Thế giới và nỗi khổ của người Palestine dịp tháng lễ Ramadan
Vấn đề Palestine và nỗi khổ của người dân nơi đây được đề cập nhiều trong dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Thông điêp của các nhà lãnh đạo về Palestine trong tháng Ramadan
Hôm nay (11/3), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi những lời chúc và lời cầu nguyện tốt đẹp nhất đến những người Hồi giáo trên khắp thế giới nhân tháng lễ linh thiêng Ramadan. Thông điệp nêu bật nỗi thống khổ của những người dân theo đạo Hồi sống tại các vùng đang xảy ra chiến tranh, đặc biệt là cư dân ở dải Gaza.
Mọi tín đồ Hồi giáo trong tháng lễ đều hướng tới người dân Palestine ở Gaza.
Trong video được chia sẻ trên tài khoản X chính thức của mình, Tổng thư ký Guterres bày tỏ sự cảm thông đối với những người "đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng ở Gaza", những người đang đối mặt với xung đột dù là trong tháng lễ Ramadan: “Ramadan là hiện thân của những giá trị hòa bình, kiên cường và lòng bao dung. Đó là thời gian để suy tư và cầu nguyện, một cơ hội để bày tỏ lòng nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau. Đáng buồn thay, nhiều người kỷ niệm tháng này trong khi phải đối mặt với xung đột, sơ tán và sống trong sợ hãi. Suy nghĩ và trái tim của tôi hướng về họ - từ người dân Afghanistan, đến vùng Sahel, từ vùng Sừng châu Phi đến Syria và xa hơn nữa.Và tôi muốn bày tỏ một thông điệp đặc biệt về tình đoàn kết và sự hỗ trợ tới tất cả những người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng ở Gaza".
"Trong thời điểm thử thách này, tinh thần của tháng Ramadan là ngọn hải đăng của niềm hy vọng, một lời nhắc nhở về tình nhân ái chung của chúng ta. Tất cả chúng ta cần được truyền cảm hứng: hãy hàn gắn những chia rẽ; hỗ trợ những người gặp khó khăn; và làm việc vì sự an toàn và phẩm giá của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại. Cầu mong Tháng Ramadan mang lại hòa bình và hướng chúng ta tới một thế giới công bằng và nhân ái hơn”.
Tổng thống Mỹ cũng đánh dấu sự khởi đầu của tháng Ramadan bằng một tuyên bố công nhận đây là “thời điểm vô cùng đau đớn” đối với nhiều người Mỹ theo đạo Hồi, đồng thời thời cam kết dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tổng thống Biden ước tính hơn 30.000 người Palestine đã thiệt mạng trong xung đột ở Gaza. Trong đó, một số người Palestine thiệt mạng ở Gaza “là thành viên gia đình của những người Mỹ theo đạo Hồi”.
Tuyên bố cũng nêu rõ, gần 2 triệu người Palestine ước tính phải di dời và đang rất cần thực phẩm, nước uống, thuốc men và nơi trú ẩn. Đối mặt với sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng người Mỹ theo đạo Hồi về phản ứng của ông đối với cuộc chiến ở Gaza, Tổng thống Biden nhấn mạnh chính quyền của ông đang nỗ lực để cung cấp viện trợ cho Gaza, bao gồm việc thiết lập một bến tàu tạm thời và thực hiện các các đợt thả hàng cứu trợ bằng đường hàng không. Ông cũng cam kết tiếp tục hợp tác với Israel để mở rộng việc phân phối hàng bằng đường bộ và mở thêm nhiều cửa khẩu để đưa viện trợ vào Gaza. Chiến sự ở Gaza đang làm gia tăng nguy cơ nạn đói khi mà số người chết đã vượt quá 31.000 người.
Nhân dịp này, chính quyền thành phố London (Anh) đã tổ chức màn trình diễn ánh sáng kỷ niệm tháng Ramadan tại Quảng trường Leicester. Thị trưởng thành phố, Sadiq Khan nói rằng màn trình diễn ánh sáng nhằm tôn vinh sự đa dạng của London cũng như tháng lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo. Đây sẽ là năm thứ 2 thành phố trưng bày đèn chào đón tháng Ramadan, sau khi London trở thành thành phố lớn đầu tiên ở châu Âu và các nước phương Tây có màn trình diễn như vậy vào năm 2023.
Ai Cập nỗ lực đạt lệnh ngừng bắn trong tuần đầu tiên tháng lễ
Truyền thông khu vực hôm nay (11/3) cho biết giới chức Ai Cập đã nối lại liên lạc với các bên liên quan để thúc đẩy việc đạt được một lệnh ngừng bắn tại dải Gaza trong tuần đầu tiên của tháng Ramadan.
