Thẻ hành nghề xe ôm, cấp rồi làm gì?

Dự thảo người chạy xe ôm chở khách, chở hàng hóa phải có thẻ hành nghề mà Hà Nội lấy ý kiến đã gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua.

Trước đó, từ năm 2019, Thành phố cũng đã từng muốn đưa xe ôm vào khuôn khổ, và lần đề xuất mới này tiếp tục gây nhiều tranh cãi về sự cần thiết và băn khoăn về mục tiêu, cách triển khai thực hiện.

Dự thảo người chạy xe ôm chở khách, chở hàng hóa phải có thẻ hành nghề mà Hà Nội lấy ý kiến đã gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua. (Ảnh: Chu Đức)

Dự thảo người chạy xe ôm chở khách, chở hàng hóa phải có thẻ hành nghề mà Hà Nội lấy ý kiến đã gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua. (Ảnh: Chu Đức)

Ông Bùi Văn Khương, 57 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm nghề xe ôm khoảng 3 năm nay sau khi công ty giải thể. Được biết đề xuất của Thành phố về việc người chở khách, hàng hóa bằng xe máy phải có thẻ hành nghề, ông Khương có rất nhiều băn khoăn:

"Có cần thiết không khi mà những người đã vào công ty rồi, chấp hành đầy đủ quy chế thì mới được hành nghề? Theo tôi không nên tạo thêm áp lực cho người lao động. Còn ý thức tham gia giao thông nó phải phụ thuộc vào từng tài xế".

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến về Dự thảo quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn. Theo đó, người điều khiển các phương tiện này phải đăng ký với UBND xã, phường, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào “Thẻ hoạt động vận chuyển”; yêu cầu phải có: căn cước, đăng ký xe, GPLX, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.

Hầu hết người làm xe ôm, shipper đều cho rằng thẻ hành nghề không giúp ích nhiều cho hoạt động của họ:

"Cái thẻ đấy mang đi chỉ chật ví chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì"

"Tôi làm từ năm 2003, theo tôi từ trước đến nay chẳng vấn đề gì mà bây giờ lại cấp thì chẳng ảnh hưởng gì, vì nó không bắt buộc mà".

"Tích cực là sẽ quản lý được lượng tài xế, còn thứ hai là về mặt tiêu cực, đối với tài xế thôi, là mất thời gian đến cơ quan chức năng, làm giấy tờ rườm rà".

Mẫu thẻ hoạt động vận chuyển dành cho xe ôm, shipper do UBND TP. Hà Nội đề xuất.

Mẫu thẻ hoạt động vận chuyển dành cho xe ôm, shipper do UBND TP. Hà Nội đề xuất.

Trước những vi phạm phổ biến của xe ôm, shipper hiện nay, nhiều người tham gia giao thông cho rằng cần phải quản lý, nhưng nên tìm biện pháp khác thay vì thủ tục, giấy tờ:

"Nói chung ý thức chấp hành luật giao thông còn rất kém, nên tăng chế tài phạt và mọi biện pháp quản lý có thể được. Khi anh qua một khóa học, thay vì cấp chứng chỉ giấy thì tích hợp vào căn cước công dân là làm nghề đấy, như vậy thì nó gọn nhẹ hơn".

"Tuyên truyền cũng chẳng được, cứ phải phạt nặng. Lực lượng chức năng, CSGT làm việc là chính thôi, chứ cấp thẻ giấy làm gì? Anh nghĩ là không giải quyết được vấn đề".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm thể hiện mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước với một nhóm đối tượng khá đông đảo và đang cần sự kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà dự thảo chưa thể hiện rõ:

"Tôi chưa nhìn thấy chế tài đối với người hành nghề xe ôm không có thẻ thì làm sao? Thứ hai, nếu giao cho phường, xã cấp thì lực lượng nào sẽ đi giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng? Và UBND phường, xã hiện đã khá nhiều việc rồi. Bằng lái, đăng ký xe, giấy phép hoạt động, hành nghề,… tất cả những thứ này đã được tích hợp công nghệ và sử dụng qua VNeID rồi. Nếu chưa biết ứng dụng công nghệ vào việc quản trị như thế này thì vô hình trung tạo thêm gánh nặng cho hệ thống".

