Thế giới vượt 173 triệu ca Covid-19, WHO cảnh báo thiếu vaccine cho COVAX
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 5-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 173,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 3,72 triệu ca tử vong. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine cho cơ chế COVAX trong tháng 6-7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 5-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 173,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 3,72 triệu ca tử vong. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine cho cơ chế COVAX trong tháng 6-7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - tâm dịch của thế giới, đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới tại quốc gia này lên tới hàng trăm nghìn ca mỗi ngày, đến nay con số này giảm xuống còn 15.000-16.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đứng đầu danh sách các nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với gần 34,2 triệu ca mắc, hơn 612 nghìn ca tử vong.
Trong 7 ngày gần đây, tốc độ tiêm chủng trung bình của Mỹ đạt 1,1 triệu liều/ngày. Tính đến nay, khoảng 51% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Ngày 3-6 mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu, trong đó châu Á thuộc nhóm ưu tiên. WHO đã kêu gọi các nước noi theo gương Mỹ chia sẻ vaccine.
Đứng thứ hai thế giới về số ca mắc Covid-19 là Ấn Độ. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng gần 28,7 triệu ca mắc, trong đó có hơn 344 nghìn ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 121 nghìn ca nhiễm mới và 3.382 ca tử vong. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 344 nghìn ca tử vong do Covid-19. Ngày 4-6, truyền thông dẫn kết quả một nghiên cứu của Chính phủ nước này chỉ ra rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2, được đặt tên là Delta) đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng dịu lại khi số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch trong quý I/2021 - thời điểm một số nước ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày như Pháp, Đức...
Cụ thể, theo số liệu của Reuters ngày 4-6, trong bảy ngày qua, năm quốc gia ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất là: Nga (9.166), Pháp (8.350), Đức (4.480), Tây Ban Nha (4.262) và Anh (3.743). Trong khi đó, năm quốc gia ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất là Nga (380), Đức (151), Ukraine (126), Pháp (95) và Ba Lan (91).
Tại một số quốc gia Đông Nam Á, tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục có diễn biến phức tạp. Tại Campuchia, số ca mắc mới tiếp tục xu hướng tăng đáng lo ngại. Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Campuchia công bố thêm 886 ca, trong đó có tới 856 ca lây nhiễm cộng đồng. Đáng chú ý, Bộ Y tế Campuchia ngày 4-6 ra thông báo phát hiện biến thể B.1.617 dựa trên kết quả xét nghiệm trên ba trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan.
Tại Lào, lệnh phong tỏa do Covid-19 được gia hạn đến hết ngày 19-6 tới do tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đặc biệt tại Thủ đô Vientiane. Đây là lần thứ 3 Lào gia hạn phong tỏa kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại nước này trong tháng 4-2021. Tuy nhiên, so với những lần trước, lệnh phong tỏa lần này không quá nghiêm ngặt, nhiều quy định được nới lỏng trên khắp cả nước trừ những khu vực đang có các ca lây nhiễm trong cộng đồng (Vùng Đỏ).
Trong khi đó, ngày 4-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa Covid-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6-7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
COVAX là cơ chế được WHO và Liên hợp quốc (LHQ) đồng sáng lập nhằm bảo đảm phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp. Đến nay, hơn 80 triệu liều vaccine đã được chuyển đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các quốc gia giàu có hiện cùng cam kết chia sẻ hơn 150 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn.
Tuy nhiên, Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết, COVAX đang cần thêm khoảng 200 triệu liều vaccine và hiện chưa có đủ vaccine để giúp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19. Mặc dù đánh giá việc các nước giàu cam kết đóng góp 150 triệu liều vaccine cho COVAX là "sự khởi đầu tốt", song ông Bruce Aylward cho biết số vaccine này chưa được giao ngay trong tháng 6-7.
Cố vấn cấp cao của WHO cũng cho biết, để đạt mục tiêu có ít nhất 30-40% dân số toàn cầu được tiêm chủng trong năm 2021, thế giới sẽ cần có thêm 250 triệu người được tiêm vaccine từ nay đến cuối tháng 9.
Cùng ngày, bộ trưởng y tế các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định ủng hộ ý tưởng chia sẻ vaccine khi điều kiện trong nước cho phép. Theo tuyên bố chung, các nước G7 cam kết ủng hộ việc chia sẻ các vaccine an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá hợp lý trên quy mô toàn cầu. Tuyên bố nhấn mạnh cam kết hợp tác với COVAX khi tình hình dịch bệnh ở trong nước cho phép.
Tính đến ngày 3-6-2021, khoảng 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, 37% trong số này được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao (chiếm 16% dân số toàn cầu), và chỉ có 0,3% số vaccine đã tiêm được thực hiện ở 29 quốc gia có thu nhập thấp với tổng số dân chiếm đến 9% dân số toàn cầu.
Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.192.023 ca mắc, 612.240 ca tử vong
2. Ấn Độ: 28.693.835 ca mắc, 344.101 ca tử vong
3. Brazil: 16.841.954 ca mắc, 470.968 ca tử vong
4. Pháp: 5.701.029 ca mắc, 109.916 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.276.468 ca mắc, 47.976 ca tử vong