Thế hệ trẻ tại Pháp nguyện tiếp nối truyền thống hào hùng vì đất nước Việt Nam hùng cường
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thế hệ trẻ Việt Nam tại Pháp bày tỏ niềm tự hào tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước và khẳng định trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của đất nước.

Với thế hệ trẻ Việt Nam tại Pháp, hào khí của Chiến thắng ngày 30/4/1975 niềm tự hào và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để không ngừng đóng góp vào việc tiếp những trang sử vàng cho Tổ quốc trong thời đại mới. (ẢNH: MINH DUY)
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh rằng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một mốc son lịch sử, nhưng đồng thời cũng là một lời hiệu triệu thế hệ trẻ: hãy tiếp nối hành trình ấy bằng trí tuệ, lòng yêu nước và tinh thần hội nhập để đóng góp thật nhiều cho đất nước.

Sinh viên Việt Nam sớm nhận được phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, Thống nhất đất nước để giới thiệu tới cộng đồng và bạn bè quốc tế.
Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội Không gian Nghệ thuật:
Với tôi, ngày 30/4 không chỉ là ngày ôn lại quá khứ hào hùng mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ phải sống và cống hiến xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh để gây dựng, gìn giữ. Trách nhiệm đó đối với thế hệ trẻ người Việt ở trong và ngoài nước, không chỉ nằm ở việc học tập, lao động giỏi, mà còn ở việc giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, tiếp nối hành trình xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh và hùng cường.
50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một mốc son lịch sử, nhưng đồng thời cũng là một lời hiệu triệu thế hệ trẻ: hãy tiếp nối hành trình ấy bằng trí tuệ, lòng yêu nước và tinh thần hội nhập để đóng góp thật nhiều cho đất nước.

Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội Không gian Nghệ thuật (giữa): Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng đến giới trẻ khắp nơi rằng dù chúng ta có đang sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì vẫn luôn tự hào mang trong tim màu cờ sắc áo Việt Nam.
Tôi cảm thấy rất tự hào khi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của Việt Nam, không chỉ là sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng, công nghệ, kinh tế, mà quan trọng hơn là tư duy hội nhập, bản lĩnh và vị thế ngày càng vững chắc trên trường quốc tế. Việt Nam giờ đây không còn là một đất nước chỉ được biết đến qua chiến tranh, mà còn được nhắc đến như điểm đến tuyệt vời, một quốc gia sáng tạo, có bản sắc và khát vọng vươn tầm toàn cầu.
Chính vì thế, tôi cùng các bạn đã xây dựng dự án Toucher-Arts như một hành trình kể chuyện Việt Nam từ góc nhìn của người trẻ – những công dân toàn cầu mang trong mình tinh thần Việt. Qua dự án này, các bạn trẻ Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới cùng tham gia triển lãm tranh về di sản văn hóa, biểu diễn âm nhạc truyền thống pha trộn đương đại, làm phim tài liệu, dạy văn hóa Việt trong trường học Pháp… Tất cả đều nhằm mục đích lan tỏa hình ảnh Việt Nam một cách mới mẻ, hiện đại, trẻ trung, khác xa định kiến cũ và tràn đầy tự hào dân tộc.
Tại Pháp, khi chúng tôi tổ chức chuỗi sự kiện trong khuôn khổ dự án Toucher-Arts - một dự án do Hiệp hội ART SPACE sáng lập - tôi cảm nhận rất rõ sự quan tâm và thiện cảm mà người Pháp dành cho văn hóa Việt. Họ ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi những giá trị truyền thống của Việt Nam được các bạn trẻ thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại: từ tranh vẽ, âm nhạc, phim tài liệu cho đến các buổi trình diễn, triển lãm. Điều này cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, văn minh, sáng tạo và đậm đà bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế.
Các hoạt động của chúng tôi không chỉ là các hoạt động quảng bá văn hóa, mà còn là thông điệp: thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay hiểu rõ giá trị của hòa bình, tự do và độc lập - những thành quả mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu.
Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội Sinh viên Thanh niên Việt Nam tại Pháp:

Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội Sinh viên Thanh niên Việt Nam tại Pháp: Chúng tôi tự hứa sẽ sống xứng đáng với những thế hệ đi trước.
Những ngày gần đây, dường như mỗi ngày tôi dành nhiều thời gian hơn để xem điện thoại, nhưng không phải những tin tức hay đoạn phim mà là những hình ảnh về những buổi hợp luyện diễu binh chào mừng ngày 30/04 hay những thước phim về những sự hy sinh cho đất nước được như ngày hôm nay, những hình ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những cựu chiến binh…được chia sẻ tràn ngập trên các mạng xã hội. Qua đó cho thấy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt ta lại có dịp được nhắc nhở. Cả đất nước lại được sống trong không khí hào hùng cách đây 50 năm mà âm hưởng còn vang vọng đến hôm nay.
Những thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến cứu nước thật hiên ngang, anh dũng bất khuất vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước mà thế hệ trẻ hôm nay luôn phải ghi nhớ. Quả thật, chúng tôi nghiêng mình trước sự hy sinh của bao lớp người, trong đó rất nhiều thanh niên, sinh viên.
Là thế hệ được sinh ra vào thời bình và trong quá trình thay đổi rất lớn của đất nước là hạnh phúc lớn lao của những bạn bè đồng trang lứa chúng tôi. Trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, chỉ với 30 năm (từ năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ), đất nước ta mới có thời gian phát triển. Gần đây là thời kỳ chuẩn bị lấy đà, ổn định với những nền tảng tốt về kinh tế, xã hội sau nhiều năm của chính sách “ngoại giao cây tre”. Giờ là thời điểm chín muồi để đất nước ta bức phá vượt bậc, như Nghị quyết 57 đã xác định, chính khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa.
Với mục tiêu lớn như vậy, cộng đồng thanh niên, sinh viên ngoài nước có nền tảng kiến thức tốt, được tiếp thu nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật là cánh tay nối dài của đất nước. Phấn đấu là đội ngũ có vị thế và chỗ đứng, đóng góp tốt tại nước sở tại đồng thời hướng về quê hương đất nước, là ý thức xuyên suốt của thế hệ trẻ hiện nay ở nước ngoài.
Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Pháp ý thức rõ trách nhiện hướng về đất nước, nỗ lực lan tỏa những giá trị quý báu của dân tộc để cộng đồng thanh niên sinh viên quốc tế hiểu và ủng hộ mục tiêu xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ý nguyện của Bác Hồ.
Đào Hoàng Minh, Chủ tịch Chi hội Sinh viên Việt Nam tại Lyon:
Thật sự là mỗi lần nhìn lại những hình ảnh hồi xưa, rồi so với Việt Nam ngày nay, tôi cảm thấy rất tự hào. Từ một đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, đất nước ta giờ đây đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực. Sự thay đổi rõ rệt không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở những vùng quê.

Đào Hoàng Minh, Chủ tịch Chi hội Sinh viên Việt Nam tại Lyon: Mỗi người trẻ nếu đều có suy nghĩ “mình cần làm gì cho đất nước” thì tôi tin chắc rằng Việt Nam ta sẽ ngày càng phát triển, văn minh và vững mạnh hơn trong tương lai.
Việt Nam những năm gần đây đang dần ghi dấu ấn rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, không chỉ qua tăng trưởng kinh tế, mà còn ở sự chủ động, tích cực trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Cá nhân tôi thấy niềm tự hào ấy được phản ánh rõ khi nói chuyện với bạn bè Pháp. Họ không chỉ biết đến Việt Nam qua lịch sử, mà còn quan tâm đến văn hóa, ẩm thực, con người và sự phát triển của đất nước mình.
