'Thế hệ lạc lối' ở Hàn ôm nỗi thất vọng sau thảm kịch Itaewon
Vốn không có sẵn nhiều sự lạc quan về tương lai khi lương thấp, việc làm thiếu ổn định, thảm kịch ở Itaewon tiếp tục khiến người trẻ xứ kim chi lo sợ cuộc sống bấp bênh.
Trên một góc phố ở trung tâm thủ đô Seoul, một nhóm thanh niên Hàn Quốc tự tổ chức lễ tưởng niệm cho các nạn nhân đã thiệt mạng trong "đêm Halloween ác mộng" ở Itaewon hôm 29/10.
Park Tae-hoon (29 tuổi), một trong những người tổ chức buổi lễ, bày tỏ rõ sự thất vọng với BBC News: “Tôi không thể tin rằng những người ở độ tuổi tương đương tôi đã chết chỉ vì họ muốn vui chơi trong lễ Halloween".
Tại con phố chính ở Itaewon, Lee Seo Yoon cùng bạn bè đứng lặng yên, tay cầm các tấm biển ghi những thông điệp về thảm kịch. Trên tay Lee là tấm biển ghi dòng chữ: “Mọi việc đã có thể được ngăn chặn”.
Sau thảm kịch, công chúng nhận thức rằng lực lượng chức năng ở Seoul đã không lên phương án đề phòng từ trước. Ngay cả khi mối nguy đã rõ ràng, cảnh sát khu vực vẫn xử lý hời hợt, cho đến khi mọi thứ quá nghiêm trọng.
Thậm chí, giới trẻ nước này còn bị đổ lỗi vì kéo đi chơi quá đông. Một lần nữa, niềm tin của lớp trẻ nước này về giới chức trong việc bảo đảm cuộc sống an toàn lại lung lay. Trước đó, những lời hứa hẹn, cam kết về việc đảm bảo công ăn việc làm hay kiểm soát giá nhà tăng nhanh cũng từng khiến họ hy vọng rồi thất vọng.
8 năm sau thảm kịch Sewol
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố thành lập một nhóm điều tra đặc biệt cho vụ việc ở Itaewon, nhưng người Hàn Quốc có lý do chính đáng để hoài nghi liệu các nhà chức trách có tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ra tai nạn chết người hay không.
Năm 2014, Hàn Quốc đã trải qua một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở thời bình, khi một chiếc phà chở 325 học sinh của trường trung học Danwon ở Ansan - một thị trấn cách Seoul khoảng 1 giờ lái xe - bị lật.
Khoảng 250 thanh, thiếu niên đã chết, cùng với 11 giáo viên của họ và 43 hành khách khác.
Sau đó, cảnh sát điều tra ra rằng chiếc phà đã bị thay đổi kết cấu trái phép, chở quá tải với hàng hóa không được bảo đảm đúng cách. Thuyền trưởng bị kết án tù chung thân vì tội giết người và những người liên quan khác bị truy tố.
Tổng thống lúc bấy giờ là bà Park Geun-hye cũng bị chỉ trích vì không ứng phó thỏa đáng với thảm họa.
Ông Jang Dong-won, cha của Ae-jin, một học sinh sống sót sau vụ chìm phà nhưng mất đi 6 người bạn, cho biết: “Không có gì được tiết lộ chính xác trong 8 năm qua kể từ khi những người cha, mẹ mất con.
Lần này, sự lo lắng rằng sự thật một lần nữa bị che giấu lần này lại xuất hiện. Tại sao những người còn trẻ tuổi như vậy lại phải chết? Một bi kịch như thế đáng nhẽ không nên xảy ra. Tôi thực sự hy vọng rằng lần này tất cả sẽ bị phơi bày".
Trên mạng xã hội, những người dùng trẻ tuổi cũng lộ rõ sự bực tức xen lẫn thất vọng.
"Thế hệ cũ lại vô trách nhiệm, khiến những người trẻ tuổi chịu đựng cái chết thương tâm. Liệu chúng ta có bao giờ phá vỡ được vòng lặp này?".
"Là một công dân Hàn Quốc ở độ tuổi 20, tôi thực sự cảm thấy rằng đất nước không có khả năng bảo vệ tôi. Tôi thật sự suy sụp".
"Tôi đang sống ở Hàn Quốc, một đất nước phát triển trong thế kỷ 21 sao? Chúng ta, những người trẻ, nên tin tưởng ai để tiếp tục sống ở đất nước này? Giới chức bận nắm quyền lực và chối bỏ trách nhiệm. Thái độ này khiến tôi khó chịu".
