Thế giới ứng phó với dịch Covid-19: Tăng cường các biện pháp cứng rắn
Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc, đại dịch Covid-19 đã hiện diện ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hệ thống y tế của nhiều nước, trong đó có những quốc gia tiên tiến về chăm sóc sức khỏe đã chịu nhiều áp lực, thậm chí kiệt quệ trước tình trạng số bệnh nhân nhiễm bệnh nhập viện ồ ạt gây rủi ro lớn đến tính mạng của người bệnh.
Người dân xếp hàng theo quy định tại một hiệu thuốc ở Kolkata (Ấn Độ).
Trước sự nguy hiểm của đại dịch, các quốc gia đã đồng loạt áp dụng những biện pháp mạnh mẽ, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ cách ly, duy trì khoảng cách xã hội, hạn chế đi lại đến phong tỏa quy mô lớn. Chính phủ nhiều nước đã ban bố những quy định cứng rắn với các mức độ trừng phạt nặng, nhằm vào những đối tượng vi phạm để bảo đảm nỗ lực ứng phó với dịch bệnh đạt hiệu quả.
Italia là quốc gia đầu tiên trên thế giới ra lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Đi kèm với đó là việc ban hành các quy tắc kiểm dịch và lệnh cấm tụ tập đông người, từ các sự kiện văn hóa, thể thao cho đến đám tang, đám cưới hay nghi lễ tôn giáo… 48 người ở khu vực Sicily đang phải đối mặt với mức phạt tối đa 234 USD và 3 tháng tù giam vì đã tổ chức và tham gia một tang lễ vào hôm 10-3.
Pháp cũng là một trong số các nước châu Âu đang áp dụng biện pháp cứng rắn để ứng phó với Covid-19. Sau khi chính thức kích hoạt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 15 ngày, ngay trong ngày đầu tiên, cảnh sát nước này đã phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm lệnh yêu cầu ở nhà và ngăn cản hành vi của 70.000 người khác. Ban đầu mức phạt là 35 euro, sau đó được nâng lên 135 euro và có khả năng lên tới 375 euro.
Tại Tây Ban Nha, tâm dịch lớn thứ hai châu Âu và cũng là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, chính quyền đã áp dụng mức phạt khoảng 658-33.000 USD hoặc 4 năm tù giam đối với các cá nhân vi phạm quy định cách ly và phong tỏa đất nước. Tuần trước, giới chức Tây Ban Nha đã bắt giữ ít nhất 73 người và xử phạt hơn 3.000 vụ.
Thực thi chính sách mạnh tay với những người thiếu nghiêm túc trước các vấn đề y tế khẩn cấp cộng đồng, Chính phủ Australia xử phạt rất nặng, lên tới 50.000 AUD (700 triệu đồng) với những trường hợp trốn cách ly. Xem đây là vấn đề nghiêm trọng, luật pháp Nga cũng đề xuất các hình phạt nghiêm khắc, nộp tiền từ 500.000 đến 2 triệu rubble (590 triệu đồng) hoặc tù giam 5-7 năm cho đối tượng vi phạm các quy định cách ly ngăn ngừa dịch Covid-19. Trong khi đó, hành vi trên được xem là tội hình sự tại hầu hết các bang của Mỹ.
Không “đánh vào túi tiền” của người dân nhưng cảnh sát Ấn Độ áp dụng nhiều hình thức xử phạt mang tính răn đe với những người không tuân thủ lệnh giới nghiêm như dọn rác trên đường, chống đẩy, hít đất, phạt đánh bằng roi. Còn tại Singapore, chỉ cần chống lại quy định giữ khoảng cách ít nhất 1m ở các địa điểm công cộng, người dân có thể bị phạt 7.000 USD, tù giam đến 6 tháng hoặc cả hai hình phạt này.
Theo một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, đại dịch Covid-19 có thể lây nhiễm cho 90% dân số thế giới và khiến 40,6 triệu người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống và hạn chế dịch bệnh lây lan không được áp dụng. Nhân loại đang thực sự đứng trước hiểm nguy và bất kỳ sự trì hoãn hay sai lầm gây hại cho sức khỏe cộng đồng đều phải trả giá rất đắt bằng sức khỏe và tính mạng.
Vì vậy, việc đối phó với cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ này không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà đã trở thành mặt trận chung của cả thế giới, trong đó mỗi người dân là một phòng tuyến hữu hiệu. Khi đứng trước hiểm nguy cũng là lúc chúng ta có cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết, tình đoàn kết, sẻ chia. Bắt đầu từ những điều giản đơn nhất như thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày, lắng nghe và tuân thủ các chỉ dẫn, mỗi người dân đã đóng góp vào việc đưa con tàu thế giới vượt qua giông tố.