Nhiều bạn bè Pháp sau khi du lịch Việt Nam về đều kể rằng họ rất bất ngờ vì đất nước mình hiện đại và năng động hơn nhiều so với những gì từng hình dung. Với giới trẻ Pháp, nhất là sinh viên, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ để du lịch mà còn để khám phá văn hóa và tìm hiểu về một quốc gia đang phát triển rất nhanh.
Chúng tôi thấy rất may mắn khi được lớn lên trong hòa bình, không còn nghe tiếng bom đạn, nhưng cũng không bao giờ quên rằng sự bình yên này là thành quả và sự hy sinh của biết bao thế hệ cha ông ta đi trước. Chính vì vậy, tôi cũng như các bạn trẻ hiện nay cần phải có trách nhiệm lớn trong việc giữ gìn và phát triển những gì mà cha ông ta đã để lại.
Trách nhiệm đó không nhất thiết phải là làm một điều gì đó quá to tát. Chỉ cần mỗi người trẻ sống có lý tưởng, học tập và làm việc nghiêm túc, có ý thức với cộng đồng và xã hội thì đã là một đóng góp quý giá rồi. Với tôi, dù đang học tập ở nước ngoài, vẫn luôn cố gắng góp phần lan tỏa hình ảnh tích cực của Việt Nam tới bạn bè quốc tế qua các hoạt động quảng bá văn hóa do Hội Sinh viên Việt Nam tại Lyon tổ chức. Sau này, tôi rất mong muốn được trở về, mang những gì đã học được tại Pháp để đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam không chỉ là một dịp để tri ân, mà còn là dịp để nhìn lại thế hệ trẻ như tôi đã và đang làm được gì cho đất nước hay chưa. Những điều cha ông để lại không chỉ là lịch sử, mà còn là tinh thần vượt khó, sự hy sinh và cả niềm tin, hy vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Chính vì vậy, tôi cho rằng thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp nối truyền thống hào hùng đó bằng những hành động cụ thể, dù nhỏ thôi như học tập tốt, sống có trách nhiệm, tôn trọng văn hóa dân tộc, biết gìn giữ bản sắc trong bối cảnh hội nhập.
Lương Ngân Hà, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Grenoble:
Tôi hiểu rõ rằng để có tự do và hòa bình hôm nay, những thế hệ đi trước đã phải hy sinh rất nhiều. Thế hệ trẻ chúng tôi may mắn không phải đi qua những tháng ngày đầy bom đạn và khói lửa chiến tranh. Hơn một triệu liệt sỹ đã nằm xuống để đất nước được hòa bình và phát triển như hôm nay. Chính vì vậy, thế hệ trẻ có trách nhiệm tiếp bước cha ông bằng hành động cụ thể: học tập nghiêm túc, làm việc sáng tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa và sẵn sàng hội nhập quốc tế. Mỗi cá nhân cần nuôi dưỡng ý thức công dân, lòng yêu nước và chủ động đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Lương Ngân Hà, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Grenoble: Tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên và trách nhiệm với cộng đồng là những giá trị mà thế hệ trẻ cần tiếp tục vun đắp để góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường hơn.
Là một người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, tôi cảm nhận rõ niềm tự hào trước sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong suốt mấy thập kỷ vừa qua. Từ một quốc gia chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam, dân tộc ta đang từng bước bước vào “kỷ nguyên vươn mình” để trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, ổn định về chính trị và ngày càng có tiếng nói trên trường quốc tế.
Người Pháp, nhất là giới học giả và những người làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Họ thường nhắc đến Việt Nam như một “hình mẫu thành công” của khu vực Đông Nam Á, với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong các tổ chức quốc tế và vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và phát triển bền vững.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là một sự kiện trọng đại để toàn dân tộc Việt Nam cùng hướng về cội nguồn, tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhưng đồng thời, đây cũng là lời hiệu triệu cho thế hệ hôm nay, nhất là lớp trẻ, nhận thức rõ trách nhiệm thiêng liêng của mình trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.
50 năm sau ngày non sông liền một dải, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình xây dựng một quốc gia hùng cường, thịnh vượng vẫn còn rất nhiều chông gai, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần đổi mới sáng tạo và một ý chí vượt khó mạnh mẽ.
