Thế giới vượt 21 triệu ca bệnh COVID-19; Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Brasilia, Brazil ngày 3/8 - Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới 6 giờ sáng 14/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 21 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 752.000 người tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 252.000 ca bệnh và trên 5.900 ca tử vong, chủ yếu vẫn tập trung ở ba quốc gia Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Cụ thể là: Ấn Độ ghi nhận trên 64.000 ca, Brazil ghi nhận trên 54.000 ca và Mỹ ghi nhận trên 49.000 ca bệnh mới.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ đều cao nhất thế giới. Ba quốc gia nói trên cũng có số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua và đều trên 1.000 ca: Brazil với 1.200 ca, Mỹ với 1.072 ca và Ấn Độ với 1.006 ca.

Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Canada đã vượt mốc 9.000. Tính tới 6 giờ ngày 14/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Canda là 121.028 ca, trong đó có 9.012 ca tử vong.

Giám đốc Cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam, mới đây cảnh báo người dân cần phải quen với các biện pháp phòng dịch COVID-19, như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Những quy định này có thể kéo dài trong nhiều năm, ngay cả khi thế giới tìm được vaccine hiệu quả.

Bà Theresa Tam nêu rõ tình hình dịch bệnh tại Canada hiện nằm trong tầm kiểm soát, số ca tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm, từ mức xấp xỉ 200 ca/ngày hồi đầu tháng 5/2020 xuống mức trung bình chưa đến 10 ca/ngày trong 4 tuần qua. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh người dân vẫn cần thận trọng và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Tại Mỹ, bang Louisiana đang truy dấu 7 ổ dịch COVID-19 có liên quan các trường học ở nước này. Số liệu từ Cơ quan Y tế bang Louisiana cho thấy có 4 ổ dịch liên quan các trường đại học với 151 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi 3 ổ dịch còn lại liên quan các trường tiểu học và trung học cơ sở với 17 ca mắc COVID-19.

Đài truyền hình địa phương WBRZ2 dẫn lời giới chức sở tại cho biết một ổ dịch được xác định sau khi ghi nhận 2 hoặc thêm nhiều ca mắc bệnh không liên quan tới các cá nhân từng tham quan một danh thắng trong vòng 14 ngày. Nguồn tin cũng cho biết thêm bang Louisiana đã bắt đầu truy dấu nhóm các ca mắc COVID-19 tại các trường học vào tuần này.

Tâm dịch của châu Á là Ấn Độ đã ghi nhận trên 64.000 ca mắc trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân tại nước nàylên gần 2,4 triệu người, trong đó có 48.144 trường hợp tử vong, tăng 1.006 ca so với ngày trước đó. Như vậy trong một tuần qua, trung bình Ấn Độ mỗi ngày ghi nhận ít nhất 58.000 ca nhiễm. Đây là tốc độ lây nhiễm cao nhất trên thế giới, mặc dù nước này xếp thứ ba về tổng số ca COVID-19, sau Mỹ và Brazil.

Tuy nhiên, điều lạc quan là tỉ lệ tử vong do căn bệnh này tại Ấn Độ đã tiếp tục giảm xuống còn 1,98%. Bộ Y tế cho biết thêm hơn 70% các trường hợp tử vong là do có sẵn bệnh lý nền. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo trong ngày 12/8, Ấn Độ đã tiến hành tới 830.391 lượt xét nghiệm COVID-19, mức cao nhất trong một ngày. Đến nay, nước này đã thực hiện tổng cộng hơn 2,68 triệu lượt xét nghiệm.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latin, ngày 13/8, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, sau 5 tháng áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh COVID-19, khu vực Trung Mỹ giờ đây lại đang phải đối mặt với đợt tái bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng khi các chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa lại các hoạt động kinh tế.

Đại diện của PAHO tại Panama, Tiến sĩ Gerardo Alfaro cho biết những số liệu chính thức đã cho thấy xu hướng gia tăng trở lại hàng ngày của các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trong suốt hai tháng qua tại khu vực. Theo ông Alfaro, khu vực Trung Mỹ vẫn đang trong giai đoạn lây nhiễm cộng đồng, mặc dù chưa quốc gia nào đạt tới đỉnh điểm, ghi nhận mức giảm hay kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Đại diện PAHO lấy dẫn chứng trường hợp Costa Rica, quốc gia được xem là có những phản ứng hiệu quả nhất trong công tác đối phó dịch bệnh khi các ca nhiễm mới tại nước này vào hồi cuối tháng 4 và đầu tháng 5 đã giảm xuống mức gần không. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần nới lỏng các biện pháp hạn chế, số người nhiễm bệnh đã tăng vọt vào nửa cuối tháng 5 vừa qua, từ 800 đến 1.500 trường hợp.

Bộ trưởng Y tế nước này Daniel Salas đã phải thừa nhận quốc gia Trung Mỹ đang trải qua “làn sóng thứ hai” của dịch bệnh sau khi mở lại các hoạt động xã hội và kinh tế. Tiến sĩ Alfaro nêu rõ tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Trung Mỹ hiện dao động từ 1,04% tại Costa Rica, một trong những nước có tỉ lệ thấp nhất châu Mỹ, cho tới 3,8% tại Guatemala, quốc gia ghi nhận tỉ lệ người tử vong cao nhất.

Theo số liệu mới cập nhật của các tổ chức y tế khu vực, tính tới nay Trung Mỹ đã ghi nhận ít nhất 236.000 ca nhiễm bệnh, trong đó có 6.478 ca tử vong tại Panama, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua.

Hy Lạp ngày 13/8 thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại khu trại tị nạn Vial trên đảo Chios của nước này. Theo Bộ Di trú Hy Lạp, bệnh nhân là nam giới, 35 tuổi, đến từ Yemen. Kết quả xét nghiệm ngày 12/8 cho thấy người này đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại một bệnh viện địa phương, và lực lượng chức năng đang tiến hành xét nghiệm đối với 30 người.

Thống kê cho thấy trên 3.800 người đang sinh sống tại trại Vial, đông gấp hơn 3 lần so với sức chứa của khu trại. Nhiều ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại các trại tị nạn trên đất liền Hy Lạp, trong đó có 150 ca bệnh tại một khu nhà trọ dành cho người tị nạn ở Peloponnese vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, đây là ca mắc COVID-19 đầu tiên xảy ra tại một trại tị nạn trên đảo - nơi thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Hội đồng An ninh Ukraine thông báo nước này ghi nhận 1.592 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 12/8. Đây là số ca mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Ukraine. Tính sáng 14/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Ukraine đã tăng lên tới 86.140, trong đó có 1.992 ca tử vong.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng mạnh trong 2 tháng qua sau khi giới chức sở tại nới lỏng một số biện pháp hạn chế, cho phép các quán cà phê, nhà thờ và phương tiện công cộng hoạt động trở lại. Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov nhấn mạnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, do đó ông hối thúc người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp hạn chế hiện hành.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244436/the-gioi-vuot-21-trieu-ca-benh-covid-19--an-do-nhieu-ca-mac-hang-ngay-nhat.html