Thế giới trước một cột mốc đáng lo: Tỷ suất sinh chạm đáy, nhiều quốc gia không có đủ trẻ em
Tỷ suất sinh ở nhiều quốc gia đang đi xuống nhanh chóng, gây ra hệ quả to lớn về kinh tế, xã hội và địa chính trị.
Vấn đề cấp bách
Thế giới đang đứng trước một cột mốc đáng lo. Chẳng bao lâu nữa, tỷ suất sinh toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức cần thiết để duy trì dân số ổn định. Trên thực tế, điều có thể thể đã bắt đầu diễn ra.
Tỷ suất sinh đang giảm ở hầu hết mọi quốc gia, đối với phụ nữ ở mọi mức thu nhập và trình độ học vấn. Thực trạng này có ý nghĩa to lớn đối với cách con người sống, cách nền kinh tế tăng trưởng và vị thế của các quốc gia siêu cường.
Tại các quốc gia thu nhập cao, tỷ suất sinh đã rơi xuống dưới mức thay thế (replacement rate) từ những năm 1970 và tiếp tục giảm mạnh trong đại dịch COVID-19.
Ngay cả ở các quốc gia đang phát triển, tỷ suất sinh cũng sa sút. Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới, nhưng tỷ suất sinh của nền kinh tế Nam Á này giờ cũng ở dưới mức sinh thay thế, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay.
Mùa đông nhân khẩu học đang đến gần
Ông Jesús Fernández-Villaverde, nhà kinh tế chuyên về nhân khẩu học tại Đại học Pennsylvania, đánh giá.
Nhiều nhà lãnh đạo coi dân số là vấn đề cấp bách của toàn quốc gia. Họ lo ngại về nguy cơ lực lượng lao động sụt giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy yếu, quỹ lương hưu cạn kiệt và xã hội ngày càng thiếu sức sống.
Dân số giảm kéo theo sức ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế yếu đi, làm dấy lên câu hỏi tại Mỹ, Nga và Trung Quốc về vị thế cường quốc của họ. Ông Donald Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua năm 2024, gọi sự lao dốc của tỷ suất sinh là mối đe dọa đến phương Tây, lớn hơn cả Nga.
Một năm trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sự sụp đổ của tỷ suất sinh khiến xã hội Nhật Bản “đứng trước nguy cơ không còn có thể vận hành”. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni thì ưu tiên việc nâng cao “GDP nhân khẩu học” của đất nước.
Áp lực kinh tế
Năm 2021, Liên Hợp Quốc kết luận tỷ suất sinh toàn cầu đã giảm xuống 2,3. Mức sinh thay thế mà các nhà nhân khẩu học lựa chọn là 2,2.
Liên Hợp Quốc chưa công bố số liệu ước tính cho năm 2022 và 2023, nhưng ông Fernández-Villaverde đã lập ra ước tính riêng bằng cách kết hợp giữa dự báo của Liên Hợp Quốc với dữ liệu thực tế. Ông cho rằng tỷ suất sinh toàn cầu đã giảm còn 2,1 đến 2,2 vào năm ngoái, đánh đấu lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tỷ suất sinh thấp hơn mức sinh thay thế.
Các áp lực kinh tế từ sự sụt giảm của tỷ suất sinh ngày càng trở nên trầm trọng. Kể từ đại dịch COVID-19, thiếu hụt lao động đã trở thành căn bệnh trường kỳ tại các nền kinh tế phát triển. Tình trạng này sẽ chỉ càng tệ đi trong những năm tới do số ca sinh hậu đại dịch đã giảm mạnh hơn trước.
Báo cáo gần đây của World Bank cho thấy tình hình nhân khẩu học xấu đi có thể biến những năm 2020 trở hành “thập niên mất mát” thứ hai liên tiếp đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Khi tỷ suất sinh giảm, nhiều khu vực sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số, dẫn đến nhiều hậu quả như trường học đóng cửa và giá bất động sản trì trệ.
Các đại học kém danh giá sẽ phải chật vật tuyển đủ sinh viên để mở lớp do sự lao dốc của tỷ suất sinh bắt đầu từ năm 2007, nhà kinh tế Fernández-Villaverde cảnh báo. Thượng nghị sĩ Mỹ J.D. Vance cho biết một số bệnh viện ở nông thôn đã phải đóng cửa do dân số địa phương sụt giảm.
Một nền kinh tế có ít trẻ em hơn trước sẽ gặp khó khăn trong việc tài trợ hệ thống hưu trí và y tế cho số lượng người già ngày càng đông. Quỹ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc, một trong những quỹ lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2055.
Chính sách mới
Các chính phủ đã cố gắng đảo ngược xu hướng sụt giảm của tỷ suất sinh. Nhật Bản có lẽ là đất nước đã phải nỗ lực lâu nhất, bắt đầu từ thập niên 1990.
Năm nay, Thủ tướng Kishida vừa tung ra một chương trình nữa nhằm tăng số ca sinh, mở rộng trợ cấp hàng tháng cho tất cả trẻ em dưới 18 tuổi bất kể thu nhập, miễn phí đại học cho các gia đình có ba con và cho phép các bậc cha mẹ được trả lương đầy đủ trong ngày nghỉ phép.
Thượng nghị sĩ Kuniko Inoguchi nhận định trở ngại lớn nhất với những cặp vợ chồng trong việc sinh con là thời gian. Bà hối thúc chính phủ và doanh nghiệp áp dụng tuần làm việc 4 ngày.
Bà cảnh báo: “Các vị quan chức chính phủ hoặc quản lý của tập đoàn lớn không nên lo lắng về vấn đề tiền lương lúc này. Hãy lo rằng trong 20 năm nữa, các vị sẽ không có khách hàng, không có người tiêu dùng, không có người ứng tuyển vào Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang thúc đẩy một trong những chương trình khuyến sinh tham vọng nhất của châu Âu. Năm ngoái, ông đã mở rộng chính sách ưu đãi thuế cho các bà mẹ để phụ nữ dưới 30 tuổi có con được miễn thuế thu nhập cá nhân suốt đời. Đó là chưa kể đến trợ cấp nhà ở và chăm sóc trẻ em cũng như chế độ nghỉ thai sản hào phóng.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang nỗ lực mở rộng trợ cấp chăm sóc trẻ em và chế độ nghỉ phép của cha mẹ, nhưng chưa đặt mục tiêu rõ ràng về tỷ suất sinh. Nhưng một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang thiên về ý tưởng này. Năm ngoái, ông Trump tuyên bố ủng hộ việc “thưởng tiền cho cha mẹ sinh con” để thúc đẩy tỷ suất sinh.
Tuy nhiên, cho tới nay chính sách của các chính phủ hầu như không tạo ra được tác động. Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy các chính sách khuyến sinh đang giúp tỷ suất sinh phục hồi bền vững.
Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ có thể mang thai sớm hơn để được hưởng chính sách trợ giúp của chính phủ, nhưng nhiều khả năng sẽ không sinh thêm con trong suốt cuộc đời còn lại.