Tôi cho rằng thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực vì mục tiêu cá nhân, mà còn phải đóng góp cho khát vọng vươn xa hơn nữa của dân tộc. Thể hệ trẻ phải lấy lòng biết ơn làm động lực, lấy lý tưởng phát triển đất nước làm kim chỉ nam hành động. Chỉ khi ấy, chúng ta mới thực sự xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, nhân văn, ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Đặng Trung Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Orleáns:
Hòa trong không khí tưng bừng của ngày đại lễ, thế hệ trẻ càng thấm thía hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, độc lập. Chúng tôi hiểu rằng cuộc sống hôm nay là thành quả từ biết bao hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước. Đó không chỉ là bài học lịch sử, mà còn là lời nhắn nhủ, là trách nhiệm mà chúng tôi cần tiếp bước và gánh vác.

Đặng Trung Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Orleáns: Thế hệ trẻ cần tiếp nối truyền thống hào hùng, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.
Là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời hòa bình, đất nước đổi mới, hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ, giới trẻ Việt Nam hôm nay có đầy đủ điều kiện để cống hiến, sáng tạo và phát huy nội lực. Trách nhiệm của chúng tôi là phải học tập không ngừng, làm chủ khoa học công nghệ, rèn luyện phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, xã hội.
Thế hệ trẻ chúng tôi ý thức được rằng: yêu nước thời bình không nhất thiết phải là điều gì to tát. Đó có thể là mỗi hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa - như bảo vệ môi trường, sống trung thực, cống hiến hết mình trong công việc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng dấn thân vào những lĩnh vực khó khăn vì lợi ích chung của xã hội.
Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi thấy quê hương ngày một đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Trong từng bước tiến của đất nước, tôi vẫn luôn cảm nhận được tinh thần đoàn kết, kiên cường của dân tộc. Là người trẻ, tôi cảm thấy biết ơn và có trách nhiệm tiếp nối những thành quả ấy bằng nỗ lực và khát vọng cống hiến.
Người Pháp, nhất là những ai từng sống, làm việc tại Việt Nam, dành nhiều thiện cảm và sự nể phục đối với đất nước ta. Bạn bè quốc tế nói chung và người Pháp nói riêng luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước chặng đường phát triển thần kỳ của Việt Nam - hình mẫu của một quốc gia “vượt lên từ đổ nát”, từ quá khứ chiến tranh đau thương để trở thành đất nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh và có vai trò đáng kể trong trong khu vực.
Quãng thời gian 50 năm là một hành trình lịch sử, vừa đủ dài để kiểm chứng bản lĩnh một dân tộc và cũng là dấu mốc để khởi đầu cho một chặng đường mới. Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân quá khứ hào hùng, mà còn là lời nhắc nhở đối với thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, và cả thế hệ mai sau: phải sống sao cho xứng đáng, phải tiếp nối và nâng tầm những giá trị mà cha ông đã hy sinh để lại. Lịch sử đã trao cho chúng ta một nền độc lập, tự do, nhưng hành trình xây dựng một đất nước giàu đẹp, văn minh và hùng cường vẫn đang tiếp diễn và thế hệ trẻ chính là người đang tiếp nối sứ mệnh thiêng liêng ấy.
Trong thời đại công nghệ, toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, thử thách vẫn còn nhiều. Đất nước cần một thế hệ trẻ dám đổi mới tư duy, dám hành động vì lợi ích chung; cần một lớp người có hoài bão lớn, có năng lực, có lý tưởng và trên hết là có tinh thần trách nhiệm cao với Tổ quốc.
Như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, chúng tôi thấy phải luôn rèn luyện để có những tư duy đột phá, cách làm đột phá, cải cách chính mình. Một Việt Nam hùng cường không còn là giấc mơ xa xôi, mà là mục tiêu hiện hữu - nếu toàn dân đoàn kết, chung sức, chung lòng. Đó là lý tưởng mà thế hệ đi trước đã khởi xướng, và thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm tiếp nối một cách xứng đáng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng khẳng định: “Sự trưởng thành, bền vững, thậm chí vận mệnh của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng thanh niên và thế hệ trẻ.”
