghanistan, Burkina Faso, Chad, Ethiopia, Kenya, Mali, Niger, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Yemen - đại diện cho tâm điểm của cuộc khủng hoảng dinh dưỡng toàn cầu, đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc xung đột ở Ukraine và hạn hán, xung đột, bất ổn đang diễn ra ở một số nước.
Được phát hành trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, báo cáo của UNICEF cảnh báo, các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay, càng đè nặng thêm cuộc khủng hoảng dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên vốn đã ít được cải thiện trong hai thập kỷ qua.
“Cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu đang đẩy hàng triệu bà mẹ và con cái của họ vào cảnh đói khát và suy dinh dưỡng trầm trọng”, Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng “nếu không có hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế, hậu quả có thể kéo dài cho các thế hệ mai sau”.
Cung cấp cái nhìn toàn diện đầu tiên về tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên toàn cầu, báo cáo ước tính rằng hơn 1 tỷ phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên bị suy dinh dưỡng (bao gồm cả thấp bé và nhẹ cân), thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và thiếu máu, gây ra những hậu quả tàn khốc đối với cuộc sống và phúc lợi của họ.
Đối với phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên, dinh dưỡng không đầy đủ có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch, phát triển nhận thức kém và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng đe dọa tính mạng - bao gồm cả khi mang thai và sinh nở.
Hầu hết họ sống ở những khu vực nghèo nhất thế giới, trong đó Nam Á và châu Phi cận Sahara chiếm 68% phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên bị thiếu cân và 60% bị thiếu máu. Trong khi đó, trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị thiếu cân cao gấp đôi so với những phụ nữ thuộc các hộ gia đình giàu có nhất.
Theo UNICEF, những thiếu hụt dinh dưỡng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến con cái của họ, đồng thời lưu ý rằng “tình trạng suy dinh dưỡng được di truyền qua nhiều thế hệ”.
Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, nhưng cũng có thể “làm suy giảm sự phát triển của bào thai, để lại những hậu quả suốt đời đối với dinh dưỡng, sự phát triển, khả năng học tập và kiếm tiền của trẻ trong tương lai”.
Trên toàn cầu, 51 triệu trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nghĩa là các em quá thấp so với tuổi do suy dinh dưỡng. Trong số đó, khoảng một nửa bị còi cọc trong thời kỳ mang thai và 6 tháng đầu đời - khoảng thời gian 500 ngày mà trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào dinh dưỡng của người mẹ, báo cáo nêu rõ.
Phụ nữ đang mang thai cần được tiếp cận đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Ảnh minh họa:Getty Image
Các cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp tục làm gián đoạn quá trình tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng của phụ nữ.
Năm 2021, số lượng phụ nữ bị mất an ninh lương thực cao hơn nam giới 126 triệu người, so với mức chênh lệch 49 triệu người vào năm 2019. Con số này cho thấy khoảng cách giới trong vấn đề mất an ninh lương thực đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến 2021.
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết “khi một bé gái hoặc một phụ nữ không được cung cấp đủ dinh dưỡng, tình trạng bất bình đẳng giới sẽ kéo dài. Từ đó, tiềm năng học tập và kiếm tiền bị hạ thấp. Nguy cơ gặp phải các biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm cả khi mang thai và sinh con tăng lên, và tỷ lệ sinh ra những đứa trẻ suy dinh dưỡng cũng tăng lên”. Do đó, để ngăn chặn suy dinh dưỡng ở trẻ em, “chúng ta cũng phải giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên… Chúng ta cần huy động ý chí chính trị và các nguồn lực để hành động. Không còn thời gian để lãng phí”, Giám đốc UNICEF nhấn mạnh.
Giữa bối cảnh này, UNICEF kêu gọi ưu tiên quyền tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên với chế độ ăn uống bổ dưỡng, an toàn và hợp túi tiền. Đồng thời, triển khai các chính sách và biện pháp pháp lý bắt buộc để mở rộng quy mô lớn việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm tiêu dùng hàng ngày như bột mì, dầu ăn và muối nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ em gái và phụ nữ. Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh việc xóa bỏ các chuẩn mực xã hội và phân biệt đối xử về giới như tảo hôn và chia sẻ thức ăn không công bằng giữa phụ nữ và nam giới.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP & UNICEF)