Thế giới tuần qua: Quốc tế đánh giá cao uy tín của Việt Nam, Mỹ-Iran căng thẳng vụ tàu chở dầu

Việc truyền thông thế giới đánh giá cao sự kiện Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và việc hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman là những vấn đề được quan tâm trong tuần qua.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (phải, hàng thứ 2, bên trái) dẫn đầu vui mừng sau khi Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (phải, hàng thứ 2, bên trái) dẫn đầu vui mừng sau khi Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông thế giới đánh giá cao vai trò mới của Việt Nam

Tối 7/6 tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Từ tháng 1/2020, Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cùng các quốc gia Estonia, Niger, Tunisia và Saint Vincent & Grenadines. Năm quốc gia này sẽ thay thế Guinea Xích Đạo, Bờ biển Ngà, Kuwait, Ba Lan và Peru. Có 5 quốc gia giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Mỹ.

Tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan có vai trò hàng đầu trong việc đóng góp vào hòa bình, an ninh của thế giới. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an. Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009 đã được các thành viên Liên hợp quốc công nhận.

Trang mạng IANS của Ấn Độ ngày 8/6 nhận định trên cương vị mới, Việt Nam có thể góp phần làm thay đổi động lực của Hội đồng Bảo an ở thời điểm có nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới Syria, Yemen và Venezuela.

Tờ The Manila Times của Philippines và The Jakarta Post tại Indonesia cũng đăng tin về sự kiện này, đồng thời cho biết Việt Nam đã nhận được số phiếu bầu cao và trở thành đại diện thứ 2 của Đông Nam Á trong nhóm 10 thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an bên cạnh Indonesia.

Trong khi đó, đài Sputnik (Nga) đăng một bài nhận định rằng chiến thắng của Việt Nam không phải là điều quá ngạc nhiên. Sputnik còn đánh giá cao phương thức ngoại giao linh hoạt giúp Việt Nam duy trì mối quan hệ thân thiện, ổn định với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) khi đưa tin về thành tựu mới của Việt Nam đã dẫn lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung ngày 7/6: “Việt Nam từng phải trải qua chiến tranh trong nhiều thập niên. Khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã đứng lên xây dựng tái thiết quốc gia và xử lý nhiều vấn đề hậu chiến. Chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ những kinh nghiệm này với Hội đồng bảo an”. Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng chú ý đến việc Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển bền vững, giải quyết biến đổi khí hậu, ủng hộ nhân quyền.

Trung Đông lại nóng vì tàu chở dầu bị tấn công

Iran đã lên án mạnh mẽ cáo buộc của Mỹ cho rằng Tehran đứng đằng sau vụ tấn công vào tàu chở dầu tại Vịnh Oman – sự kiện khiến giới quan sát lo ngại có thể gây ra biến động tại Trung Đông.

Tàu chở dầu bị tấn công ngày 13/6. Ảnh: AP

Tàu chở dầu bị tấn công ngày 13/6. Ảnh: AP

Sáng 13/6, hai tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi trên hải trình rời Vịnh Oman. Đây là vụ việc thứ hai liên quan đến tàu chở dầu bị tấn công tại Trung Đông, khiến giá dầu tăng và căng thẳng trong khu vực leo thang.

Cùng ngày 13/6, Mỹ lập tức tung một đoạn video mờ và khẳng định trong đó có hình ảnh tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiếp cận Kokuka Courageous vài tiếng đồng hồ sau vụ tấn công và tháo mìn chưa phát nổ khỏi thân tàu này (dưới đây là đoạn video do Hải quân Mỹ công bố).

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Iran là thủ phạm trong vụ tấn công các tàu chở dầu ở Vịnh Oman. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đưa ra bằng chứng thuyết phục về cáo buộc.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 14/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Iran đã làm điều đó. Tôi đoán rằng một trong những quả mìn không phát nổ và Iran muốn loại bỏ nó”.

Iran đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ, trong khi đó Liên hợp quốc, Nga và Qatar đều kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng Mỹ ngay lập tức cáo buộc Iran mà không đưa ra được bằng chứng. Ngoại trưởng Zarif còn đánh giá động thái này cho thấy Mỹ và các đồng minh tại Trung Đông như Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang tiến tới “kế hoạch B” là “phá hoại ngoại giao” bởi vụ việc xảy ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran.

Căng thẳng đã gia tăng trong những tuần gần đây sau khi Mỹ điều chiến hạm và binh sĩ tới Trung Đông đồng thời đưa ra cáo buộc về “mối nguy hiểm” không mấy cụ thể từ Iran. Ngày 12/5, 4 tàu chở dầu bị tấn công gần Eo biển Hormuz. Ở thời điểm đó, Mỹ cũng cáo buộc Iran là thủ phạm. Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.

Phóng viên Dorsa Jabbari của Al Jazeera cho rằng các động thái của Mỹ nhằm buộc Iran phải bước vào bàn đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo.

Jabbari đánh giá: “Vụ việc ngày 13/6 không phải là điều Iran sẽ làm bởi không đem lại lợi ích nào. Ngoài ra không có bằng chứng và đoạn video lờ mờ của Mỹ chưa đủ thuyết phục”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-quoc-te-danh-gia-cao-uy-tin-cua-viet-nam-myiran-cang-thang-vu-tau-cho-dau-20190615124459206.htm