Vì vậy, tôi tin rằng, với tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến, thế hệ trẻ hôm nay sẽ là lực lượng tiên phong đưa Việt Nam tiến bước vững chắc trong kỷ nguyên mới.
Mạnh Quyền, sinh viên Đại học Lille:
Tôi rất tự hào khi thấy, từ một đất nước chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, bị kìm hãm về kinh tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một đất nước hòa bình, ngày càng phát triển và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Mạnh Quyền, sinh viên Đại học Lille: Tôi rất tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Trong 50 năm qua, dân tộc Việt Nam đoàn kết, cần cù, thông minh, sáng tạo, và nồng nàn tình yêu nước, thể hiện sự vươn mình mạnh mẽ. Đây chính là yếu tố then chốt giúp đất nước đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, thành viên tích cực của ASEAN, dần khẳng định vai trò quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế khu vực. Trên trường quốc tế, Việt Nam còn tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO, và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nâng cao vị thế quốc gia. Tính đến tháng 2/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 10 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia và New Zealand.
Qua tiếp xúc, tôi thấy rõ người Pháp nhìn nhận Việt Nam: hòa bình, ổn định và phát triển. Chính phủ Pháp xem đất nước ta là một đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ giữa hai nước đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục và quốc phòng. Pháp đánh giá cao sự phát triển năng động của Việt Nam, đặc biệt trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Bảo Châu, sinh viên Đại học Lille:
Là một người trẻ Việt Nam, cũng như bao bạn trẻ khác ở trong và ngoài nước, tôi luôn biết ơn sự hy sinh của các thế hệ đi trước, tất cả vì độc lập, tự do và phát triển.

Bảo Châu, sinh viên Đại học Lille: Đây là để thế hệ trẻ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sự trân trọng những hy sinh của thế hệ ông cha.
Tôi rất tự hào về truyền thống dân tộc, dù trải qua rất nhiều thách thức và hiểm nguy, vẫn luôn đoàn kết một lòng và tự lực, tự cường bền bỉ. Đối với tôi, truyền thống quý báu như vậy cần được gìn giữ và tiếp nối, là nền tảng vững chãi của dân tộc trước mọi cơ hội hay thách thức.
Dù ở xa Tổ quốc, tôi luôn hướng về quê hương, dõi theo với niềm tin, hy vọng và tự hào sâu sắc về từng bước chuyển mình của đất nước. Tôi hãnh diện khi thấy sự thay đổi trong góc nhìn của bạn bè năm châu trước dải đất hình chữ S - một đất nước kiên cường và đầy triển vọng. Tôi cũng luôn ấp ủ tâm niệm phát triển nội lực bản thân, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển chung của dân tộc – bất cứ khi nào, dù bằng cách này hay cách khác.
Phúc Anh, sinh viên Đại học Lille:
Là thế hệ trẻ, lớn lên trong hòa bình, tôi cho rằng sống xứng đáng với những gì cha ông đã để lại không chỉ là biết ơn và tưởng nhớ, mà còn cần có hành động cụ thể: học tập nghiêm túc, lao động sáng tạo, sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và với đất nước.

Phúc Anh, sinh viên Đại học Lille: Thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và có nhiều cơ hội góp phần đưa đất nước Việt Nam đi lên giàu mạnh, phồn vinh.
Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều cần không ngừng nâng cao giá trị bản thân, góp phần vào sự phát triển bền vững và hùng cường của Tổ quốc. Đây cũng là cách thiết thực nhất để giữ gìn, phát huy những giá trị thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương.
Sự kiện kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam và thống nhất đất nước không chỉ là khúc ca hào hùng của quá khứ, mà còn là tiếng trống thúc giục chúng ta vững bước tiến về phía trước, tiếp nối hành trình dựng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.