Đồng tình quan điểm này, TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản cho rằng, nghề xe ôm, shipper là công việc phổ thông và hàng triệu người đã làm nhiều năm nay, không hiểu mục tiêu của việc cấp thẻ hành nghề là gì.

"Cấp thẻ hành nghề xe ôm có cần thiết hay không? Bởi bây giờ chúng ta có hàng triệu người làm xe ôm, không gây ra vấn đề gì mất an toàn, mất an ninh cho xã hội cả. Những người hành nghề xe ôm công nghệ đã có đăng ký với đại diện của các hãng công nghệ rồi, khá đủ chứng cứ pháp lý về việc người ta sở hữu xe và kỹ năng lái xe đã qua sát hạch. Còn nếu muốn nói chuyện tuân thủ luật giao thông thì không gì khác hơn là tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt", TS. Phan Lê Bình nói.

Trước tình trạng một bộ phận lớn xe ôm, shipper thường xuyên vi phạm luật giao thông, quản lý là cần thiết, chấn chỉnh cần sớm thực hiện, song việc triển khai cần nhiều giải pháp đồng bộ (Ảnh: Phúc Tài)

Trước tình trạng một bộ phận lớn xe ôm, shipper thường xuyên vi phạm luật giao thông, quản lý là cần thiết, chấn chỉnh cần sớm thực hiện, song việc triển khai cần nhiều giải pháp đồng bộ (Ảnh: Phúc Tài)

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, phương pháp quản lý xe ôm, shipper bằng thẻ hành nghề chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng tăng cường đảm bảo an toàn trong quá trình hành nghề hay giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu những biện pháp phù hợp hơn:

"Ví dụ như hình thành các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, một hình thức nào đó phù hợp để tập hợp lực lượng này. Thứ hai là tổ chức tập huấn, hướng dẫn, các giải pháp để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hành nghề".

Góp ý thêm với dự thảo của UBND Thành phố, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, đề xuất UBND xã, phường, thị trấn được giao bố trí vị trí đón trả khách và xếp dỡ hàng hóa cho xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh là không phù hợp, vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ là rất lớn, cần tiếp nhận, trả hàng hay chở khách tại nơi mà hành khách mong muốn, chứ không thể chỉ bố trí một vài điểm cố định.

Hiện Hà Nội chưa có thống kê số lượng xe ôm hành nghề trên địa bàn. Theo Sở GTVT, thành phố hiện có trên 8,1 triệu phương tiện, trong đó ô tô khoảng 1,1 triệu, mô tô khoảng 7 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành khác. Trước tình trạng một bộ phận lớn xe ôm, shipper thường xuyên vi phạm luật giao thông, quản lý là cần thiết, chấn chỉnh cần sớm thực hiện, song việc triển khai cần nhiều giải pháp đồng bộ chứ không đơn giản là một chiếc thẻ hoạt động vận chuyển.

Cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Thẻ hành nghề xe ôm: Khi lý do… to hơn mục đích”.

Đầu tiên, cần ghi nhận nỗ lực của TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng với mong muốn quản lý người hành nghề chở khách, hàng hóa bằng mô tô, xe máy, xe thô sơ trên địa bàn. Tuy nhiên, đề xuất thẻ hành nghề cho xe ôm vấp phải phản ứng của dư luận là điều dễ hiểu bởi nó còn mơ hồ về cả mục tiêu và cách triển khai thực hiện.

Về mục tiêu, nếu chỉ đơn thuần để thống kê số lượng xe ôm thì rõ ràng quá lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho cả cơ quan cấp thẻ và người được cấp. Hiện phần lớn người làm nghề xe ôm, shipper đang hợp tác với các công ty vận tải, vận chuyển lớn như: Grab, Be, Shopee,… Khi đăng ký hoạt động, người lái xe phải cung cấp đầy đủ cho công ty căn cước, GPLX, đăng ký xe và các giấy tờ liên quan. Cơ quan quản lý có thể yêu cầu các đơn vị vận chuyển cung cấp số liệu để thống kê; phần còn lại là lái xe ôm truyền thống, những người lớn tuổi ít tiếp xúc công nghệ thì có thể thống kê qua tổ dân phố hoặc các cuộc điều tra khác.

