Thế giới tới gần suy thoái vì cuộc đua tăng lãi suất

Để giành phần thắng trước lạm phát, dường như Fed và hàng chục ngân hàng trung ương sẵn sàng đẩy đất nước vào suy thoái bằng cách tăng lãi suất.

Số liệu thống kê của Bloomberg cho thấy, khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay. Một nửa trong số đó từng tăng ít nhất 75 điểm cơ bản (bps) trong một lần, và nhiều ngân hàng trung ương lặp lại quyết định như vậy vài lần. Ông Ethan Harris, nhà kinh tế trưởng của Bank of America, gọi đây là “cuộc đua về tốc độ tăng lãi suất”.

Chính sách tiền tệ toàn cầu đang diễn biến theo xu hướng thắt chặt với quy mô lớn nhất trong 15 năm qua, khép lại kỷ nguyên tiền rẻ từng thăng hoa bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

JPMorgan dự đoán quý III/2022 sẽ là khoảng thời gian các ngân hàng trung ương chủ chốt tung ra các đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1980, và họ sẽ không sớm dừng lại.

GDP trở thành vật hy sinh

Ngay tuần này, Fed có thể tăng lãi suất điều hành lên 75 bps lần thứ ba. Một số chuyên gia kinh tế còn kêu gọi Fed tăng hẳn lên 100 bps. Giới quan sát dự báo Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ nâng lãi suất thêm 50 bps. Rất có thể Indonesia, Na Uy, Philippines, Thụy Điển và Thụy Sĩ cùng nhiều nước khác cũng sẽ hành động tương tự.

Cùng lúc đó, các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu công khai cảnh báo rằng lãi suất càng lên cao, rủi ro đối với tăng trưởng và việc làm cũng càng lớn.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận chiến dịch kìm hãm lạm phát của ông “sẽ gây ra một vài nỗi đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”.

Bà Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), nhắc đến “tỷ lệ hy sinh” - một thuật ngữ để chỉ nguy cơ tổn thất sản lượng kinh tế nhằm kiểm soát lạm phát. BOE bi quan tới mức dự báo suy thoái kinh tế tại Anh sẽ diễn ra vào cuối năm nay và có thể kéo dài đến năm 2024.

Chắc chắn "liều thuốc" chính sách tiền tệ sẽ đem đến nỗi đau, nhưng đau đến mức nào? Các nhà phân tích tại BlackRock dự đoán để kéo lạm phát quay về mục tiêu 2%, Fed sẽ cần đến một cuộc suy thoái sâu và thêm ba triệu người thất nghiệp. Mục tiêu của châu Âu sẽ cần đến sự hy sinh lớn hơn nữa.

Nguy cơ bất ổn tăng

Một trong những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ rơi vào suy thoái là lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn đã vượt kỳ hạn dài với cách biệt lớn nhất từ năm 2000 đến nay.

Nhiều nhà đầu tư trái phiếu đang cược rằng Fed sẽ phải nới lỏng chính sách trong nửa cuối 2023. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 lại đang trên đà ghi nhận tổn thất hàng năm lớn nhất kể từ năm 2008.

Khảo sát của Bank of America cho thấy kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu của các nhà quản lý quỹ đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử. Một trong những lý do là chính sách tiền tệ có độ trễ.

Thứ nhất, lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu thị trường tài chính, sau đó là nền kinh tế, và cuối cùng mới là lạm phát. Do đó, những đợt tăng lãi suất lớn lặp đi lặp lại sẽ trở nên nguy hiểm.

Bất ổn cũng sẽ tăng bởi độ trễ của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế và sự bất lực của giới chức ngân hàng trung ương trước khủng hoảng năng lượng và các cú sốc nguồn cung khác.

Nhà kinh tế Harris của Bank of America giải thích: “Lạm phát cần thời gian để hạ nhiệt. Nếu các nhà hoạch định chính sách bắt đầu lấy lạm phát hiện tại làm chỉ báo chính, thì họ sẽ chậm trễ trong việc ngừng chu kỳ thắt chặt”.

Ông Harris dự đoán Anh và khu vực đồng euro sẽ suy thoái trong quý IV khi chi phí năng lượng leo thang vào mùa đông giáng đòn đau lên nền kinh tế. Còn tai ương của Mỹ sẽ đến vào năm sau.

Nền kinh tế Mỹ - đặc biệt là thị trường lao động – đã thể hiện sức mạnh đáng ngạc nhiên trong thời gian qua. Nhưng theo tờ Bloomberg, các nhà kinh tế nhận định hiện tượng ấy sẽ chỉ buộc Fed phải mạnh tay hơn nữa để kìm hãm nhu cầu.

Ông Donald Kohn, cựu Phó Chủ tịch Fed phát biểu: “Lạm phát và thị trường lao động đã thể hiện sức đề kháng trước lãi suất gia tăng mạnh mẽ hơn những gì Fed tưởng. Nên từ giờ họ sẽ còn phải kéo lãi suất lên cao hơn nữa”.

Chi phí vay vốn tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, đã chuyển từ kích thích sang kìm hãm tăng trưởng. Đồng USD mạn gây tổn thất cho những thị trường mới nổi đang gánh nợ nần. Sự sụt giảm rõ rệt của nguồn cung khí đốt từ Nga làm gia tăng rủi ro lạm phát đình trệ tại châu Âu.

Tùng Lâm/theo Reuters

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/the-gioi-toi-gan-suy-thoai-hon-vi-cuoc-dua-tang-lai-suat-d32693.html