Những bài đăng của lớp thanh, thiếu niên, nói về cảm giác bị "phản bội lần nữa bởi thế hệ lớn tuổi hơn" đang được chia sẻ rộng rãi.
Kim - một sinh viên tốt nghiệp Hanyang - cho biết thế hệ cô bị tổn thương. Cô nhớ nhà chức trách đã hứa sẽ nỗ lực ngăn chặn các thảm họa tương tự tái diễn sau vụ Sewol.
“Tôi bực bội và thất vọng. Tất cả chúng tôi đều chăm chỉ học tập và nỗ lực gây dựng cuộc sống riêng mình", Kim nói.
Kim cho biết những ký ức đau buồn là thứ kết nối thế hệ cô: “Mỗi chúng tôi đều có những tổn thương. Vì vậy, chúng ta có thể có xu hướng bảo vệ bản thân. Tôi tin chúng tôi là thế hệ cố gắng không để mất nhau”.
"Người lớn đã sai"
Cảm giác đau buồn hay thất vọng không chỉ dừng ở thế hệ trẻ. Ngay cả những người thuộc nhóm tuổi trung niên hay người già cũng bày tỏ sự giận dữ với chính quyền.
Một người dân đã viết trên tờ giấy nhớ tại bàn thờ tưởng niệm ở thành phố Gwangju: "Tôi xin lỗi vì những người lớn đã làm sai. Tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng vì một Hàn Quốc an toàn".
Với ông Nam In Seok (81 tuổi), người đã kinh doanh thời trang suốt 11 năm qua tại khu phố đêm Itaewon, con hẻm nhỏ đằng sau khách sạn Hamilton, nơi cửa hàng của ông trú ngụ, dễ lướt qua khỏi tầm mắt người đi đường bởi kích thước quá nhỏ.
Con hẻm vốn không có tên và vào ban ngày, ánh sáng mặt trời thậm chí còn không chiếu xuống được bởi đã bị che khuất bởi những tòa nhà đồ sộ kế bên.
Cũng chính ông Nam đã chứng kiến khung cảnh trước mặt mình mỗi ngày, biến thành "cái bẫy tử thần" vào đêm 29/10.
"19h, tôi đã thấy đám đông đổ về, cảm giác lo lắng tăng theo. Những khuôn mặt nhăn nhó vì phải chen chúc, lối vào cửa hàng tôi bị bịt kín hoàn toàn", người đàn ông kể lại.
Đến 21h50, khi ông Nam mở cánh cửa ngoài mặt tiền ra, hai cô gái ngay lập tức ngã vào, trên người dính đầy bùn đất và vết bầm tím. Bên ngoài, những tiếng la hét cầu cứu vang vọng. Ban đầu, ông Nam tưởng có vụ ẩu đả.
Nhưng khi ra ngoài, ông nhìn thấy cảnh tượng chưa từng có ở khu phố. Mọi người xếp chồng lên nhau, nhiều khuôn mặt trở nên tím tái. Như những người khác, ông Nam cố gắng kéo các nạn nhân ra nhưng bất thành.
Người đàn ông bị ám ảnh bởi buổi tối ác mộng đó. Đến 4h sáng, ông vẫn ở lại, giúp cảnh sát dọn dẹp túi xách, quần áo, giày dép nằm ngổn ngang ở hiện trường.
"Làm sao tôi có thể đi ngủ được? Tôi không thể".
Tuần trước, trên thảm cỏ trước Tòa Thị chính Seoul - nơi đặt một bàn thờ tưởng niệm, bà Lee In Sook, một cư dân thủ đô, nắm chặt tấm biển ghi dòng chữ "Tôi rất xin lỗi các bạn".
"Đây là một thảm họa do con người gây ra, nó sẽ không xảy ra nếu chính phủ kiểm soát trật tự công cộng. Chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc này. Thế hệ cũ cũng phải chịu trách nhiệm, họ đã bỏ phiếu sai. Tôi ở đây vì tất cả người trẻ Hàn Quốc đáng được sống ở một nơi an toàn, công bằng và yên bình", bà Lee vừa nói vừa khóc.
Một số người khác đến gần bà Lee để an ủi, song bà tức giận gạt ra. "Đó là lỗi của chúng tôi, họ đã chết", bà kêu lên.