Thế giới tuần qua: Châu Âu phá kỷ lục về nắng nóng; Nga-Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Hai sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua chính là tình trạng nắng nóng cực đoan ở châu Âu cũng như tia hy vọng sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.

Một người phụ nữ che ô tránh nắng tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Một người phụ nữ che ô tránh nắng tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Sóng nhiệt thiêu đốt châu Âu

Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử, với mức nhiệt lập kỷ lục ở một số quốc gia. Tình trạng nhiệt độ trên 40 độ C kéo dài vài ngày qua đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều triệu người cũng như bùng phát vô số đám cháy dữ dội.

Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng mới nhất ở châu Âu, đồng thời lưu ý rằng hình thái thời tiết cực đoan này sẽ còn tồi tệ hơn trong những năm tới.

Người dân tìm đến bể bơi để giải nhiệt ở London, Anh. Ảnh: AFP

Người dân tìm đến bể bơi để giải nhiệt ở London, Anh. Ảnh: AFP

Là một trong số những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng của sóng nhiệt này, tuần qua, nước Anh đã chứng kiến hoạt động du lịch, chăm sóc sức khỏe và trường học đã bị gián đoạn vì trời quá nóng bức. Văn phòng Khí tượng của Anh ngày 20/7 đã công bố mức nhiệt 40,2 độ C tại tại sân bay Heathrow - nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở đất nước ôn đới này. Kỷ lục trước đây là 38,7 C được thiết lập vào năm 2019.

Hệ thống đường sắt ở Anh đã yêu cầu các đoàn tàu tạm dừng hoặc chạy ở tốc độ thấp do lo ngại đường ray có thể bị cong vênh. Sân bay Luton ở thủ đô London đã tạm thời đóng cửa vì đường băng bị tan chảy dưới nhiệt độ cao.

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này hôm 20/7 thông báo đã có 679 người đã thiệt mạng trong 8 ngày đầu tiên (10-17/7) của đợt nắng nóng. Đây là đợt nắng nóng thứ hai xảy ra trên toàn quốc trong năm nay. Sóng nhiệt trước đó kéo dài từ ngày 11-17/6 đã khiến 829 người thiệt mạng. Nắng nóng và thời tiết khô hạn cũng đã tạo ra điều kiện lý tưởng cho các đám cháy rừng bùng phát ở Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, khiến ngọn lửa xâm chiếm nhà cửa, đường xá và xe cộ, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.

Một người dân nỗ lực dập tắt đám cháy rừng ở Tabara, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Một người dân nỗ lực dập tắt đám cháy rừng ở Tabara, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Trong tuần qua, các địa phương trên khắp nước Pháp đã phá vỡ hơn 100 kỷ lục về nhiệt độ mọi thời đại. Thế nhưng, trong khi nhu cầu năng lượng đang tăng vọt, thời tiết nóng bức đã buộc Pháp phải cắt giảm sản lượng điện hạt nhân vì những con sông được sử dụng để làm mát các nhà máy điện đã trở nên quá nóng. Vài ngày gần đây, Dune de Pilat - điểm du lịch nổi tiếng ở bờ biển phía Tây của Pháp - bị bao phủ bởi khói đặc với những chiếc máy bay cứu hỏa lượn vù vù trên đầu. Hơn 30.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để tránh các đám cháy rừng. Và các nhà khí tượng đã cảnh báo một "ngày tận thế nóng nực" sẽ xảy ra ở Pháp.

Người dân đi bơi dưới màn khói đen dày đặc từ cháy rừng gây ra tại Dune du Pilat. Ảnh: AP

Người dân đi bơi dưới màn khói đen dày đặc từ cháy rừng gây ra tại Dune du Pilat. Ảnh: AP

Ở Đan Mạch, nhiệt độ ngày 20/7 ghi nhận là 35,6 độ C - mức cao nhất từ trước đến nay trong tháng 7. Cơ quan khí tượng nước này cảnh báo rằng Đan Mạch đang tiến gần đến ngưỡng nhiệt độ cao nhất mọi thời đại. Kỷ lục về nhiệt độ cao ở Đan Mạch là 36,4 độ C được ghi nhận vào tháng 8/1975.

