Thế giới và chiến dịch tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19: Không còn thời gian để chọn lựa

Trong làn sóng dịch Covid-19 do biến chủng Delta đang lan rộng trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã tích cực đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vắc xin để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đến thời điểm này, đã có 7 loại vắc xin ngừa Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, chương trình tiêm chủng chưa đạt được tiến độ như mong đợi, một phần vì sự kén chọn của người dân đối với một số loại vắc xin.

Các quốc gia đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng.

Tất cả vắc xin được WHO cấp phép đều an toàn và hiệu quả

Tính đến ngày 9-9, danh sách 7 loại vắc xin ngừa Covid-19 được WHO cấp phép sử dụng là: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. Tất cả vắc xin nói trên đều đã được thông qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của chúng.

WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến chủng đáng lo ngại lên hiệu quả của vắc xin. Các dữ liệu cho thấy, vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19 nặng do biến chủng Delta.

Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả trong việc ngăn ngừa vi rút SARS-CoV-2 và những biến chủng của nó lên tới hơn 90% khi tiêm đủ hai mũi. Trong khi đó, vắc xin AstraZeneca của Oxford có thể có hiệu quả khoảng 85% đến 90%.

Vắc xin được WHO phê duyệt gần đây nhất là Sinopharm (ngày 7-5), hiệu quả bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh Covid-19 cũng lên tới 78,2%, theo kết quả hậu lâm sàng, được khuyến cáo cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, vắc xin Sinopharm có hiệu quả 79% trong việc giảm tỷ lệ nhập viện khi mắc Covid-19 và các trường hợp không phải vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Đánh giá chung về vắc xin Sinopharm, các chuyên gia cho biết, vắc xin phát huy hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp, là một mắt xích trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.

Cập nhật tình hình phê duyệt vắc xin để sử dụng tại các quốc gia trên thế giới, dữ liệu của WHO ngày 9-9 cho thấy, vắc xin AstraZeneca của Oxford đang đứng đầu danh sách, được 121 quốc gia phê chuẩn để sử dụng. Tiếp theo là Pfizer/BioNTech (98), Moderna (71), Sinopharm/BBIP (64), Janssen (62), AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ (45), Sinovac (39).

Các chuyên gia y tế của WHO khuyến cáo, tiêm phòng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ gia đình, cộng đồng và bản thân chúng ta chống lại Covid-19. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả nghiên cứu khoa học được rất nhiều quốc gia thực hiện. Các báo cáo gần đây ở Canada chỉ ra rằng, chưa tới 1% những người đã được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Vắc xin đã cho thấy hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Delta, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng và tử vong do Covid-19. Bên cạnh đó, một người đã tiêm phòng nếu vẫn nhiễm SARS-CoV-2, các triệu chứng luôn nhẹ hơn những người chưa tiêm phòng.

Vì vậy, WHO kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc Covid-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vắc xin mà bỏ lỡ một "lá chắn" quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.

Không còn thời gian để lựa chọn

Theo báo Tài chính của Anh, thời gian qua, các chính phủ, tổ chức đa phương và các công ty tư nhân đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các loại vắc xin hiệu quả nhằm chống lại Covid-19. Chiến dịch tiêm chủng cũng đang được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia.

Nhiều nước đang dần đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi tỷ lệ tiêm chủng cho người dân lên tới trên 70%. Trong số đó có Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) (78,9%), Bồ Đào Nha (77,6%), Tây Ban Nha (73,3%), Chile (72,8%)...

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, các mục tiêu về tiêm phòng đang phải đối mặt với không ít thách thức như không đủ nguồn cung, thiếu nguồn nhân lực và thậm chí là sự hoài nghi của công chúng liên quan đến hiệu quả của một số vắc xin.

Các chuyên gia y tế lo ngại, tâm lý e ngại dẫn tới chờ đợi, kén chọn vắc xin của một bộ phận người dân có nguy cơ ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia được đánh giá là điểm nóng về dịch bệnh.

Mới đây, thời báo Manila của Philippines đã đăng bài viết có tiêu đề "Không còn thời gian để lựa chọn", phản ánh chiến dịch tiêm phòng Covid-19 ở nước này bị chậm lại do một bộ phận người dân có tâm lý sợ bị rủi ro khi tiêm chủng và không ít người yêu cầu được lựa chọn loại vắc xin để tiêm.

Trong bối cảnh biến chủng Delta khiến cho số ca mắc mới ở Philippines liên tục tăng ở mức đáng báo động, bài báo đã dẫn lời khuyên của Tiến sĩ vi sinh học Nina Gloriani cho rằng, bất kỳ loại vắc xin nào được WHO cấp phép sử dụng đều có khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2.

Theo các chuyên gia WHO, các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc xin ngừa Covid-19. Hệ thống y tế của các nước này cũng phải đối mặt với áp lực cao hơn khi tỷ lệ mắc Covid-19 gia tăng. Nếu không đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, tỷ lệ tử vong sẽ lớn hơn rất nhiều so với các nước phát triển.

Vì vậy, chính quyền cần nhanh chóng tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin được WHO cấp phép và phân phối, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, coi tiêm phòng là trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng.

Một số nguồn tin nước ngoài cũng đề cập tới Sinopharm/BBIP và Sinovac là 2 loại vắc xin được WHO cấp phép gần đây nhất, đồng thời cũng bị hoài nghi nhiều về hiệu quả.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế WHO nhấn mạnh, việc nghi ngờ tính hiệu quả của Sinopharm/BBIP và Sinovac là không có cơ sở. Thực tế cho thấy, trong số những quốc gia đạt tỷ lệ cao nhất về tiêm chủng, nhiều nước đã sử dụng Sinopharm/BBIP và Sinovac như UAE, Chile, Uruguay...

Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã nhận đặt hàng 2 loại vắc xin nói trên cho 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Indonesia (186 triệu liều), Brazil (95 triệu liều), Pakistan (38 triệu liều), Thổ Nhĩ Kỳ (31 triệu liều), Philippines (30 triệu liều), Campuchia (26 triệu liều), Iran (23 triệu liều), Thái Lan (22 triệu liều), Maroc (22 triệu liều), Mexico (22 triệu liều)...

Mới đây nhất, để đạt được mục tiêu tiêm 2 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 mỗi ngày, nhằm sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, Indonesia đã tiếp nhận thêm 500.000 liều vắc xin của hãng Sinopharm, nâng tổng số vắc xin Sinopharm mà Indonesia tiếp nhận lên 8 triệu liều.

Số bệnh nhân mắc và tử vong do Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên hằng ngày. Trong khi đó, tiêm chủng được coi là biện pháp hữu hiệu nhất giúp đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.

Tiến sĩ người Mỹ Frank Esper, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh: "Bây giờ không phải lúc để kén chọn, hãy sẵn sàng tiêm phòng bất kỳ loại vắc xin nào đã được cấp phép. Đừng chờ đợi rồi bỏ lỡ cơ hội cho chính bản thân bạn và cộng đồng".

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1011410/the-gioi-va-chien-dich-tiem-phong-vac-xin-ngua-covid-19-khong-con-thoi-gian-de-chon-lua