Thế hệ cô đơn, chưa già đã vào viện dưỡng lão

Không người thân, không kết hôn, một mình sinh sống ở các thành phố lớn, hàng triệu người trẻ Trung Quốc cảm thấy cô độc, không biết bấu víu vào ai khi gặp cảnh ốm đau, hoạn nạn.

Đầu năm 2021, hai câu chuyện kỳ quặc khiến mạng xã hội Trung Quốc xôn xao.

Một phụ nữ 26 tuổi đón Tết Nguyên đán một mình trong căn hộ ở Bắc Kinh do bị hạn chế đi lại trong mùa dịch, đã vô tình tự nhốt mình trong phòng tắm.

Sau hơn 30 giờ hoảng loạn kêu cứu, cuối cùng cô được một người hàng xóm nghe thấy tiếng đập ống nước giải cứu.

Tại Trùng Khánh, một kỹ thuật viên 39 tuổi đã đến viện dưỡng lão sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối.

Vì sống độc thân, cha mẹ đã qua đời, người này không còn ai chăm sóc và chỉ có thể nhờ đến các dịch vụ xã hội.

Những ví dụ kể trên chỉ là một vài trong vô số câu chuyện về cuộc sống đơn độc của hàng triệu người trẻ tuổi thuộc thế hệ "không tổ ấm" tại Trung Quốc, theo CGTN.

 Số lượng người trẻ Trung Quốc sống một mình đang có xu hướng gia tăng.

Số lượng người trẻ Trung Quốc sống một mình đang có xu hướng gia tăng.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy có 77 triệu thanh niên Trung Quốc chưa lập gia đình, sống một mình trong năm 2018. Con số này dự kiến lên tới 92 triệu người trong năm nay.

Xu hướng này có liên quan đến sự suy giảm đều đặn của tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ ở đất nước tỷ dân, đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách.

Đầu tháng này, một cố vấn chính trị đã đề xuất hỗ trợ xã hội nhiều hơn, bao gồm các dịch vụ y tế, tài chính và mai mối dành cho nhóm độc thân.

Ling Si đã sống một mình ở Bắc Kinh hơn 5 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Dù bận rộn với công việc và sở thích như chơi thể thao, có những thời điểm anh vẫn cảm nhận rất rõ về sự cô độc của mình, chẳng hạn như lúc bị ốm.

Ling đã thử hẹn hò và sử dụng dịch vụ mai mối nhưng kết quả không bao giờ như ý. "Những chuyện yêu đương, kết hôn gần như không thể ép buộc", anh nói.

Thế hệ đơn độc

Trung Quốc đang bắt kịp các nước công nghiệp phát triển, nơi những cá nhân, thay vì gia đình truyền thống, đã trở thành nền tảng của xã hội.

Trên khắp thế giới, số người độc thân đang gia tăng. Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở châu Âu, với các hộ gia đình một người chiếm hơn 40% tổng số hộ gia đình ở nhiều quốc gia.

David McDaid, nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại Trường Kinh tế London, cho rằng sự xói mòn của gia đình hạt nhân và cảm giác mất kết nối ở nơi làm việc đã làm gia tăng sự cô đơn trong những năm gần đây.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giảm kết nối xã hội, việc ở một mình đã nhanh chóng trở thành điều bình thường mới trên toàn thế giới.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử lần đầu gia tăng sau 11 năm cho thấy khía cạnh nghiệt ngã về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang rình rập trong đại dịch, theo Japan Times.

 Đại dịch khiến cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong giới trẻ thêm trầm trọng.

Đại dịch khiến cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong giới trẻ thêm trầm trọng.

Chỉ trong tháng 10/2020, số người Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ, tự kết liễu đời mình đã vượt qua tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước này.

Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ Nhật Bản tháng trước đã phải bổ nhiệm "Bộ trưởng Cô đơn". Đất nước mặt trời mọc trở thành quốc gia thứ hai sau Anh giải quyết vấn đề cô đơn ở cấp chính sách quốc gia.

Thế nhưng, không giống các cuộc khủng hoảng trước đây chứng kiến sự gia tăng lớn về số vụ tự tử của đàn ông trung niên, số liệu từ Nhật Bản và các nơi khác chỉ ra rằng phụ nữ và thanh niên bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.

Một nghiên cứu mới của Đại học Harvard cũng cho thấy sự cô đơn gây ra bởi sự cô lập với xã hội đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến thanh thiếu niên và thanh niên Mỹ.

Chikako Ozawa-de Silva, phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Emory, người bắt đầu nghiên cứu về vấn đề tự tử ở Nhật Bản vào những năm 1990, tin rằng những gì chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự cô đơn của một số người mà của cả xã hội.

"Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất rơi vào tình cảnh này. Đại dịch cô đơn và các điều kiện xã hội thúc đẩy nó đang lan rộng".

Bà Ozawa-de Silva nói thêm rằng các xu hướng tương tự đã xuất hiện ở một số nước đang phát triển khi họ bắt kịp các nước phát triển.

Nền kinh tế cô đơn

Tuy nhiên, đối với thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bão hòa về công nghệ, cuộc sống một mình trong tương lai có thể không quá bi kịch.

Wang Jianle đã tự nguyện chuyển ra khỏi nhà của cha mẹ mình vào năm cuối trung học vì muốn có nhiều không gian và tự do hơn.

Chàng trai 17 tuổi thừa nhận có những mặt trái của việc sống một mình khi còn là một thiếu niên, như dọn dẹp nhà cửa và gọi đồ ăn mang về mỗi ngày vì không thể tự nấu nướng.

 Thế hệ cô đơn của Nhật Bản tạo ra thuật ngữ Hikikomori (sống ẩn dật) và Kodokushi (cái chết cô độc).

Thế hệ cô đơn của Nhật Bản tạo ra thuật ngữ Hikikomori (sống ẩn dật) và Kodokushi (cái chết cô độc).

Tuy nhiên, khoảng thời gian, không gian yên tĩnh giúp anh học tập, làm việc hiệu quả hơn.

Ngay cả khi gia đình ở cùng thành phố và bạn gái học cùng trường, Wang chủ yếu chỉ nói chuyện với họ qua điện thoại. Anh tin rằng chìa khóa để giảm bớt sự cô đơn không phải là ở cạnh nhau 24/7 mà là cảm giác được ai đó thấu hiểu bất kể khoảng cách vật lý.

"Khi trò chuyện với mẹ và bạn gái, tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn. Nó vẫn có ích".

Có những lý do khác khiến việc sống một mình ngày càng được chấp nhận. Theo nhà xã hội học Eric Klinenberg, những người độc thân chi tiêu nhiều tiền hơn cho việc ăn uống, sở thích và giải trí so với những người đã kết hôn, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của "nền kinh tế cô đơn".

Klinenberg viết trong cuốn sách về cuộc sống một mình: "Sự gia tăng của cuộc sống đơn độc là một trải nghiệm xã hội mang tính thay đổi. Nó thay đổi cách chúng ta hiểu bản thân và những mối quan hệ thân thiết nhất của mình. Nó định hình cách chúng ta xây dựng các thành phố và phát triển nền kinh tế".

Lê Vy

Ảnh: CFP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-he-co-don-chua-gia-da-vao-vien-duong-lao-post1193575.html