Tại Đức, quốc gia khác đang hứng chịu cái nóng thiêu đốt ở châu Âu, dự kiến nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C ở khu vực phía Tây. Mùa hè quá nóng nực cho đến nay đã làm dấy lên lo ngại về hạn hán, khi Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức cảnh báo ngành sản xuất lương thực có thể gặp phải những thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, ngưỡng 40 độ C là bình thường tại nhiều khu vực trên thế giới, nhưng tại sao lại gây báo động ở châu Âu? Theo bà Mariam Zachariah, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, nhiều thành phố châu Âu không được thiết kế để chịu được nhiệt độ cao quá 25 độ C, cũng như không có cơ sở hạ tầng phù hợp giữ giúp người dân làm mát. (Xem video người dân Paris giải nhiệt vào những ngày nóng kỷ lục. Nguồn: Al Jazeera)

Vấn đề trên đặc biệt nghiêm trọng ở Bắc Âu, nơi hầu hết các ngôi nhà được xây dựng để giữ nhiệt nhằm giúp người dân chống chọi tốt hơn với cái lạnh, khiến nhiệt độ trong nhà tăng cao trong đợt nắng nóng. Khí hậu ôn hòa của châu Âu đồng nghĩa với việc nhiều gia đình và doanh nghiệp không trang bị điều hòa không khí. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dưới 5% các ngôi nhà trên khắp châu Âu có điều hòa nhiệt độ.

Và so với những người sống ở vùng có khí hậu ấm hơn, bản thân người dân châu Âu có ít khả năng chịu đựng nhiệt độ cao. Những yếu tố kể trên là lý do tại sao các đợt nắng nóng thường nguy hiểm hơn ở những vùng khí hậu mát mẻ hơn. Trên thực tế, châu Âu cũng có tỷ lệ đô thị hóa cao. Khoảng 72 phần trăm cư dân Liên minh châu Âu (EU) sống ở các thành phố, thị trấn và vùng ngoại ô. Bê tông, kính và thép của môi trường đô thị và sự thiếu hụt không gian xanh đã biến các thành phố này trở thành những hòn đảo nhiệt nóng bức hơn môi trường xung quanh.

Nga - Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Ngày 22/7, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn để nối lại hoạt đọng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt trên đã được ký tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ có hiệu lực trong vài tuần tới. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chứng kiến các quan chức Nga và Ukraine ký các văn kiện.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (hàng trước, bên trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (hàng trên, bên phải) chứng kiến lễ ký thỏa thuận ngày 22/7. Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (hàng trước, bên trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (hàng trên, bên phải) chứng kiến lễ ký thỏa thuận ngày 22/7. Ảnh: AFP

Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và sau khi xung đột nổ ra từ cuối tháng 2, các lực lượng Nga đã phong tỏa Biển Đen, nơi có các hầm chứa ngũ cốc tại nhiều cảng quan trọng của Ukraine, khiến hàng triệu tấn lúa mì bị mắc kẹt. Đây là yếu tố gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trên toàn cầu và đẩy giá lương thực lên cao.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc này có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Đây cũng là thỏa thuận lớn đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mặc dù chi tiết của thỏa thuận hiện chưa được công bố, nhưng giới quan sát cho rằng nó sẽ cho phép tàu chở hàng của Ukraine đi qua những hành lang an toàn. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm tra các lô hàng để loại trừ bất kỳ hành vi buôn lậu vũ khí nào.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tin rằng bước tiến trên sẽ khiến hàng tỷ người không phải đối mặt với nạn đói. Ông bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ là một bước ngoặt trong khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi hai bên chấm dứt xung đột. Trong khi đó, người đứng đầu Liên hợp quốc Guterres khẳng định thỏa thuận này đã mở ra có một "ngọn hải đăng trên Biển Đen" thắp lên tia sáng của hy vọng.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Kiev là nhà sản xuất bột mì, dầu ăn và hạt hướng dương hàng đầu thế giới, cũng như đóng vai trò là nhà xuất khẩu lớn thứ bảy trên thế giới.

Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Paris đã giảm khoảng 5% sau khi thỏa thuận trên được công bố.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo NDTV/CBS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-chau-au-pha-ky-luc-ve-nang-nong-ngaukraine-dat-thoa-thuan-xuat-khau-ngu-coc-20220723190812550.htm