Theo đó, Cairo đã kết nối lại với giới chức Mỹ, Israel cùng một số bên liên quan khác để khôi phục tiến trình đàm phán bị gián đoạn cuối tuần trước, mục tiêu là đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và trao đổi con tin/tù nhân giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas ngay trong tuần đầu tiên của Ramadan vừa bắt đầu hôm nay.
Tuy nhiên, chính giới của cả Ai Cập, Israel và Mỹ chưa xác nhận thông tin này. Trong khi đó, Thủ lĩnh chính trị của Hamas, ông Ismail Haniyeh đêm qua (10/3) khẳng định lực lượng này sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán tìm kiếm lệnh ngừng bắn tại dải Gaza trong tháng lễ Ramadan.
Tuần trước, các nhà đàm phán của Ai Cập, Mỹ, Qatar và đại diện Hamas đã tiến hành vòng đàm phán kéo dài 5 ngày tại Cairo nhằm hướng tới lệnh ngừng bắn 6 tuần trước khi tháng Ramadan bắt đầu.
Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm căn bản giữa Israel và Hamas về điều kiện ngừng bắn và trao đổi con tin/tù nhân, vòng đàm phán đã không mang lại kết quả mong đợi. Đại diện Israel không tham gia tiến trình thương lượng này viện dẫn lý do Hamas không cung cấp danh sách các con tin còn sống theo yêu cầu của nước này.
Biểu tình ủng hộ người Palestine bên ngoài lễ trao giải Oscar
Hôm qua (10/3), hàng trăm người biểu tình đã tập trung quanh địa điểm tổ chức lễ trao giải Oscar, hô vang khẩu hiệu “chấm dứt cuộc bao vây Gaza ngay bây giờ” khi các ngôi sao Hollywood đến dự Lễ trao giải Oscar lần thứ 96
An ninh được thắt chặt khi những người ủng hộ Palestine biểu tình bên ngoài Nhà hát Dolby ở Hollywood, nơi diễn ra lễ trao giải Oscar hàng năm. Hàng trăm người biểu tình tỏ ra giận dữ, bày tỏ nỗi thất vọng khi đã hơn 5 tháng trôi qua, người dân Palestine vẫn hàng ngày phải sống dưới làn bom đạn của Ixraen.
Những người biểu tình cho biết họ muốn lên án việc Mỹ hỗ trợ Israel tại một trong những sự kiện văn hóa danh giá nhất nước Mỹ. Một số người giương biểu ngữ kêu gọi Tổng thống Joe Biden thay đổi quan điểm về cuộc xung đột ở Gaza.
“Trong khi một số người đang ăn mừng và giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, thì lễ trao giải Oscar đang diễn ra khi nhiều người đang bị sát hại, giết chết, bị đánh bom bằng tiền tài trợ của Mỹ cho Israel. Chúng tôi có mặt hôm nay để trong tương lai mọi người không thể nói “ồ, chúng tôi không biết”. Không, chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi muốn chấm dứt ngay bây giờ."
“Lễ trao giải Oscar, đó là lễ tôn vinh sự giàu có và tiền bạc. Một phần lợi nhuận thu được ở Hollywood được dùng để ủng hộ sự chiếm đóng của Israel. Vì vậy, điều đó quan trọng. Vì vậy, cần đảm bảo rằng tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe."
Nhà làm phim Vivien Weisman, bày tỏ: “Tôi ở đây để phản đối và muốn nói rằng mọi hoạt động không thể diễn ra như thường lệ, kể cả giải Oscar, khi nạn diệt chủng vẫn đang diễn ra. Đã có một nền văn hóa im lặng. Rất nhiều người lo sợ họ sẽ bị sa thải, bị giáng chức. Vì vậy, lý do tôi ở đây là để ủng hộ cả người Palestine và ủng hộ những người Mỹ muốn cất lên tiếng nói. Và càng có nhiều người xuống đường và càng có nhiều người cởi mở về điều đó, thì tình thế sẽ thay đổi để mọi người cảm thấy không e ngại khi lên tiếng."
5 tháng kể từ khi xung đột bùng nổ , các cơ quan y tế ở Gaza cho biết gần 31.000 người Palestine đã thiệt mạng. Cuộc tấn công của Israel vào Gaza, với sự hỗ trợ của Mỹ đã khiến phần lớn trong số 2,3 triệu dân ở khu vực này phải di dời và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men nghiêm trọng.