Thế giới vượt 270 triệu ca mắc; Thêm nhiều nước có biến thể Omicron

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 417.000 ca mắc COVID-19 và trên 3.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 270 triệu ca, trong đó trên 5,32 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (48.854 ca), Pháp (43.848 ca) và Mỹ (trên 38.000 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.132 ca), Ukraine (238 ca) và Mexico (235 ca).

Trong bối cảnh danh sách các nước phát hiện những trường hợp nhiễm biến thể Omicron tiếp tục dài thêm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia, trong đó tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi, nơi chủng Delta ít phổ biến hơn, và tại Anh, nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19.

Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/12 thông báo nước này đã phát hiện 6 ca nhiễm Omicron đầu tiên.

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong số 6 ca nhiễm này có 5 ca tại thành phố Izmir và 1 ca tại thành phố Istanbul. Hiện cả 6 trường hợp nhiễm đều không cần nhập viện điều trị.

Anh ghi nhận ngày có số ca nhiễm Omicron cao nhất

Ngày 11/12, giới chức y tế Anh xác nhận có thêm 633 ca nhiễm Omicron. Đây là ngày Anh ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng cao nhất kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại quốc gia châu Âu này. Hiện tổng số bệnh nhân nhiễm Omicron được biết đến tại Anh đã lên tới 1.898 ca.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo đến cuối tháng 4/2022, Omicron có thể cướp đi sinh mạng của 25.000 đến 75.000 người tại vùng England của Anh nếu giới chức nước này không tăng cường các biện pháp phòng dịch.

Anh đã nâng cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron tại đang tăng nhanh.

Nhật Bản phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vượt qua kiểm tra y tế khi nhập cảnh

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vượt qua cuộc kiểm tra y tế khi nhập cảnh. Đây là ca nhiễm biến thể Omicron thứ 13 được ghi nhận ở Nhật Bản.

Theo quy định của Nhật Bản, tất cả người nhập cảnh đến từ các nước miền Nam châu Phi và một số nước khác phải tự cách ly từ 3-10 ngày tại các cơ sở cách ly được chỉ định. Nhưng Sri Lanka không nằm trong danh sách này. Vì vậy, người đàn ông trên đã về nhà sau khi nhập cảnh. Ông bắt đầu sốt từ ngày 7/12 và hết triệu chứng vào ngày 11/12.

Brazil xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng

Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại bang Sao Paolo đông dân nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.

Đây là ca nhiễm biến thể Omicron thứ 7 được xác định tại Brazil, trong đó có 4 trường hợp tại Sao Paolo. Điểm đáng chú ý là trường hợp nhiễm bệnh mới nhất này là một người chưa từng đi ra nước ngoài, trong khi các ca trước đó đều là những người trở về từ châu Phi.

Mặc dù chưa thể khẳng định biến thể Omicron đã bắt đầu lây nhiễm trong nội địa, song giới chức y tế cho rằng trường hợp này là một lời cảnh báo về khả năng bùng phát của biến thể Omicron tại Brazil, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.

Tín hiệu khả quan về dịch COVID-19 tại Nga

Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch COVID-19 của Nga cho biết tính đến sáng 12/12, trong vòng 24 giờ qua tại nước này ghi nhận 29.929 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, và là ngày đầu tiên kể từ 13/10 số ca nhiễm tại nước này dưới 30.000 trường hợp, tuy nhiên tổng số người nhiễm COVID-19 tính từ đầu đại dịch đã vượt quá con số 10 triệu người.

Tiêm phòng vẫn là hình thức bảo vệ đáng tin cậy nhất. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, số lượng người đã tiêm vaccine nhiễm bệnh chỉ chiếm chưa tới 4% tổng số bệnh nhân, các trường hợp nặng rất ít.

Chuyên gia y tế Séc ủng hộ sắc lệnh tiêm phòng bắt buộc

Chủ tịch Hiệp hội Y học truyền nhiễm Séc Pavel Dlouhý đã bày tỏ ủng hộ Sắc lệnh áp dụng tiêm chủng bắt buộc ngừa COVID-19 đối với các nhóm nghề nghiệp được lựa chọn và những người trên 60 tuổi. Theo ông, đây là biện pháp cần thiết để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

Ông Chung Nam Sơn - nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc nhận định với chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt tỷ lệ cao như hiện nay, Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.

Theo ước tính của ông, tỷ lệ người hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Trung Quốc đến nay đạt 81,9% và đến cuối năm năm 2021, con số này có thể lên tới 83% - tỷ lệ an toàn để khẳng định Trung Quốc đạt miễn dịch cộng đồng./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/the-gioi-vuot-270-trieu-ca-mac-them-nhieu-nuoc-co-bien-the-omicron-97090.html