Thế giới thư tín thời chống Pháp

Từ những lá thư, có thể thấy một phần đặc điểm đời sống ngôn ngữ, tâm tư tình cảm Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp. Các giá trị tinh thần thời đại được phản ánh rõ rệt.

 Cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam (tái bản năm 2023) của tác giả Đặng Vương Hưng.

Cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam (tái bản năm 2023) của tác giả Đặng Vương Hưng.

Trong tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam (tái bản năm 2023) của tác giả Đặng Vương Hưng sưu tầm, những lá thư được gửi của các chiến sĩ thời kỳ chống Pháp không nhiều. Dung lượng của chúng chỉ chiếm khoảng 5% trên dung lượng cả cuốn sách. Điều này đã cho thấy một lát cắt mới về bối cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ chống Pháp.

Đời sống các lá thư

Vào giai đoạn 1945-1954, hệ thống bưu điện của Việt Nam đã được hình thành nhờ việc tiếp quản lại các công trình của thực dân Pháp. Tuy nhiên, phương thức liên lạc bằng thư tín vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính đến từ việc hơn 90% người Việt Nam không biết chữ. Chỉ có những người tiếp cận với Tây học trước đó mới có thể đọc viết chữ quốc ngữ thành thạo. Tại những vùng quê, việc nhờ người khác đọc hộ, viết hộ không phải là điều hiếm thấy.

Tuy nhiên, quá trình diệt giặc dốt đã thay đổi điều này. “Nguyên nhân có thể đến từ các lời kêu gọi diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, các lớp bình dân học vụ được mở ra. Nhân dân bắt đầu được tiếp cận chữ quốc ngữ, sáng đi làm tối về học. Thậm chí, ở trước cổng chợ còn có các bảng hiệu, ai đọc được chữ mới cho vào”, tác giả Đặng Vương Hưng chia sẻ.

 Một lớp Bình dân học vụ năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Một lớp Bình dân học vụ năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Trong khi các nước khác trong khu vực châu Á cũng từng cố gắng la-tinh hóa bộ chữ của họ nhưng không thành. Việt Nam lại thành công nhờ một người lãnh đạo có uy tín và tầm nhìn. Thế giới thư đã phần nào phản ánh công cuộc xóa nạn mù chữ và mô hình bình dân học vụ là một trong những sáng tạo đáng kể của dân tộc ta những những ngày tháng có muôn vàn khó khăn bủa vây.

Một vấn đề khác khiến các lá thư từ thời chống Pháp không có nhiều là việc lưu trữ. Những lá thư có thể bị thất lạc khi việc thu gom giấy vụn trở nên phổ biến. Chúng hoàn toàn có thể nằm ở các tiệm sách cũ, nơi mua lại sách từ cửa hàng đồng nát. Quá trình thu thập thư tín của tác giả Đặng Vương Hưng cho thấy không gian lưu trữ của các gia đình từng khá hạn chế. Điều này dẫn đến việc không ít tài liệu bị thất lạc.

Bên cạnh nguyên nhân về dân trí, giấy và bút đều là những vật phẩm quý hiếm. Không phải ai cũng có giấy để viết thư về nhà. Một số người có thể sẽ chép lên quần áo hoặc các mặt phẳng có thể hiện chữ lên. Sau đó, khi có giấy họ có thể chép vào.

Vẻ đẹp ngôn từ qua những lá thư

Những người biết chữ trong bối cảnh thời kỳ chống Pháp đều là những người được tiếp cận với tri thức hệ thống. Trong điều kiện khó khăn của đất nước bấy giờ, đến trường đi học không phải là điều ai cũng làm được. Chính vì vậy các lá thư trong thời kỳ này rất đặc biệt. Mỗi câu chữ đều được cân nhắc cẩn thận.

Một trong những lá thư hiếm hoi mà tác giả Đặng Vương Hưng tìm được trong thời kỳ chống Pháp đến từ Thượng tướng Vũ Lăng. Đây là những dòng tâm sự của ông với vợ mình trong những ngày tháng quân ta hướng tới Chiến cục Đông Xuân 1953-1954.

Hình ảnh hiện lên qua thư được gửi cho người vợ từ chiến trường đầy ắp những dòng tâm sự. “Chiếc áo len em đan lại cho anh năm nay bị rách và tuột sợi ở cổ tay. Giá gần em thì áo không đến nỗi rách thế em nhỉ”.

Không gian ngữ nghĩa hoàn toàn đối lập với những đoạn văn trước đó: “Trước mắt anh hàng ngày nhũng cánh đồng bốc khói, làng mạc bị tàn phá, thóc lúa bị tiêu hủy, đồng bào bị tàn sát hiếp tróc”. Sau tất cả, Thượng tướng Vũ Lăng vẫn luôn động viên vợ mình. Ông viết: “Nếu lâu chưa nhận được thư anh cũng đừng nóng ruột em nhé…”.

 Một trong hai lá thư Thượng tướng Vũ Lăng gửi vợ mình năm 1953.

Một trong hai lá thư Thượng tướng Vũ Lăng gửi vợ mình năm 1953.

Một lá thư có thể mất từ 2-3 tháng, thậm chí hơn để từ nơi gửi cho tới nơi nhận. Do đó, ngôn ngữ trong thư được tôi luyện qua nhiều trải nghiệm. Chúng đem lại cảm giác chân thật và sống động cho người đọc. Nếu so với những dòng tin nhắn hiện nay, các bức thư này mang vẻ đẹp ngôn ngữ thuần khiết. Chúng chưa bị chịu tác động từ những công thức, phương tiện khác như những biểu cảm, trang trí hay các âm thanh đi kèm.

Nhìn rộng hơn, thế giới thư tín trong những năm chống Pháp từ cuốn sách của tác giả Đặng Vương Hưng còn cho thấy đời sống khác khi thông tin di chuyển chậm hơn. Nhờ đó, nhịp sống cũng lắng đọng nhiều hơn trong mỗi cuộc trao đổi.

Đây là điều mà xã hội phương Tây đã tìm kiếm trong suốt thời kỳ đầu những năm 1900. Tiêu biểu là tác phẩm The Discovery of Slowness của Sten Nadolny. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời nhà thám hiểm Sir John Franklin luôn chậm chạp nhưng lại rất kiên định trên hành trình của mình. Sự chậm chạp đã giúp ông khám phá ra Bắc Cực.

Cuốn sách nổi tiếng đến mức, tiêu đề của nó được các nhà quản lý biến đổi thành từ “unhurriedness” (không vội vã) trên các biển báo đường cao tốc của Đức. Giới học giả phương Tây tin rằng, khi đời sống không bị ảnh hưởng bởi văn hóa tốc độ cao hậu hiện đại, con người có nhiều cơ hội nhìn nhận và bảo vệ các giá trị trong đời sống cá nhân và xã hội hơn.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-gioi-thu-tin-thoi-chong-phap-trong-mot-lang-kinh-khac-post1472070.html