Còn nếu cấp thẻ hành nghề để quản lý xe ôm thì cần xem tiếp cách triển khai thực hiện như thế nào. Theo dự thảo của UBND Thành phố, không có bất cứ chế tài hay biện pháp xử phạt nào với những lái xe không đăng ký thẻ. Đăng ký chẳng được lợi gì, mà không đăng ký thì cũng chẳng sao, nhiều lái xe sẽ nghĩ rằng chẳng hơi đâu mà mất thời gian, mất công mất việc để đi đăng ký. Như vậy, cả mục tiêu quản lý lẫn mục tiêu thống kê đều không thực hiện được.

Để chấn chỉnh hoạt động giao thông của xe ôm, shipper, quan trọng nhất là việc xử phạt của các lực lượng chức năng, cả trực tiếp lẫn phạt nguội. (Ảnh: Chấn Hải)

Để chấn chỉnh hoạt động giao thông của xe ôm, shipper, quan trọng nhất là việc xử phạt của các lực lượng chức năng, cả trực tiếp lẫn phạt nguội. (Ảnh: Chấn Hải)

Đó là còn chưa kể điều kiện để được cấp thẻ là gì? Nếu cấp thẻ rồi thì người lái xe ôm, shipper có phải mang theo khi hành nghề không? Khi vi phạm, họ có phải xuất trình thẻ hành nghề không? Lực lượng nào chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra vi phạm này? Có tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông và tập huấn kỹ năng cho lái xe được cấp thẻ không?… Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra và nếu không được trả lời thỏa đáng thì có lẽ, đề xuất này không khả thi và không phù hợp thực tế.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người phải chạy xe ôm, shipper để mưu sinh, với một số người khác lại chỉ là nghề phụ, chạy thêm. Họ là những lao động phổ thông, không cần kiến thức, kỹ năng cao siêu như bác sĩ, luật sư,… mà phải cấp thẻ hành nghề. Còn còn cơ quan được đề xuất xác nhận đóng dấu là UBND xã, phường, thị trấn thì vốn đã có rất nhiều thủ tục hành chính khác cần thực hiện.

Do đó, một chiếc thẻ giấy dễ hư hỏng, thất lạc là không cần thiết và lãng phí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đang được hoàn thiện, cơ quan quản lý có thể sử dụng để yêu cầu người chở khách, chở hàng hóa bằng xe máy khai báo trên ứng dụng.

Còn để chấn chỉnh hoạt động giao thông của xe ôm, shipper, quan trọng nhất là việc xử phạt của các lực lượng chức năng, cả trực tiếp lẫn phạt nguội. Những khó khăn trong việc phạt nguội xe máy đã đề cập nhiều rồi, nhưng hãy cứ làm đi, cứ xử phạt đi, vì không cần xử lý quá nhiều, chỉ cần một vài trường hợp bị xử lý nghiêm và đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội thì chắc chắn sẽ tạo tính răn đe, sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong ý thức tham gia giao thông của người dân nói chung và xe ôm, shipper nói riêng.

Và thay vì tự mình quản lý, cơ quan giao thông có thể phối hợp các công ty vận chuyển. Trách nhiệm của họ ở đâu khi để “đối tác” thản nhiên vi phạm luật giao thông? Tại sao lại dung túng cho shipper mang theo thùng nọ, tải kia để chở hàng cồng kềnh?… Cơ quan hữu quan cần bổ sung hành lang pháp lý để có cơ chế phối hợp các công ty, đơn vị vận chuyển, từ đó có biện pháp nâng cao ý thức người lái xe ôm, shipper như: dựa vào phản ánh của khách hàng, số liệu xử lý vi phạm giao thông và các vi phạm khác để phạt tiền công của lái xe, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ,…

Với những vi phạm đã trở nên phổ biến thì cần nhiều thời gian, nhiều biện pháp mới có thể chấn chỉnh, và một chiếc thẻ hành nghề xe ôm là quá nhỏ bé để thay đổi thực trạng. Mỗi đề xuất cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra, bởi không phải cứ đề xuất là xong, không phù hợp thì thôi, nó còn là hình ảnh của cơ quan quản lý, ảnh hưởng niềm tin của người dân vào năng lực của các ban, ngành chức năng.

Minh Hiếu/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/the-hanh-nghe-xe-om-cap-roi-lam-gi-post1142306.vov