Thế hệ 'ghost' nhà tuyển dụng
Phương Thảo cho biết bản thân đã chai lì cảm xúc khi nhiều lần hẹn lịch phỏng vấn với ứng viên nhưng đến ngày thì họ bỗng 'lặn mất tăm hơi'.
Lê Thị Phương Thảo (26 tuổi, chuyên viên tuyển dụng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, nước uống cho buổi phỏng vấn giữa ứng viên và giám đốc marketing diễn ra lúc 10h sáng 22/2.
Bên cạnh sales và designer, digital marketing là vị trí công việc được Thảo đăng tin tuyển dụng trước Tết nhưng đến nay vẫn trống chỗ. Do đó, mọi người ở công ty Thảo đều hy vọng lần này sẽ tìm được người phù hợp để đồng hành lâu dài trong các dự án mới.
Chờ khoảng một giờ mà không thấy ứng viên, Thảo và mọi người lắc đầu nhìn nhau. Cô cũng cố gắng nhắn tin, gọi điện nhưng không ai trả lời dù đầu dây bên kia vẫn đổ chuông. "Thế là thêm một ca 'ghost' phỏng vấn", Thảo chia sẻ.
“Bơ toàn tập”
Khi mới làm chuyên viên tuyển dụng, Thảo cho biết bản thân rất sốc và tức giận vì bị ứng viên "ghost" (từ lóng chỉ hành động cắt đứt liên lạc với một người mà không có lời giải thích - PV).
Theo thời gian, việc này xảy ra khá thường xuyên nên Thảo và các quản lý không còn quá bất ngờ. "Các bạn muốn hủy lịch phỏng vấn vì nhiều lý do có thể trao đổi thẳng thắn với tôi. Tôi sẽ không trách cứ, thậm chí còn hỗ trợ các bạn công việc khác. Chai lì cảm xúc rồi nên tôi chỉ còn biết nhắc nhở các bạn chú ý đừng tái phạm khi ứng tuyển công ty khác", Thảo bộc bạch.
Hồng Hạnh (23 tuổi, HR của một công ty mỹ phẩm ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Nữ HR cho biết mình đã gửi email thông báo lịch phỏng vấn cho ứng viên, thậm chí nhận được lời xác nhận nhiệt tình rằng sẽ đến đúng giờ. Đến hôm phỏng vấn, Hạnh cẩn thận nhắn tin nhắc nhở ứng viên nhưng đầu bên kia bỗng bặt vô âm tín.
"Họ không xem, phản hồi hay bắt máy khi tôi gọi điện. Tôi đoán họ đã có offer (lời đề nghị) khác phù hợp hơn trong thời gian đợi đến ngày phỏng vấn với công ty chúng tôi", Hạnh cười khổ, chia sẻ với Tri thức - Znews.
Tuy nhiên, cô chỉ khá sốc với hành động biến mất không một lời giải thích của ứng viên, chứ hoàn toàn thông cảm với sự lựa chọn của họ. Hạnh chia sẻ: "Nhà tuyển dụng và người xin việc là mối quan hệ win-win (đôi bên cùng có lợi - PV) nên có thể tìm đến nhau khi cần. Việc họ 'ghost' HR cũng giống như việc nhắn tin xin giá sản phẩm rồi không mua vậy".
Hiện tại, Hạnh vẫn miệt mài tìm kiếm nhân sự cho các vị trí, gồm: telesales (nhân viên tiếp thị qua điện thoại), nhân viên chăm sóc khách hàng và nhân viên marketing. Mỗi vị trí đều cần tuyển 5 người. Ngoài ra, công ty của Hạnh cần thêm 2 nhân viên vận hành sàn thương mại điện tử.
"Lặn" sau buổi training
Ngoài bị "ghost" phỏng vấn, Kiều Diễm (22 tuổi, quản lý cộng tác viên của một công ty phần mềm ở Đà Nẵng) còn gặp phải tình trạng ứng viên sales nghỉ việc chỉ sau một ngày training (đào tạo).
