Thế giới vượt 63 triệu ca mắc COVID-19, dịch ở nhiều nước diễn biến nghiêm trọng
Đến sáng 30/11, thế giới đã ghi nhận trên 63 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1,46 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 119.000 ca), Ấn Độ (39.000 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (29.281 ca). Hiện có 12 quốc gia ghi nhận trên 1 triệu ca bệnh.
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (752 ca), Mexico (586 ca) và Italy (541 ca).
Châu Mỹ
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 119.000 ca mắc mới và 752 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở Mỹ là trên 13,7 triệu ca, trong đó trên 273.000 ca tử vong.
Trước đó, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, ngày 28/11, Mỹ đã ghi nhận 205.557 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại Mỹ. Cũng trong ngày 28/11, số ca tử vong tại Mỹ tăng thêm 1.406 ca.
Trước đó, thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy ngày có số ca mắc mới cao nhất ở Mỹ là 20/11, với hơn 196.000 ca.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tuần qua tăng mạnh ở thành phố San Francisco, thuộc bang California, với trung bình 130 ca/ngày, cao gần gấp đôi so với tuần đầu tiên của tháng 11 này, chính quyền bang California đã nâng cấp độ cảnh báo dịch bệnh từ màu đỏ lên mức cao nhất - màu tím đối với thành phố San Francisco. Theo đó, nhà chức trách yêu cầu từ trưa 29/11 (giờ địa phương) dừng nhiều hoạt động trong nhà cũng như đóng cửa một số địa điểm công cộng trong nhà như bảo tàng, rạp chiếu phim, phòng tập và địa điểm tôn giáo. Bên cạnh đó, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 22h tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, yêu cầu người dân ở trong nhà trừ những hoạt động thiết yếu. Như vậy, thành phố San Francisco đã cùng với 6 quận thuộc Khu vực vịnh San Francisco nằm trong vùng cảnh báo màu tím.
Canada trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 3.860 ca mắc, tổng số ca mắc tại nước này hiện là 368.670 ca, trong đó có 12.023 người đã tử vong.
Châu Phi: Trên 2,17 triệu người mắc bệnh
Ngày 29/11, tại thủ đô Addis Abeba của Ethiopia, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC) cho biết châu lục này đã ghi nhận trên 2,17 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có trên 51.000 ca tử vong.
Các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về số trường hợp mắc bệnh theo thứ tự gồm Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia… Khu vực Nam Phi cũng là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19.
Nhiều nước châu Phi đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch bệnh mới. Trong đó, Maroc là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới hàng ngày cao nhất châu lục.
Châu Âu
Các nước Tây Balkan, khu vực nghèo nhất châu Âu, đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế do đại dịch. Không đủ giường bệnh và bác sĩ là tình trạng tại nhiều nước Tây Balkan như Serbia, Bosnia, Croatia… Trong những tuần qua, khu vực này đã ghi nhận số ca tử vong tăng gấp 2 lần so với tháng 10 với gần 10.000 trường hợp. Đáng lo ngại, tình hình được dự báo sẽ phức tạp hơn trong mùa đông, đặt gánh nặng lên các cơ sở chăm sóc y tế, nhất là với khu vực được đánh giá là có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất tại châu Âu.
Châu Á
Tình hình dịch bệnh tại châu Á, đặc biệt là tại một số nước Đông Nam Á, diễn biến phức tạp. Ngày 29/11, Indonesia đã ghi nhận tới hơn 6.200 ca nhiễm mới. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay tại nước này. Đáng lo ngại, đây là ngày thứ 3 trong vòng 1 tuần, số ca nhiễm mới ở Indonesia ở mức cao chưa từng thấy. Tính trung bình trong tháng 11, Indonesia ghi nhận khoảng 4.000 ca nhiễm/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng lên mức cao liên tiếp trong 3 ngày qua, ở mức 16%. Với tổng số hơn 534.200 ca nhiễm, gần 17.000 trường hợp tử vong, Indonesia hiện là quốc gia có số bệnh nhân mắc và thiệt mạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Philippines, số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt mốc 2.000 ca sau 19 ngày liên tiếp, lên 2.076 người. Theo kế hoạch, ngày 30/11, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte sẽ thông báo việc chính phủ sẽ giữ nguyên hay nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại thủ đô Manila và các khu vực khác.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 7 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 người là thành viên gia đình một phụ nữ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã đi mua sắm ở siêu thị Aeon Mall 1 vào ngày 28/11. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận 1 ca mắc COVID-19 trong ngày là vợ của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Nội vụ. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại nước này.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo có thêm 115 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 1/8 (với 125 ca nhiễm mới). Kể từ cuối tháng 1, Hong Kong ghi nhận tổng cộng trên 6.200 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 109 người không qua khỏi. Hong Kong đã đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ đêm và các tụ điểm giải trí lần thứ 3 trong năm, cho đến ít nhất ngày 3/12.
Dịch bệnh tại Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu đáng lo ngại khi số bệnh nhân có triệu chứng nặng lên tới 462 người, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện Tokyo đang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản là trên 144.600 người, bao gồm hơn 2.100 trường hợp tử vong.
Ngày 29/11, chính quyền Hàn Quốc đã bổ sung các biện pháp thắt chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ đô Seoul và vùng phụ cận sẽ hạn chế các cuộc tụ tập đông người và những hoạt động bị coi là dễ lây truyền virus. Theo đó, các bữa tiệc cuối năm bị cấm, phòng tắm hơi công cộng sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, những cơ sở thể thao trong nhà cũng sẽ bị cấm. Trước đó, thủ đô Seoul và các vùng phụ cận đã áp dụng quy định giãn cách cấp độ 2. Đối với các địa phương khác, những quy tắc mới về giãn cách xã hội sẽ được áp dụng từ ngày 1/12.