Thế giới tiến sát mốc 100 triệu ca mắc Covid-19

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 25-1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 99.768.213 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.138.942 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 71.741.840 người.

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị một liều vaccine Pfizer-BioNTech ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng. Ảnh: The Sydney Morning Herald/AP.

Một nhân viên y tế đang chuẩn bị một liều vaccine Pfizer-BioNTech ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng. Ảnh: The Sydney Morning Herald/AP.

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ ngày 25-1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 99.768.213 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.138.942 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 71.741.840 người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh với gần 430 nghìn ca tử vong trong tổng số hơn 25,7 triệu ca mắc Covid-19. Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 153.500 ca tử vong trong số gần 10,7 triệu ca mắc bệnh. Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 217 nghìn ca tử vong trong tổng số hơn 8,84 triệu ca mắc Covid-19.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 25-1 thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 124 ca mắc Covid-19, trong đó có 117 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận trong ngày 24-1. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 67 ca được công bố tại tỉnh Cát Lâm (Jilin), 35 ca tại tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang), 11 ca tại tỉnh Hà Bắc (Hebei), 03 ca tại thủ đô Bắc Kinh và 01 ca tại thành phố Thượng Hải (Shanghai). Trong ngày 24-1, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Trung Quốc hiện xác nhận tổng cộng có 89.115 ca mắc, trong đó có 4.635 ca tử vong.

Tại Đức, giới chức y tế thông báo phát hiện một ổ dịch tại nhà máy sản xuất máy bay Airbus ở thành phố Hamburg khi có 21 nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện 500 người trong tổng số 12.000 nhân viên của nhà máy ở Hamburg này đã được cách ly và làm xét nghiệm, trong khi nhà chức trách cũng đang điều tra nguyên nhân bùng phát ổ dịch cũng như xác định virus có phải biến thể mới hay không.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết Đức đã mua một loại thuốc mới để chống đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế. Theo đó, Đức sẽ là quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) đầu tiên sử dụng kháng thể để kiềm chế sự lây lan của đại dịch. Trước đó, kháng thể cũng đã được dùng để điều trị cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Hy Lạp, các cơ quan y tế nước này xác nhận đã phát hiện 32 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. Ngày 24-1, Hy Lạp công bố thêm 334 ca mắc và 24 ca tử vong do Covid-19, theo đó nâng tổng số ca mắc tại quốc gia châu Âu này lên 151.980 ca với 5.646 ca tử vong.

Tại Israel, Chính phủ nước này đã thông qua quyết định đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion từ tối 25-1 cho đến hết tháng 1-2021. Động thái này nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và nguy cơ xuất hiện biến thể ở Israel kháng các loại vaccine hiện đang được sử dụng ở nước này. Israel đang áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, từ ngày 19-12-2020 và dự kiến sẽ nới lỏng từ ngày 31-1-2021. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Israel đã có hơn 595.000 ca lây nhiễm, trong đó có hơn 4.360 ca tử vong.

Ngày 24-1, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador xác nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên ông Obrador cho biết mình chỉ có các triệu chứng nhẹ và đang được điều trị.

Tối cùng ngày, Bộ Ngoại giao Tunisia thông báo Ngoại trưởng Othman Jerandi của nước này cũng đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Jerandi cho biết các xét nghiệm đã xác nhận việc ông mắc Covid-19, mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết, cũng như tuân thủ các quy định y tế.

Liên quan đến hoạt động phân phối vaccine ngừa Covid-19, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 25-1 thông báo cơ quan quản lý y tế của Australia đã chính thức phê duyệt vaccine Pfizer ngừa Covid-19 để sử dụng trên toàn quốc.

Ông Morrison cho biết Cục Quản lý Sản phẩm Trị liệu (TGA) Australia đánh giá loại vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và hiệu quả cao. TGA đã phê duyệt việc sử dụng vaccine Pfizer ngừa Covid-19 trong thời hạn 2 năm cho người dân Australia từ 16 tuổi trở lên.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho hay Australia dự kiến sẽ triển khai tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên vào cuối tháng 2-2021, với số lượng 80.000 liều mỗi tuần. Mỗi người sẽ được tiêm hai liều vaccine, mỗi liều cách nhau ít nhất 21 ngày. Việc tiêm chủng không phải là bắt buộc.

Tại Ecuador, Cơ quan Quản lý và Giám sát Y tế Quốc gia (Arcsa) của nước này đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 do hãng AstraZenaca và Đại học Oxord của Anh phối hợp bào chế. Theo đó, Arcsa đã cấp phép nhập khẩu khoảng 5 triệu liều vaccine AstraZenaca, dự kiến sẽ tiêm phòng cho 2,5 triệu người dân Ecuador.

Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 25.702.125 ca mắc, 429.490 ca tử vong

2. Ấn Độ: 10.668.356 ca mắc, 153.503 ca tử vong

3. Brazil: 8.844.600 ca mắc, 217.081 ca tử vong

4. Nga: 3.719.400 ca mắc, 69.462 ca tử vong

5. Anh: 3.647.463 ca mắc, 97.939 ca tử vong

NGUYÊN MINH (Theo Worldometers, The Sydney Morning Herald, TTXVN)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/the-gioi-tien-sat-moc-100-trieu-ca-mac-covid-19-632874/