"Khó khăn, không phù hợp... là những lý do để các bạn ấy từ chối công việc dù mới tham gia đào tạo 1 ngày. Bên cạnh đó, một số cộng tác viên chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại muốn hưởng lương cứng, không kiên trì cải thiện mối quan hệ, mời chào hàng đã vội nghỉ việc. Người ở lại lâu nhất do tôi quản lý đến nay cũng mới làm 2 tháng", Diễm bày tỏ.
Công ty Diễm hiện có nhân viên sales chính thức, song muốn mở rộng mạng lưới bán hàng nên tập trung xây dựng một nhóm cộng tác viên khoảng 50 người. Theo Diễm, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với công ty.
Công ty có thể gia tăng doanh số, tiết kiệm chi phí chi trả cho cộng tác viên (trả tiền hoa hồng theo sản phẩm bán ra - PV), nhưng đồng thời hiểu rằng cộng tác viên là vị trí không có sự ràng buộc nên ứng viên có thể làm hoặc nghỉ việc tùy ý muốn.
Do đó, để thu hút và giữ chân nhiều cộng tác viên hơn, Diễm cho biết công ty đang cố gắng cải thiện chất lượng các khóa đào tạo, đồng thời chú trọng giao tiếp thân thiện với ứng viên trong quá trình tuyển dụng và làm việc sau này.
CV dùng teencode
Nguyễn Như Ý (22 tuổi, làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ setup phòng marketing cho doanh nghiệp) gặp phải trường hợp dở khóc dở cười khi ứng viên sử dụng teencode (một dạng chính tả không chính thức - PV) trong CV ứng tuyển vị trí content (nội dung).
"Ứng viên tốt nghiệp trường đại học uy tín, điểm GPA cũng tương đối cao vậy mà lại mắc lỗi cơ bản trong CV. Thay vì viết 'Không', bạn vô tư ghi 'Hok' khiến tôi rất sửng sốt", Ý nhớ lại.
Liên quan đến cách trình bày CV, Ý cho biết nhà tuyển dụng dễ mất thiện cảm đối với những CV thiếu chỉn chu từ những điều rất nhỏ như sai chính tả, lỗi font, nhảy dòng...
Cô cũng từng gặp một trường hợp CV bị doanh nghiệp loại thẳng tay vì đề cập sở thích chơi game không liên quan đến công việc. Ngoài ra, nhà tuyển dụng khá dè chứng trước những CV ứng tuyển trái ngành hoặc nhảy việc liên tục, theo kinh nghiệm của Ý.
Làm công việc hỗ trợ khách hàng tìm nhân sự, Ý được xem là đầu mối trung gian giữa ứng viên và doanh nghiệp. Nói cách khác, Ý chịu trách nhiệm sàng lọc CV một lượt trước khi gửi đến nhà tuyển dụng, đồng thời thỏa thuận với nhà tuyển dụng về lương thưởng, phúc lợi để đem lại cơ hội việc làm tốt nhất cho ứng viên.
Sau Tết, Ý quá tải với tin nhắn quan tâm đến thông tin tuyển dụng, song số người thực sự nộp CV chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể, quy trình tuyển dụng trải qua 3 vòng: phỏng vấn với Ý, phỏng vấn với công ty/doanh nghiệp và làm bài kiểm tra (nếu cần) vẫn khó tìm được người phù hợp, đảm bảo yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu 6 tháng đến 2 năm.
Nhìn nhận thị trường việc làm đợt này, Ý cho biết các công ty hướng đến nhân sự "đa-zi-năng", chẳng hạn người làm content biết thiết kế, chỉnh sửa ảnh. Mức lương và áp lực công việc theo đó cũng tăng lên.
Ngoài ra, các công ty thường xuyên tìm kiếm nhân sự sales và marketing, bởi một bên trực tiếp thúc đẩy doanh số công ty, bên còn lại nếu được vận hành tốt cũng sẽ tác động đáng kể đến thương hiệu và số lượng sản phẩm bán ra.
Nguồn Znews: https://znews.vn/the-he-ghost-nha-tuyen-dung-post1461560.html